Cử nhân, Huấn đạo, Giáo thụ Phủ Tuy An, Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận

09:44 25/09/2019

Theo gia phả của họ Lê Ngọc (Gia phả sao lại ngày 16 tháng 8 năm Duy Tân nguyên niên 1907) , các sắc phong, bằng cấp, văn chúc thọ, bài vị, tài liệu chữ Hán đang còn lưu giữ tại Nhà thờ họ Lê Ngọc, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Ngọc Nhuận sinh năm 1780 (Canh Tý), niên hiệu Cảnh Hưng 41, quê thôn Di Luân, xã Đồng Luân, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), thuộc hậu duệ đời thứ 9, họ Lê Ngọc xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương.

Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, thân phụ là cụ Lê Ngọc Chính trước là Hiệu sinh ở bản phủ kiêm Nho trưởng Tổng trưởng. Thủa còn nhỏ ông vốn thông minh, học giỏi. Ông lãnh Hương tuyển (đỗ Tú Tài) vào đời vua Gia Long năm thứ 6, khoa Đinh Mão (1807). Năm Minh Mạng năm thứ 11 (1830), được bổ nhiệm làm Giáo chức. Năm 1832 đời vua Minh Mệnh, ông được bổ nhiệm làm Huấn đạo huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Đến năm 1841, ông lại được vua Thiệu Trị ban Sắc phong bổ nhiệm làm Huấn đạo huyện Hạ Hòa.  Năm 1842, ông được vua Thiệu Trị ban Sắc phong thăng làm Giáo thụ phủ Tuy An. Dù ở cương vị nào Huấn đạo Lê Ngọc Nhuận cũng không ngừng cố gắng chăm chỉ làm việc, nghiên cứu học tập và gặp các khoa thi đều tham gia ứng thí và thi đậu Cử nhân (Theo bản dịch Tập tấu ngày 24/9 năm Tự Đức nguyên niên 1848 được lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Ngọc). Với những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vào ngày 19/9/1848 đời vua Tự Đức, ông được vua Tự Đức ban Sắc phong thăng lên Hàn lâm viện tu soạn. Ngày 20/10/1849, đời vua Tự Đức, ông được nghỉ hưu về quê an dưỡng và vẫn tiếp tục mở lớp học tại quê nhà, đào tạo nhân tài, góp phần đáng kể vào nền học vấn của nước nhà. Tháng Giêng năm 1850 (Canh Tuất) , nhân lễ mừng thọ của Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận lên 70 tuổi. Nhớ ơn thầy, có rất nhiều học trò thành đạt đã về tham dự và làm bài văn Chúc thọ mừng thầy và hiện vẫn còn lưu giữ tại Nhà thờ họ Lê Ngọc, xã Thanh Hương đã hơn 170 năm qua, với toàn văn nội dung bản dịch như sau:

VĂN CHÚC THỌ

Trong thiên hạ có ba điều tôn quý, trong đó tước là một, thọ là hai, triều đình sở dĩ ban phước cho đấng quân tử, trời xanh sở dĩ ban phước cho bậc hiền nhân, ắt từ nơi đức hạnh vậy.

Mây lành tụ cây mận trước cửa, cội tùng xanh sắc biếc ở khe, cũng không hân hạnh chăng!

Kính nghĩ :

Tiên sinh đời đời thế phiệt, thi lễ gia phong.

Chơi bút mực nơi rừng thư, Thanh Bình gươm báu, từ chương khắc chốn thí viện, bảng vàng đề danh.

Gia Long khoa Đinh Mão, lãnh Hương tuyển, Minh Mạng năm thứ mười một, điều Giáo chức.

Từ đây cánh buồm căng gió, đàn khảy khúc xuân.

Vui hòa tiếng vang thanh nhã, sở học tài hoa vang lừng.

Gió xuân thổi hương đào xa tít, hoa tuyết bay khắp chốn mừng reo.

Thanh cần đường quan, Cư Hành ngọc đẹp nơi chí nguyện, uy nghiêm tăng vút, an tĩnh là bí quyết trường sinh.

Ngưỡng trông năm Tự Đức thứ hai, Tiên sinh tuổi hạc bảy mươi, tiếng hay vang dội, nhà vua đặc gia hàm Hàn Lâm viện Tu soạn, Trí sĩ.

Tài hoa cao quý, danh giá bội tăng.

Vui thiên nhiên mà vinh quê quán.

Sóng cuộn cặp bờ, bên đường nghênh kính.

Tùng cúc tươi tốt, lấp cửa quan đồ.

Ánh dương gọi ta, rượu xuân thêm thọ.

Trải chiếu ngọc ngồi ngắm hoa, tình cảm gia đình thắm thiết.

Dưới gốc hải đường, hương thơm chén ngọc phảng phất,

Trồng quế trước cửa, rượu xuân ca hát vui cười.

Thung dung gót trượng, phượng hoàng theo sau.

Xán lạn tấn thân, rảnh rang nhàn hạ.

Dòng thụy khí lưu thông, nối phước lành điềm tốt.

Chắc rằng như vậy da!

Bọn học trò chúng con, luôn nhớ nghĩ sư môn.

Tiếc rằng gió mây sớm rẽ,

Ngày nay tên tuổi đều ngời, ngẩng trông dáng dấp ân sư.

Vậy kính cẩn chúc tụng rằng :

Vui thay quân tử !

Vinh quang nước nhà

Vì có phước khánh

Cho nên đức dày

Trời ban phước lớn

Khiến thọ vô cương

+ + + +

Núi cao sông rộng

Không thẹn thánh hiền.

Ngày 22 tháng giêng năm Tự Đức thứ 3, tức năm 1850 Canh Tuất.

Các học trò bên trên là Huấn đạo, Tri châu, Tú tài, Cống sĩ, Sinh nhân cùng kính chúc.

Người dịch: Trương Thiên Lộc - Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh

Làm quan dưới triều đại nhà Nguyễn, Tú tài Lê Ngọc Nhuận từ Giáo chức, nhiều lần tham gia thi cử, đỗ Cử nhân bổ nhiệm làm Huấn đạo huyện Hạ Hòa, Giáo thụ phủ Tuy An. Sau đó được thăng lên làm Hàn lâm viện Tu soạn (Tòng Lục phẩm), trong hơn 40 năm làm việc cho triều đình trải qua bốn đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Sau khi về nghỉ hưu vẫn mở lớp dạy học. Ông Lê Ngọc Nhuận là một nhà giáo dục tài năng, văn chương xuất chúng, làm việc tích cực, được người đời kính trọng. Qua bàn tay dạy dỗ với những bài học về kiến thức, đạo đức làm người, học trò của ông có rất nhiều người đã thành tài ra làm quan Huấn đạo, Tri châu góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục của đất nước. Do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời ngày 25/11/1851 (Tân Hợi), thọ 72 tuổi. Sau khi mất được sắc tặng Văn Lâm lang, thụy Đôn Giản, gia tặng Đôn Túc, (húy là Ngọc Giáo, tự là Ngọc Giản), hiệu là Tự Luân Trai tiên sinh. Mộ táng tại hòn Trường, xóm 3, xã Thanh Hương. Các học trò đã góp tiền của xây dựng nhà thờ để làm nơi thờ tự.

Có thể nói, Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận đã có nhiều đóng góp cho đất nước, ông được Quan Hộ lý Phú Yên Tuần phủ quan phòng, kiêm lãnh Bố chánh sứ ấn triện, Án sát sứ là Nguyễn Hữu Cơ dâng tấu lên vua khi sát hạch Giáo chức để đề bạt hết lời ca ngợi là người có văn chương học hạnh, tích cực thi cử và trúng Cử nhân, làm việc thì cần mẫn. Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận được các học trò ca ngợi trong bản Chúc văn là tiên sinh đời đời thế phiệt, thi lễ gia phong, sở học tài hoa vang lừng, tài hoa cao quý, học trò luôn nhớ nghĩ sư môn. Vì có phước khánh cho nên đức dày, trời ban phước lớn khiến thọ vô cương. Ông đã để lại trong lòng Nhân dân, bạn bè, các thế hệ học trò và con cháu về sự thanh liêm, chính trực, tài hoa và đức độ. Là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ trẻ, con cháu họ tộc học tập và noi theo./.

Ngọc Thịnh – BQL Di tích Nghệ An



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN