Lễ tống long chu gắn với đời sống văn hóa tâm linh của cư dân vùng biển tại đền thờ Hoàng Tá Thốn xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu
1. Vài nét về tín ngưỡng thờ hải thần của cư dân vùng biển
Nghệ An là một tỉnh ven biển nằm ở gần cực bắc khu vực Bắc trung bộ với các huyện ven biển như Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Dọc theo bờ biển có các làng chài với những ngư dân sống bằng nghề đi biển. Nghề đi biển từ xưa đến nay luôn là nghề vất vả, hiểm nguy. Ngư dân lênh đênh trên biển cùng với chiếc thuyền lẻ loi, chòng chành giữa biển cả mênh mông, mạng sống treo đầu sóng ngọn gió. Với tính chất công việc như vậy, nên đời sống tâm linh của người dân vùng biển có nhiều nét đặc trưng riêng biệt, với một hệ thống các vị thần linh có khả năng bảo hộ cho ngư dân khi ra khơi vào lộng, gọi chung là hải thần. Đó có thể là nhân thần, cũng có thể là nhiên thần, thiên thần mà các truyền thuyết, thần tích, phát tích đều gắn với vùng sông nước. Đây được xem là một nhánh trong tín ngưỡng thờ thủy thần của người Việt. Mặc dù tín ngưỡng thờ hải thần chưa trở thành một hệ thống quy củ với đầy đủ các ban bệ như trong tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ nhưng tín ngưỡng thờ hải thần có dấu ấn rất riêng và rất sâu sắc đối với ngư dân vùng biển. Trong hệ thống hải thần của ngư dân vùng biển Nghệ An phổ biến là những vị thần được giao cai quản vùng biển, vùng cửa sông, cửa lạch như: Tứ vị Thánh nương, Hoàng Tá Thốn, Lê Khôi, Nguyễn Sư Hồi, Cá ông… Trong đó tín ngưỡng thờ Hoàng Tá Thốn có dấu ấn rất sâu sắc và sự lan tỏa rộng rãi trong đời sống tâm linh của cư dân vùng sông nước từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng biển đến vùng đồng bằng như đền thờ Hoàng Tá thốn xã Long Thành (Yên Thành), đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn xã Tào Sơn (Anh Sơn), đền thờ Hoàng Tá Thốn xã Nghi Thiết (Nghi Lộc)…Đây cũng là một hiện tượng khá độc đáo trong hệ thống thần linh tại Nghệ An.
2. Mộ và đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu.
Mộ và đền thờ Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu được xây dựng vào thời Trần tọa Quý hướng Đinh trên một khu đất cao ráo hướng ra cửa Vạn. Di tích được xây dựng trên địa thế đắc địa. Bao bọc xung quanh di tích là những danh thắng của huyện Diễn Châu như “Bùng giang thu nguyệt”, “Bích Hải quy hàm” phong cảnh thật trữ tình và nên thơ.
Ban đầu di tích chỉ là ngôi miếu nhỏ, kết cấu kiến trúc theo kiểu thượng miếu hạ mộ, trải qua nhiều lần trung tu tôn tạo đến thời Nguyễn di tích có quy mô 3 tòa: Thượng điện gồm 3 gian thờ dọc kiểu thượng miếu hạ mộ, trung điện 3 gian, hạ điện 1 gian 4 mái, tả vu 3 gian, hữu vu 3 gian tất cả khung nhà đều được làm bằng gỗ, xây tường lợp ngói. Có cổng tam quan đồ sộ, trước sân có 2 hàng tượng đá (mỗi bên 12 tượng) gồm voi, ngựa, nghê, tượng lính…và bia “Nam miếu tôn thần sự tích” do Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục soạn thảo.
Năm 1976 nhà nước tổ chức đào kênh Vách Bắc và đắp đê qua khu vực đền, các công trình kiến trúc của đền bị phá dỡ làm các công trình công cộng. Toàn bộ nền móng đền và khu mộ bị vùi lấp dưới chân đê. Từ năm 2007 đến 2015, con cháu dòng họ cùng nhân dân địa phương từng bước khôi phục lại di tích. Hiện nay di tích có quy mô gồm Thượng điện và mộ của Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, trung điện và hạ điện. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó nên năm 2017, di tích được xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số: 5388/QĐ.UBND ngày 07/11/2017 của UBND tỉnh Nghệ An.
Di tích mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng, vừa thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với tiền nhân, đồng thời cầu xin thần linh phù hộ cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền, nhân khang vật thịnh. Hàng năm tại di tích diễn ra nhiều kỳ lễ như tết Nguyên Đán, Khai Hạ, Thượng Nguyên, Xuân Tế (15/3), Đoan Ngọ, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Hành thuyền … nhưng long trọng hơn cả là lễ Xuân tế trong đó đặc sắc nhất là lễ tống long chu gắn với tín ngưỡng tâm linh của cư dân vùng biển.
3. Lễ tống long chu
Lễ tống long chu là một trình thức trong Lễ Xuân tế 15/3 âm lịch được tổ chức theo định kỳ ba năm một lần vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu lễ Xuân tế vào những năm này được tổ chức với quy mô hoành tráng, và long trọng hơn, gọi là lễ Đại điển. Vào những năm đó, ngoài phần tế lễ thông thường còn có cả lễ rước kiệu từ đền Ca Vũ lên đền Sát Hải và lễ tống long chu rất đặc sắc của cư dân vùng sông nước, và phần hội rất náo nhiệt thu hút nhân dân nhiều nơi về trẩy hội. Xã Vạn Phần xưa là một xã giàu, có nhiều thuyền buôn, thuyền cá lớn, thậm chí có những nhà phú hộ sở hữu hàng chục thuyền lớn. Vì vậy, lễ Đại điển được tổ chức rất long trọng và có phần linh đình hơn những vùng khác. Đây là lễ hội lớn nhất của xã Vạn Phần. Quy trình lễ Đại điển như sau: Khoảng đầu tháng ba âm lịch, các chức sắc trong làng họp bàn kế hoạch chuẩn bị lễ hội như phân công nhiệm vụ, cắt cử dân phu, chuẩn bị lễ vật, đón tiếp khách, mời pháp sư và đội nhạc lễ, mời các phường trò về biểu diễn... Suốt trong quá trình tổ chức lễ hội, các nhà giàu, các chủ thuyền thay nhau làm cỗ, thậm chí làm cỗ thi để mời dân làng ăn. Trình tự và thời gian tổ chức lễ trước năm 1945 được thực hiện như sau
- Ngày 13/3 âm lịch: Làm vệ sinh trong ngoài khu vực đền thờ, treo cờ, đèn lồng, sửa sang bến sông. Các thợ bắt tay vào đan khung và dán giấy lên long chu, còn các công đoạn cắt giấy tạo hình đầu rồng, đuôi rồng, hình phu lái, hình nộm, cỗ ngai ngự bằng giấy mã đều được các nghệ nhân thực hiện cả năm trời trước đó. Long chu được làm rất công phu, giống như một chiếc thuyền rồng thật, dài khoảng 3m, rộng 1,3m, bộ khung đan bằng tre, nứa, mặt ngoài dán giấy màu để trang trí. Mũi thuyền hình đầu rồng, đuôi thuyền hình đuôi rồng, có cả mắt thuyền, bánh lái, mái chèo, khoang thuyền. Hai bên mạn thuyền là hình nộm phu trạo đang chèo thuyền, mỗi bên 5 người. Phía cuối đuôi thuyền có một hình nộm phu lái. Trên khoang thuyền có hình nộm văn quan, võ tướng, thủy binh, súng thần công, cờ ngũ sắc cắm ở bốn góc, chính giữa là cờ vàng, ngai ngự dán giấy vàng, lọng che, trống, chiêng, loa truyền lệnh, các loại binh khí bằng đồ mã và một cỗ tiền vàng mã... Phía đầu mũi thuyền cắm cây triệu đề thần hiệu của Sát Hải Đại Vương “Sát Hải Đại Vương Quản Quân Mãnh Lang Thiên Bồng Nguyên Soái Đại Tướng Quân, thượng thượng đẳng tôn thần”. Long chu sau khi hoàn thiện sẽ được bài trí trước sân đền.
- Ngày 14/3 âm lịch:
Sắm lễ vật: trầu, rượu, hoa quả, nếp, lợn, gà, bánh kẹo, hương, sáp, vàng mã ... để chuẩn bị cho lễ Yếu Cáo.
Lễ Yết Cáo được tổ chức vào giờ Tuất (19h – 21h), tại đền Sát Hải
+ Ban hành lễ do hội Tư Văn đảm nhiệm, thành phần gồm:
01 chủ tế, mặc áo dài đỏ, quần trắng, mũ đỏ, thường do người có chức sắc cao nhất, đức cao vọng trọng, gia đình hòa thuận, vợ chồng song toàn đảm nhiệm.
02 bồi tế mặc áo dài xanh, quần trắng, mũ xanh.
01 đọc chúc, mặc áo dài xanh, quần trắng, khăn đóng.
08 chấp sự (số lượng có thể thay đổi, tùy từng năm), mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen.
02 thông xướng (Đông xướng, Tây xướng), mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen.
+ Đội nhạc: trống cái, trống con, chiêng, xập xèng...
+ Thành phần tham dự: kỳ lão, hương hào, chức sắc và nhân dân xã Vạn Phần.
+ Lễ vật gồm: hương, sáp, trầu cau, rượu, hoa quả, vàng mã, xôi gà, bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, bánh mật, các loại chè oản…
+ Trước giờ hành lễ, các vị bô lão, quan viên, chức sắc mặc áo dài, khăn đóng chỉnh tề tập trung đầy đủ trước đền. Khoảng giờ Tuất (19h – 21h), khi đèn nến thắp sáng trưng, trước hương án trải ba lớp chiếu hoa, hương trầm tỏa ngát, ba hồi chiêng trống nổi lên vang động cả một vùng, lễ yết cáo được tiến hành theo nghi thức truyền thống của địa phương với 3 tuần rượu. Ban nghi lễ với những bộ lễ phục truyền thống trang nghiêm thực hiện các động tác nhuần nhuyễn theo nhịp hô trầm bổng của Đông xướng, Tây xướng: khi đứng, khi quỳ, khi bái, khi lên, khi xuống, khi đứng ở chiếu ba, khi lên chiếu hai, khi lên chiếu nhất, khi dâng hương, dâng rượu, khi đọc văn, điểm trà…
Sau khi Yết cáo xong, lễ vật được hạ xuống để mọi người thụ lộc, chiếu theo sổ hương ẩm để phân chia ngôi thứ khác nhau.
- Ngày 15/3:
+ Buổi sáng: Lễ rước kiệu:
Nhân dân rước kiệu của Tứ Vị Thánh Nương từ đền Ca Vũ (đền Dưới) lên hợp tế tại đền Sát Hải (đền Trên). Từ sáng tinh mơ, các bậc kỳ lão, hương hào chức sắc, tư văn và nhân dân đã tập trung ở đền Ca Vũ và Sát Hải. Khoảng đầu giờ Mão (5 - 7 giờ sáng) đoàn rước bắt đầu khởi kiệu từ đền Ca Vũ. Đi đầu đoàn rước là trống hiệu có hai phu hiệu khiêng trống, một người đi bên cạnh để đánh trống gọi là chấp hiệu, một người cầm lọng để che trống, đoàn rước đi nhanh hay chậm, tiến hay lùi, dừng chân hay đi tiếp do người chấp hiệu điều khiển. Đi song song với trống hiệu là cờ lệnh. Tiếp theo phía sau là các loại cờ ngũ sắc, ngựa gỗ (màu tía và màu trắng), đến đội chấp kích, đội bát âm, kiệu ngự (kiệu bành để trần), trên kiệu ngự có bát hương, cọc đăng, bình hoa và mâm lễ vật, hai bên kiệu có lọng che. Phía sau kiệu ngự là một đội cờ ngũ sắc và đội bát bửu rồi đền kiệu bát cống của Tứ Vị Thánh Nương được làm theo kiểu long đình, có tám đòn khiêng (16 phu kiệu), trang trí bằng các giải lụa kết hoa rất đẹp. Bài vị và bát hương Thánh Mẫu để trong kiệu, bốn phía che lụa mỏng và lọng, quạt. Đi sau kiệu Tứ Vị Thánh Nương là hương hào chức sắc, kỳ lão và nhân dân.
Khi đoàn rước về đến đền Sát Hải, trước cổng đền đã bày biện hương án có bát hương, đỉnh trầm, cột đăng, hoa quả, hai bên hương án có các vị kỳ lão khăn áo chỉnh tề cung kính đứng túc trực phụng nghinh ngự giá vào đền. Khi kiệu dừng trước sân đền, làng cử những người vọng trọng nhất trong hội Tư văn cung kính rước bát hương và bài vị của Thánh Mẫu vào an vị ở Trung điện của đền Sát Hải.
- Lễ đại tế:
+ Thành phần ban hành lễ và đội nhạc tương tự như lễ yết cáo.
+ Thành phần tham dự: hương hào, chức sắc, kỳ lão, nhân dân xã Vạn Phần và các vùng lân cận.
+ Lễ vật gồm: hương, sáp, trầu cau, rượu, hoa quả, vàng mã, xôi, gà, bò, lợn, bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, bánh mật, các loại chè oản…
Tương tự như lễ Yết cáo, lễ đại tế được tiến hành theo nghi thức truyền thống của địa phương, gồm các bước: nghinh thần, 01 tuần hương, 03 tuần rượu, đọc chúc, 01 tuần trà, ẩm phước, tạ thần. Lễ tế kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Sau khi tế xong, lễ vật được hạ xuống cho mọi người thụ lộc, chiếu theo sổ hương ẩm để phân chia phần biếu, ngôi thứ cỗ bàn.
+ Buổi chiều: Lập đàn
Đàn tràng được dựng trước sân đền để chuẩn bị cho lễ tống thuyền. Đàn được lập thành ba cấp: Thượng ban: phụng thỉnh phật thánh, lễ vật gồm hoa quả, trầu rượu, chè, oản, bánh mật… Trung ban: phụng thỉnh chư vị tiên thánh, tiên hiền, lễ vật gồm hoa, quả, trầu, rượu, xôi, thịt, bánh chưng, bánh tét... Hạ ban: phụng thỉnh chư vị quan binh bộ hạ, lễ vật gồm hoa, quả, trầu, rượu, cháo nổ, gạo muối, cỗ chén ... Đàn được bố trí theo ngũ hành: Phương Đông màu xanh, phương Tây màu trắng, phương Nam màu đỏ, phương Bắc màu đen, trung ương (ở giữa) màu vàng.
+ Buổi tối: Lễ tống long chu:
Khoảng chập tối, các vị bô lão, quan viên và nhân dân khăn áo chỉnh tề, vân tập đông đủ tại đền Sát Hải. Sang giữa giờ Tuất (19 giờ - 21 giời), lễ tống long chu bắt đầu được tiến hành. Toàn bộ phần nghi lễ trong lễ tống thuyền do vị Pháp sư chủ trì. Long chu được bài trí bên phải đàn tràng. Phía dưới cuối đuôi long chu để chậu nước. Trước khi nhập đàn, Pháp sư làm lễ khai quang tẩy uế đàn tràng, tay phải bắt quyết, cầm ba cây hương và một nắm lá tre, tay trái cầm một chén nước thơm và một cái gương, miệng niệm thần chú:
“Phụng thỉnh Đông Phương Thanh đế Thanh Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung
Phụng thỉnh Tây phương Bạch đế Bạch Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung
Phụng thỉnh Nam phương Xích đế Xích Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung
Phụng thỉnh Bắc phương Hắc đế Hắc Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung
Phụng thỉnh Trung ương Hoàng đế Hoàng Long Vương hàm phù chân khí ngộ nhập thủy trung
Niệm thần chú xong, pháp sư thư hương hình chữ 海 “Hải” vào chén nước ba lần rồi khai quang quanh đàn tràng từ phải qua trái (ngược chiều kim đồng hồ). Pháp sư nhúng nắm lá tre vào chén nước rồi sái theo hình chữ 心 “Tâm” lên đàn tràng. Vừa thực hiện động tác, pháp sư vừa đọc thần chú để xua đuổi các uế khí khiến đàn tràng được thanh tịnh:
“Nhất trích thanh lương thủy
Quán sái chư trần cấu
Kim cương lai hộ trì
Trạm nhiên thường thanh tịnh
Án dà la đế tóa ha”
Sau khi khai quang đàn xong, Pháp sư tiếp tục làm lễ thỉnh ngũ phương trấn đàn. Pháp sư lần lượt thỉnh theo thứ tự: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung Ương các quan binh về trấn ngự năm phương của đàn tràng để giữ không cho tà ma, ác quỷ đột nhập quấy phá. Ở mỗi phương, pháp sư đều một tay bắt quyết, một tay cầm pháp khí, chân chạy đàn làm phép, miệng đọc lệnh phụng sai, đi theo sau pháp sư là chủ tế và các đệ tử của pháp sư vừa đi vừa khua chiêng, đánh trống, gõ mõ, lắc linh tang làm náo động cả không gian. Lệnh phụng sai:
“Sắc lệnh các chư vị tẩy sai Đông phương Thanh Đế tận trừ hung thần ác quỷ vô danh bất đắc vọng hành quấy nhiễu cấp cấp như luật lệnh tốc giáng hoa đàn.
Sắc lệnh các chư vị tẩy sai Tây phương Bạch Đế tận trừ hung thần ác quỷ vô danh bất đắc vọng hành quấy nhiễu cấp cấp như luật lệnh tốc giáng hoa đàn.
Sắc lệnh các chư vị tẩy sai Nam phương Xích Đế tận trừ hung thần ác quỷ vô danh bất đắc vọng hành quấy nhiễu cấp cấp như luật lệnh tốc giáng hoa đàn.
Sắc lệnh các chư vị tẩy sai Bắc phương Hắc Đế tận trừ hung thần ác quỷ vô danh bất đắc vọng hành quấy nhiễu cấp cấp như luật lệnh tốc giáng hoa đàn.
Sắc lệnh các chư vị tẩy sai Trung ương Hoàng Đế tận trừ hung thần ác quỷ vô danh bất đắc vọng hành quấy nhiễu cấp cấp như luật lệnh tốc giáng hoa đàn.”
Pháp sư đọc đến phương nào thì có người phụng sai cầm một lá cờ giấy theo màu sắc ngũ hành của từng phương chạy ra phía ngoài.
Sau khi trấn ngũ phương xong, Pháp sư khất âm dương xin chứng giám. Tiếp đến là phụng thỉnh Sát Hải Đại Vương và các vị Phật thánh, tiên thánh, tiên hiền cùng quan binh bộ hạ quang lâm đàn tràng thượng hưởng lễ vật, chứng giám và xin phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cá tôm đầy thuyền.
Cúng ở đàn tràng xong, Pháp sư làm lễ khai quang điểm nhãn long chu:
Nhật nguyệt quang minh, huy chương thiên địa khai thái
Phật cụ lục thông chi diệu, Thánh khai ngũ nhãn chi minh
Bản nhiên tự hữu tất tiêu, tĩnh do thị dung nhan tái đỗ
Ngã hầu giáo hữu khai quang chân ngôn cẩn đương trì tụng
Phụng thỉnh Như Lai điểm khai khai thiên nhãn, Thiên nhãn chiếu thập phương.
Phụng thỉnh Như Lai điểm khai khai Nhục nhãn, Nhục nhãn chiếu quang minh.
Phụng thỉnh Như Lai điểm khai khai Pháp nhãn, Pháp nhãn chiếu quang minh.
Phụng thỉnh Như Lai điểm khai khai Tuệ nhãn, Tuệ nhãn chiếu quang minh.
Phụng thỉnh Như Lai điểm khai khai Thánh nhãn, Thánh nhãn chiếu quang minh.
Thiên nhạn thông phi ngại, Nhục nhạn thái khi thông, Pháp nhạn duy tĩnh túc, Tuệ nhạn trực duyên không, Thánh nhạn như thiên nhật, chiếu diệu thể hoàn đồng, viên minh tự pháp giới, vô xứ bất hàm dung. Nhân nhân do cụ túc, vật vật thể viên không, đỉnh môn khai điểm xứ, đề giáo hóa mạn không. Dung nhạn kỵ kỳ kính, quang minh chiếu thập phương. Khôi nguyên công đức đại, huyền lý tự cảm thông. Bản lai tư hữu vật, tạo hóa cổ kim thành. Kim phục hoàn thân quán, thánh chúa thiên trung vương, gia lăng tần già âm, từ bi mẫn chúng sinh. Cố ngã kim đãnh lễ, dung nhan niệm từ quang.
Nam Mô Khai Ngũ Nhãn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Khai quang long chu xong, Pháp sư phụng thỉnh Sát Hải Đại Vương và các quan quân tướng tá của ngài ngự thuyền. Sau đó, khoảng 10 thanh niên xếp thành hai hàng khiêng long chu. Pháp sư đọc thần chú:“hỡi hỡi âm dương đã được giao ước, đã nên trên bộ dưới thuyền, nghe lời thầy dạy, việc quan cứ dấy, kíp trở mũi thuyền cho mau mà trẩy, lừng lừng lẫy lẫy, chiêng trống ầm vang, cất dọng hò khoan, lai hoàn phụng tống” rồi bưng chậu nước hắt về phía trước hướng xuống bến sông. Pháp sư vừa làm xong thì một người cầm bó đuốc chạy trước, phía sau là các thanh niên hò dô khiêng long chu chạy một mạch thật nhanh xuống bến sông. Long chu vừa hạ thủy và đẩy ra xã thì dùng bó đuốc hóa luôn. Những người đến xem hội cũng nhanh tay “cướp” những vật còn sót lại (tức những cái không bị cháy hoặc chưa kịp cháy) trên long chu với quan niệm xin bất kỳ cái gì gọi là lấy khước, cầu may mắn. Nhất là người “cướp” được thanh kiếm (đồ mã) đưa về dắt lên mái nhà hoặc buộc trên cột buồm thì tà ma quỷ quái không dám nhiễu hại, trộm cướp không dám xâm phạm, Cố Bợ không dám đốt nhà. Với niềm tin tâm linh mãnh liệt như vậy nên ai cũng cố “cướp” cho bằng được. Tuy gọi là “cướp” nhưng không hề xảy ra chuyện xô xát, tranh dành phi văn hóa.
Trong lễ Đại điển, ngoài phần lễ tế, lễ rước rất trang nghiêm còn có phần hội cũng rất tưng bừng náo nhiệt. Phần hội được tổ chức đan xem với phần lễ và có sự phối hợp với phần hội được tổ chức ở đền Ca Vũ (đền Dưới). Đây quả thực là ngày hội của toàn dân, khắp làng trên xóm dưới, trong xã ngoài tổng, trên bộ dưới thuyền người người nô nức đi xem hội.
Làng mời cả Nhà trò về hát chúc thánh, bắn pháo bông, biểu diễn các tích trò như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ... tiếng hát rộn ràng thâu đêm, nhân dân trong xã và quanh vùng nô nức đến xem.
Đặc biệt các trò mang tính chất mạnh với tinh thần thượng võ như đấu vật, chèo bơi, rất được nhân dân trong vùng yêu thích. Đặc sắc nhất là chèo bơi.
Chèo bơi hay còn gọi là bơi trải được tổ chức trên khúc sông Bùng chảy qua trước đền. Các đội thuyền của các phường, vạn trong xã và các xã lân cận thi bơi với nhau, không khí rất sôi nổi, gay cấn. Dưới sông, các tay trải đều là dân đi biển nên họ rất khỏe, lại có sự phối hợp nhịp nhàng nên cảm giác như thuyền đang lướt trên không. Trên bờ, tiếng hò reo cổ vũ, tiếng trống thúc dồn dập vang rộn cả một vùng trời. Đội thắng giải được xã thưởng tiền và lụa, vật chất tuy không nhiều như ý nghĩa về tinh thần thì rất lớn. Thể hiện sự thành thạo trong nghề sông nước, sức dẻo dai, khéo léo của người bơi thuyền, khơi dậy tinh thần thuần thục thủy chiến của Sát Hải Đại Vương. Hội đua thuyền còn được duy trì đến nhiều năm sau Cách mạng tháng Tám thì mới chấm dứt.
4. Tạm kết
Sau khi các hạng mục di tích được phục hồi, các nghi lễ tâm linh tại đây cũng đang từng bước được khôi phục, đến nay đã tổ chức được 3 kỳ đại điểm nhân dân địa phương đã phục dựng lại lễ tống long chu, thu hút đông đảo nhân dân và du khách về tham dự và trải nghiệm. Lễ tống long chu là một trong những nghi lễ tâm linh độc đáo của cư vùng biển cần được bảo tồn và phát huy nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguyễn Thị Hưng
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội