Đền Yên Lương - Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An
Đền Yên Lương được xây dựng năm Nhâm Tuất (1682), niên hiệu Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hi Tông, là công trình kiến trúc tâm linh có bề dày lịch sử tồn tại gần 350 năm. Trải qua thời gian dài tồn tại đến nay đền Yên Lương có quy mô lớn với các hạng mục công trình như: Nghi môn, lầu voi, ngựa, hạ điện, trung điện, thượng điện. Đền trở thành biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào của người dân làng chài vùng biển Cửa Lò.
Đền Yên Lương với tín ngưỡng thờ hải thần gắn với đời sống tâm linh của cư dân vùng biển, hình thành nên hệ thống văn hóa biển của người Việt. Cư dân làng Yên Lương từ xưa đến nay chủ yếu sống bằng nghề đi biển, đây là một trong những làng chài lớn có truyền thống lâu đời và nổi tiếng vùng Cửa Lò, Nghi Lộc. Hiện nay, phường Nghi Thủy có hơn 200 tàu thuyền công suất lớn, trong đó có 30 đội tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng hải sản mà họ đánh bắt được chiếm hơn 2/3 sản lượng chung của toàn thị xã Cửa Lò. Nghề đi biển từ xưa đến nay luôn là nghề vất vả, hiểm nguy nhưng hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân biển nơi đây vẫn yêu và bám biển. Với tính chất công việc như vậy, nên đời sống tâm linh của người dân vùng biển có những điểm đặc trưng và rất độc đáo. Đối với cư dân nơi đây dù là nhân thần, nhiên thần hay thiên thần khi quy chiếu vào trong đời sống tâm linh của họ đều trở thành những vị hải thần (tức là những vị thần biển). Tín ngưỡng thờ hải thần có dấu ấn rất riêng và rất sâu sắc đối với ngư dân vùng biển. Trong hệ thống hải thần của ngư dân vùng Cửa Lò bao gồm những vị thần khi sống được giao cai quản vùng biển, vùng cửa sông, cửa lạch như: Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn, Chiêu trưng vương Lê Khôi, Nguyễn Sư Hồi…; hay những vị thần hiển linh được phong cai quản vùng biển như: Tứ vị Thánh nương; Thủy tinh phu nhân, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu…, hoặc như nhiên thần Cao Sơn Cao Các khi được tôn thờ ở vùng biển cũng trở thành những vị hải thần chuyên trấn giữ cửa biển. Ngoài ra, cư dân nơi đây còn có tín ngưỡng thờ Ngư ông, một tín ngưỡng thờ hải thần rất phổ biến của cư dân vùng biển từ vùng Bắc miền Trung vào đến cực Nam của đất nước.
Hải thần là những vị thần có khả năng bảo hộ cho ngư dân khi ra khơi vào lộng được an toàn. Với hoạt động khai thác hải sản trên biển, hiểm nguy luôn rình rập ngư dân không có gì để nương tựa ngoài niềm tin vào đấng thần linh nên trong tâm thức của ngư dân nơi đây việc sùng bái vị thần biển được đẩy lên cao, với vị thế độc tôn, tối thượng, họ đặt niềm tin một cách tuyệt đối vào những vị thần mà họ thờ phụng. Chính vì vậy, di tích đền Yên Lương gắn với tín ngưỡng thờ hải thần đã được hình thành trên cơ sở niềm tin ấy. Niềm tin tâm linh được cả cộng đồng tôn thờ, thông qua đó cố kết cộng đồng, cùng nhau bảo vệ và khai thác hải sản trên biển. Đồng thời, đời sống tâm linh của ngư dân làng chài Yên Lương là một trong những nền tảng vững chắc của quan hệ cộng đồng làng xã. Trước hết, nó là ý thức về cội nguồn, mà cội nguồn của làng chài Yên Lương thể hiện qua việc thờ cúng các vị thần linh của làng mình, đó là các vị thần biển như Tứ vị thánh nương.
Tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương là một trường hợp độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở nước ta. Nguồn gốc sâu xa của tín ngưỡng này bắt nguồn từ chế độ mẫu hệ trong xã hội nguyên thủy. Việc tôn thờ người phụ nữ dựa trên cơ sở coi trọng vai trò người mẹ trong gia đình.
Đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai được xác định là điểm phát tích thờ Tứ vị thánh nương, về sau nơi đây trở thành trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất, đứng đầu trong tứ linh của xứ Nghệ, “ Nhất Cờn, nhì quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng ”. Hiện tượng thờ Tứ vị thánh nương không chỉ dừng lại ở nơi phát tích ban đầu mà còn được khuếch tán, lan tỏa ra nhiều vùng xung quanh, nhất là các vùng ven sông, ven biển, trong đó có đền Yên Lương. Theo cuốn “ Đền Cờn, tục thờ Tứ vị thánh nương và quần thể di tích văn hóa ở xã Quỳnh Phương ” ( [1] ) dẫn từ Bách thần ký thì cả nước có 1,057 đền thờ Tứ vị thánh nương. Còn theo thần tích thần Tứ vị ở Hàm Thủy và tại Ninh Mật (Ninh Bình) thì số đền thờ Tứ vị thánh nương trong cả nước là 1.964 cơ sở. Sự tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Tứ vị xoay quanh nhân vật trung tâm Dương Thái Hậu dưới thời Nam Tống ở Trung Quốc. Dựa vào sử liệu Trung Quốc, tác giả Long Đằng người Trung Quốc đã ghi lại lịch sử bi tráng liên quan đến Dương Thái Hậu như sau: “ Năm 1276, kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống rơi vào tay quân đội Mông Cổ, vua nhà Tống là Tống Cung Tôn cũng bị bắt làm tù binh. Dương Thục Phi (Phi tử của Tống Độ Tông) đưa hai hoàng tử bé là Triệu Thị, Triệu Bính chạy về phía Nam qua đường biển, cùng với những văn thần, võ tướng tiếp tục bất khuất chống Nguyên...Dương Thái Hậu biết Đế Bính đã chết, bèn khóc than rằng: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cùng là vì cốt nhục của nhà Triệu, hôm nay chết rồng, ta còn sống được nữa ư?. Nói rồi cũng nhảy xuống biển tự tử”. Hôm sau trên biển nổi lên hơn 100 nghìn thi thể. Nhà Nam Tống bị diệt vong.” ( [2] )
Cũng tương tự như vậy, Hippolyte Le Breton trong cuốn “ An tĩnh cổ lục ” có chép: “ Đền Cần được dựng lên tại làng Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu do dân địa phương làm để thờ “Hoàng thái hậu” của triều nhà Tống bị chết đuối ở đây (cùng với 3 công chúa) trong khi trốn chạy vì một kẻ cưỡng đoạt ngôi vua ” ( [3] )
Đền Cờn lúc đầu được xây dựng với quy mô nhỏ là nơi tưởng niệm, thể hiện tình cảm thương xót của người sống đối với thân phận bi thương của một bậc đế vương, hoàng thái hậu trước biến đổi của cuộc đời, vị thần thờ lúc này chưa mang chức năng tâm linh lớn đối với người dân trong vùng. Nhưng sau sự kiện vua Trần Anh Tông, vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, vào đền mật đảo được thần phù trợ linh ứng, xuất quân thuận lợi giành được chiến thắng nhờ vậy mà đền Cờn ngày càng được thiêng hóa.
Sách Đại Việt sứ ký toàn thư chép: “Năm Hưng Long thứ 20 (1312), vua Trần Anh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải, gặp sóng to gió lớn phải dừng lại, đêm ấy nhà vua nằm mộng thấy nữ thần khóc và nói rằng: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, lênh đênh sóng gió, trôi dạt vào đây, Thượng đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bậc cao niên ở địa phương dò hỏi sự tình và tiến hành ban tế một tuần rồi mới đi. Trên đường tiến quân, sóng yên biển lặng, quân tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm Thành. Thắng trận trở về, vua Trần ghé lại thăm đền, ban sắc phong cho thần“Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh nương ” [4] .
“ Năm Hồng Đức thứ nhất, vua Lê Thánh Tông thân chính đi đánh Chiêm Thành, thuyền qua Cửa Cờn, vào đền mật đảo, khi ra đi được sóng êm gió lặng, kéo quân đến thẳng Chiêm Thành, được đại thắng; khi kéo quân về thuyền ngự đã qua cửa Biện, chợt có gió đông nổi lên, buồm thuyền theo chiều gió quay lại, thành ra trở lại dưới chân đền. Nhà vua bèn hạ lệnh tăng phẩm trật thần và dựng thêm đền miếu, nhân đấy gọi chỗ thuyền quay lại là xã Hồi Châu. Thần được lịch triều phong tặng và bản triều gia phong, nay trong cả nước có nhiều đền thờ ” ( [5] ) .
Từ đó, đền Cờn thờ Tứ vị thánh nương được nhà nước phong kiến trung ương ban tặng sắc phong ghi nhận công trạng “ Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương ”, được phong đến bậc cao nhất là “Thượng đẳng tối linh” và trở thành vị nữ thần trấn giữ nơi cửa biển, nhờ đó mà danh tính của vị thần được thờ ở đền Cờn trở nên linh thiêng trong tâm thức của người dân, có sức lan tỏa rộng rãi, được nhân dân nhiều nơi ngưỡng mộ, lập đền thờ phụng nhất là ngư dân vùng biển. Trong tín ngưỡng tâm linh của ngư dân vùng biển thần Tứ vị thánh nương có vị trí cao nhất và được thờ phổ biến nhất trong hệ thống hải thần của người Việt.
Một chi tiết nhằm giải thích việc Tứ vị thánh nương được thờ rất phổ biến ở vùng biển. Đó là trong giấc mơ của vua Trần Anh Tông, Dương Thái Hậu nhà Nam Tống cho vua biết rằng: “ Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu ”. Chính vì vậy, trong tâm thức người dân vùng biển Tứ vị thánh nương chính là vị nữ thần đại diện cho hải thần, người có quyền năng cai quản cửa lạch, cửa sông và biển cả bao la, thần luôn phù hộ độ trì cho ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn tính mạng.
Làng chài Yên Lương trước đây, ngoài ngư dân đánh cá trên biển còn có một bộ phận nhỏ làm nghề buôn thuyền mành (còn gọi là Vạn Mành). Vạn buôn thuyền mành ở Yên Lương có khoảng vài chục chiếc thuyền, mỗi thuyền có trọng tải từ 15 – 20 tấn. Họ là những người đưa các sản phẩm được chế biến từ hải sản như: nước mắm, mắm tôm, mắm cá đi buôn bán khắp nơi, nhưng thời kỳ trước chủ yếu đi ra phía Bắc và lên vùng phía Tây Nghệ An. Trong quá trình đi lại buôn bán vạn mành Yên Lương giao lưu với các vạn mành khác trong đó có vạn mành của vùng Quỳnh Lưu. Thông qua các cuộc giao lưu họ biết về tiếng thiêng của đền Cờn. Với sự lan tỏa của tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương cùng với niềm tin về sự linh ứng của nữ thần biển trong tâm thức người dân nơi đây, nên vào năm Nhâm Tuất (1682), niên hiệu Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hi Tông, nhân dân làng chài Yên Lương đã lập đền và rước chân hương Tứ vị thánh nương từ đền Cờn về thờ. Từ đó đến nay, Tứ vị thánh nương được xem là vị phúc thần thường linh ứng giúp ngư dân ra khơi vào lộng an toàn. Thần tích về Tứ vị thánh nương được thờ tại đền Yên Lương hiện còn được lưu trữ tại Viện Hán Nôm,số ký hiệu AE.B1/3.
Hiện nay, Đền Yên Lương ngoài thờ thần chủ Tứ vị thánh nương tại đền còn thờ thần Cao sơn Cao các, Đức Ngư ông, Đức thánh Sơn thần đảo Lan Châu và chư Phật.
Hàng năm tại đền diễn ra nhiều kỳ lễ trọng như: lễ cầu yên, lễ cầu ngư, lễ cầu phúc… nhưng lớn nhất là lễ phúc lục ngoạt (lễ cầu phúc) diễn ra 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu với cả phần lễ và phần hội thể hiện đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm cố kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng nhau bảo vệ và khai thác hải sản trên biển.
Phần lễ tại đền diễn ra trang nghiêm, thành kính với lễ yết cáo vọng thỉnh, lễ rước, lễ đại tế, lễ tạ. Điểm đặc biệt của lễ hội đền Yên Lương là lễ rước thần bằng đường biển ra vị trí gần đảo Ngư, dân địa phương gọi là điểm “ló Cờn” (tức là điểm có thể nhìn thấy đền Cờn, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) rồi neo thuyền làm lễ thỉnh mời Tứ vị thánh nương về dự lễ hội. Sau khi rước trên biển, Nhân dân tiếp tục rước bộ bằng xe điện quanh thị xã Cửa Lò để thu hút khách du dịch về tham quan di tích và khám phá trải nghiệm làng chài cổ Yên Lương.
Phần hội cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian kết hợp với các hoạt động thể thao như thi: Kết oản, lắc mủng, đan lưới, đóng nước mắm, nướng cá…thi bóng đá giữa các di tích, văn nghệ….thu hút đông đảo bà con Nhân dân tham gia.
Đền Yên Lương cùng với các di tích lịch sử trong vùng như: đền Mai Bảng, chùa Đảo Ngư, đền Vạn Lộc... đã trở thành những địa chỉ văn hóa tâm linh hấp dẫn, có giá trị về mặt giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch ở địa phương trong hiện tại và tương lai. Để phát huy hết tiềm năng đô thị du lịch biển Cửa Lò, trong những năm qua Thị Ủy và UBND thị xã Cửa Lò đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế du lịch gắn liền với văn hóa tâm linh. Trong đó, có rất nhiều “ sản phẩm du lịch ” độc đáo thu hút đông đảo du khách tham gia trải nghiệm như: Tham quan và trải nghiệm tại làng chài cổ Yên Lương; Tham quan các di tích lịch sử tiểu biểu trên địa bàn trong đó có đền Yên Lương và lễ hội Phúc lục ngoạt của đền vào tháng 6 âm lịch; Tham quan và trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Cửa Lò…Về làng chài cổ Yên Lương ngoài tham quan trải nghiệm cuộc sống của ngư dân nơi đây du khách còn có thể mua các sản phẩm nổi tiếng thơm, ngon, tinh khiết như: Cá, mực, tôm, nước mắm, mắm tôm… về làm quà cho gia đình và người thân. Những ngư dân làng chài cổ Yên Lương đang hàng ngày bám biển đảo quê hương vừa để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa để mang về những sản phẩm cung cấp cho khách du lịch, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế du lịch địa phương.
Nguyễn Hưng
[1] Ninh Viết Giao, Đền Cờn, Tục thờ Tứ vị thánh nương và quần thể di tích văn hóa ở xã Quỳnh Phương, NXB Nghệ An, 2009, tr86
[2] Nguyễn Hữu Thức, Giải mã tục thờ Tứ vị thánh nương, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 1- 2020
[3] Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, NXB NGhệ An (2005), tr78
[4] Ngô Sỹ Liên, 1967 Đại Việt sử ký toàn thư , tập II, 101 – 102
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB KHXHNV, Hà Nội, (1970), tập II, tr166,167
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội