Bà Chúa Lãng – Minh Phi của Lê Thánh Tông

11:39 14/05/2018

Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung là xứ địa linh nhân kiệt, bởi nơi đây không chỉ sinh ra những bậc anh hùng hào kiệt, mà còn sinh ra những trang quốc sắc thiên hương. Khí thiêng của núi Hồng - sông Lam đã hun đúc cho mảnh đất này nhiều giai nhân nghiêng nước khuynh thành. Trong những số những giai nhân đó có Quý Minh phu nhân Nguyễn Thị Hà.

Tượng bà chúa Lãng

Theo gia phả họ Nguyễn ở Nam Kim thì bà Nguyễn Thị Hà sinh ra và lớn lên vào khoảng giữa đời Lê Sơ (khoảng giữa thế kỷ XV) tại xã Nam Hoa Tây, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, xứ Nghệ An (nay là  làng Tam Láng, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Là con gái của ông Quốc tử giám Giám sinh, Tả đô đốc Nguyễn Huệ Thành. Xuất thân trong một gia đình trâm anh thế phiệt, nề nếp gia phong, có truyền thống nho học, nhiều đời làm quan (can làm Binh bộ Thượng thư kiêm Hành khiển, cố làm Tri huyện huyện Kim Bảng, ông làm Tri phủ phủ Lỵ Nhân, cha là Giám sinh Quốc tử giám, Tả đô đốc chưởng phủ sự). Tương truyền, bà đẹp như tiên nên mỗi lúc đi đâu đều có một đám mây ngũ sắc che trên đầu, làm cho xung quanh đó trở nên nhâm mát nên dân gian còn gọi là Bà Chúa Nhâm. Không chỉ có nhan sắc tuyệt trần, bà Nguyễn Thị Hà còn là người con gái đoan trang, nết na, đầy đủ công dung ngôn hạnh, thuần thục cầm kỳ thi họa.

Bà Nguyễn Thị Hà lớn lên đúng vào thời trị vì của Lê Thánh Tông – thời kỳ thái bình thịnh trị nhất của chế độ Phong kiến Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, sinh năm 1442, mất năm 1497, lên ngôi vua từ năm 1460, ở ngôi 38 năm, đặt hai niên hiệu là Quang Thuận (1460 – 1469) và Hồng Đức (1470 – 1497). Trong thời gian trị vì, Lê Thánh Tông đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng về quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và pháp luật. Ngoài ra, ông đã tiến hành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi Đại Việt vào tận núi Đá Bia (Phú Yên) năm 1471, bình định vùng biên giới phía tây, dẹp yên bốn biển. Lê Thánh Tông là một vị minh quân, thánh đế, vừa là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ, nhà cải cách, “ thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được. Không chỉ có tài kinh bang tế thế mà Lê Thánh Tông cũng là một ông vua rất hào hoa phong nhã. Ông đã lập ra hội Tao Đàn để cùng các quần thần xướng họa thơ văn. Trong dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về những thiên tình sử của Lê Thánh Tông với tiên nữ. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận rằng: “vua nhiều phi tần quá” .

Tiếng thơm về sắc đẹp của bà Nguyễn Thị Hà đã bay ra tận kinh thành, nhiều con quan cháu chúa muốn cưới bà làm vợ nhưng bà đều khéo khước từ. Khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), khi đang tuổi cập kê, bà được tiến cung và chẳng bao lâu được phong tới tước Minh Phi. Thời Hồng Đức, phẩm trật của phi tần trong hậu cung được quy định theo thứ tự như sau: Hoàng Hậu, Tam phi (Quý Phi, Minh Phi, Kính Phi), Cửu tần (Chiêu Nghi, Chiêu Dung, Chiêu Viên, Tu Nghi, Tu Dung, Tu Viên, Sung Nghi, Sung Dung, Sung Viên), Lục chức (Tiệp Dư, Dung Hoa, Tuyên Vinh, Tài Nhân, Lương Nhân, Mỹ Nhân).  Theo thang bậc đó thì bà Nguyễn Thị Hà đứng thứ hai của hàng Tam phi, tức là dưới Hoàng Hậu và Quý Phi. Thật là một ân sủng đặc biệt của  vua Lê Thánh Tông không chỉ dành riêng cho bà mà còn cho cả họ, cả làng, cả tổng. Trong suốt thời gian ở cung, Minh Phi Nguyễn Thị Hà luôn làm tròn bổn phận của một người vợ hiền, chung sống hoà thuận với các cung phi mỹ nữ khác, giữ gìn khuôn phép nơi hậu cung,… góp phần giúp nhà vua yên tâm lo việc nước.

Việc bà Nguyễn Thị Hà được tuyển là Minh Phi phải chăng là phần thưởng cao quý của Lê Thánh Tông dành cho nhân dân vùng này, thể hiện sự ghi nhận công lao của dân chúng trong công cuộc trung hưng đất nước thời Lê Thái Tổ. Quê hương của Minh Phi Nguyễn Thị Hà ở ngay dưới chân Thành Lục Niên cũng chính là căn cứ địa năm xưa của Lê Thái Tổ bình Ngô khai quốc. Những ngày tháng “nằm gai nếm mật” ở đây, Thái Tổ đã được nhân dân “ tranh nhau đem trâu rượu đến đón và khao quân. Mọi người đều nói: không ngờ ngày nay lại được trông thấy uy nghi của nước cũ ”. Nhờ những sự đóng góp về nhân tài vật lực ấy đã góp phần giúp nghĩa quân Lam Sơn nhanh chóng công phá được thành Nghệ An và các thành trì lân cận, giải phóng cả một vùng rộng lớn để làm bàn đạp cho sự toàn toàn thắng của cuộc khởi nghĩa, đưa lịch sử đất nước bước sang một trang mới, trang của thái bình thịnh trị. Ngay chính dòng họ của Minh Phi Nguyễn Thị Hà cũng là một dòng họ công thần, có nhiều đóng góp lớn cho đất nước: can làm Binh bộ Thượng thư kiêm Hành khiển, cố làm Tri huyện huyện Kim Bảng, ông làm Tri phủ phủ Lỵ Nhân, cha là Giám sinh Quốc tử giám, Tả đô đốc chưởng phủ sự. Nếu tính đời thì từ đời can của Minh Phi Nguyễn Thị Hà tương ứng với đời Lê Thái Tổ bình Ngô. Phải chăng ở đây có một mối liên hệ khác mà chúng ta chưa đủ tư liệu để tìm hiểu kỹ càng.

Bà Nguyễn Thị Hà được làm Minh Phi của vua Lê Thánh Tông là một vinh hạnh lớn không chỉ của dòng họ Nguyễn mà còn cả làng Tam Láng, cả tổng Nam Hoa, thậm chí cả huyện, cả xứ. Nhờ ân sủng của nhà vua đối với Minh Phi mà cả làng Tam Láng đều được miễn trừ thuế má, phu phen, tạp dịch, hàng năm còn được hưởng các bổng lộc khác. Người dân tổng Nam Hoa đi đâu cũng tự hào là quê hương của Minh Phi. Theo quy định về thể lệ truy phong thời Hồng Đức, tước Minh Phi được truy phong hai đời: cha được truy phong là Tả đô đốc, mẹ được phong là Đoan nhân, ông được phong là Đô đốc đồng tri, bà được phong là Thuận nhân. Bà Nguyễn Thị Hà đã đem lại sự vẻ vang, niềm tự hào cho gia đình, dòng họ và quê hương. Cũng theo quy định về thể lệ cấp điền lộc thời Hồng Đức thì bà Nguyễn Thị Hà được cấp thế nghiệp thổ 30 mẫu, ruộng vua ban 300 mẫu, bãi trồng dâu 60 mẫu, ruộng tế tự 150 mẫu. Những tưởng bà sống bình lặng trọn đời vàng son trong cung cấm, nhưng dòng đời đã đưa bà rẽ sang một bước ngoặt mới sau khi vua Lê Thánh Tông băng hà. Ngày 30 tháng giêng năm Hồng Đức thứ 28 (1497), nhà vua băng hà ở điện Bảo Quang. Ngày 28 tháng 3 năm Mậu Ngọ - niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498), di hài của vua Lê Thánh Tông được an táng ở Chiêu Lăng – Lam Kinh, Thanh Hoa. Sau khi việc hậu sự cho vua Lê Thánh Tông chu tất, triều đình đã ban lệnh cho mấy trăm cung nữ được ra khỏi cung cấm. Minh Phi Nguyễn Thị Hà do không có con nên đã xin triều đình cho hồi hương và được phê chuẩn. Những năm tháng sống ở quê, bà đã làm nhiều việc công đức cho quê hương, bao nhiêu của cải, bổng lộc tích góp được bà đều đưa ra làm từ thiện như tế bần cứu khổ, xây dựng chùa quán, lạc quyên chửng tế …Đặc biệt bà rất hâm mộ Phật Giáo, nên thường lui tới các chùa trong vùng để làm công đức như chùa Lò, chùa Đình, chùa Long Ẩn, chùa Lau, chùa Thiên Nhẫn … Bà mất ngày 18 tháng 12 âm lịch, được an táng ở xứ Bình Dương Lan tại địa phận của bản thôn. Theo nguyện vọng của bà, sau khi bà mất, số ruộng đất và tài sản tư trang của bà được chia đôi, một phần để cho dòng họ Nguyễn làm hương hoả, số còn lại cúng vào chùa để dân làng thay phiên nhau cày cấy. Để tưởng nhớ công lao của Minh Phi Nguyễn Thị Hà, triều đình đã cấp tiền cho dân làng xây lăng và lập đền thờ bà ở địa phận của bản thôn để bốn mùa hương khói. Triều đình nhà Lê sắc phong cho bà là “Thánh đế Minh Phi Nguyễn thị, Lãng thục, Huy nhu, Diệu ứng, Chiêu cảm, Hiển hựu” , tặng phong là “Từ ý Thánh phi" . Trải qua các triều đại Lê, Nguyễn đều có sắc phong  thần cho bà và lệnh cho xã Nam Kim “tòng tiền phụng sự” . Nhân dân vẫn quen gọi bằng cái tên dân dã và gần gũi là Bà Chúa Lãng .Trong tâm thức của người dân Nam Hoa xưa (tức Nam Kim nay) cũng như nhân dân quanh vùng, hình ảnh Bà Chúa Lãng như là một vị Thánh Mẫu lung linh quyền uy nhưng cũng rất từ bi, độ lượng. Hiện nay, ở đền Bà Chúa Lãng còn lưu giữ được một đạo sắc phong thời Khải Định, có nội dung như sau:

Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Nam Đàn huyện, Nam Kim xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Linh tế Diễm quyên Trinh tĩnh Trinh uyển Dực bảo Trung hưng Quý Minh phu nhân tôn thần. Hộ quốc ti dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Trai tĩnh trung đẳng thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật

(Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng tôn thần vốn được tặng là Linh tế Diễm quyên Trinh tĩnh Trinh uyển Dực bảo Trung hưng Quý Minh phu nhân. Thần giúp đỡ đất nước, che chở nhân dân, linh ứng từ lâu, đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Cho nên, nay đúng dịp tứ tuần đại khánh của trẫm [mừng thọ 40 tuổi của vua], đã ban chiếu báu mở rộng ân huệ, lễ lớn tăng thêm phẩm trật, trứ tặng thêm là Trai tĩnh trung đẳng thần. Đặc chuẩn cho thờ phụng, dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà tỏ rõ điển thờ.

Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)

(Sắc mệnh chi bảo)

Lăng và đền Bà Chúa Lãng được xây dựng ở một địa thế cảnh quan đẹp, được bao bọc bởi những núi cao sông dài, quanh co uốn lượn: Lam Thành sừng sững, Thiên Nhẫn nghìn trùng, Hồng Sơn kỳ vĩ, Lam giang sóng biếc... thật là nơi linh tích thắng địa, núi sông hữu tình, trên một vùng đất cổ giàu truyền thống, một vùng “trùng lai danh thắng”, được bồi đắp bởi “phù sa” văn hoá của hai con sông lớn là văn hoá sông Lam và sông La. Đến với di tích là dịp để du khách được hòa mình vào không gian làng quê êm ả, với đồng lúa xanh mướt, dòng sông uốn lượn, lũy tre râm mát, đền thiêng cổ kính … Phong cảnh nên thơ ấy sẽ giúp du khách giải tỏa những u sầu, buồn bực trong đời thường, để thả hồn vào trạng thái bay bổng, thích thú. Đồng thời thăm quan các di tích nổi tiếng khác như: đình Giáp Đông, núi Thiên Nhẫn – nơi ẩn cư của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Thành Lục Niên – di tích của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh, ngã ba Phủ (nơi có nhiều trận đánh lớn thời Lê Trịnh), đình Hoành Sơn, đình Đông Châu, đình Đông Viên, nhà thờ họ Từ, nhà lưu niệm cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiềm …

lăng bà chúa Lãng
Lăng bà chúa Lãng

Hiện nay, Lăng và đền Bà Chúa Lãng đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 1090/QĐ.UBND ngày 25/3/2014. Đây là một sự ghi nhận của nhà nước đối với công lao to lớn của Bà Chúa Lãng với quê hương xứ sở. Tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn lưu giữ ở di tích. Đồng thời qua đó, ta lại biết thêm về một trong số rất nhiều cung phi của vua Lê Thánh Tông mà sử sách chưa đề cập đến, đây là một nguồn bổ sung quan trọng cho những thiếu sót của chính sử.

Quảng Phước


[1] Hiện nay chúng tôi có hai bản gia phả họ Nguyễn Nam Kim; 1 bản của họ Nguyễn đại tôn ở tại Nam Kim, bản này không ghi người biên soạn và năm biên soạn; 1 bản của họ Nguyễn chi Đức Trường – Đức Thọ - Hà Tĩnh, bản này do ông Nguyễn Đình Thiệu biên soạn năm Đinh Mùi niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837), và ông Nguyễn Đình Liên tục biên vào năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất (1884). Đối chiếu cả hai bản phả này hoàn toàn trùng khớp với nhau. Những thông tin chúng tôi sử dụng trong hai bản gia phả này đều do chúng tôi tự dịch, xem chi tiết ở phụ lục.

[2] Nay là huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam

[3] Nay là thành phố Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

[4] Gia phả họ Nguyễn đại tôn – Nam Kim, trang 11, 12, tlđd.

[5] Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong họ Nguyễn ở Nam Kim

[6] Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch), trang 388, (Bản kỷ -  quyển XII), NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2011

[7] Đại Việt sử ký toàn thư , trang 513, (Bản kỷ -  quyển XIII), sđd.

[8] Gia phả họ Nguyễn – chi Đức Trường, tr 16, 17, sđd.

[9] Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục, trang 1142, tập I  (chính biên – quyển XXIII), NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998.

[10] Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tập II, Viện khoa học xã hội Việt Nam, NXBKHXH, HN, 1998, tr 253.

[11] Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục, trang 1142, tập I  (chính biên – quyển XXIII); Đại Việt sử ký toàn thư, trang 465, tập II, (Bản kỷ - quyển XIII), sđd.

[12] Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục, trang 1148  (chính biên – quyển XXIII), sđd.

[13] Đại Việt sử ký toàn thư, tr 512, tập II, sđd; Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục, trang 1188, tập I, (chính biên - quyển XXIV)  sđd.

[14] Đại Việt sử ký toàn thư, tr 8, tập III  (bản kỷ - quyển XIV) sđd; Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục, trang 1193, tập I , (chính biên - quyển XXIV)  sđd

[15] Đại Việt sử ký toàn thư, tr 9, tập III, (bản kỷ - quyển XIV) sđd;  Khâm định Đại Việt sử thông giám cương mục, trang 1194, tập I, (chính biên - quyển XXIV)  sđd.

[16] Gia phả họ Nguyễn – Nam Kim – chi Đức Trường, tr17, sđd, về năm mất của bà Nguyễn Thị Hà cả hai bản gia phả đều không thấy ghi.

[17] Gia phả họ Nguyễn – Nam Kim – chi Đức Trường, tr17, sđd

[18] Gia phả họ Nguyễn – Nam Kim – chi Đức Trường, tr17, sđd



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN