Đền Chiêng Ngam - Ngôi đền linh thiêng của người Thái trên vùng đất phủ Quỳ

13:16 01/06/2018

Đền Chiêng Ngam, tên của ngôi đền được gọi theo địa danh của Mường Chiêng Ngam. Mường Chiêng Ngam tiếng Thái có nghĩa là mường đẹp. Ngoài ra, ngôi đền này còn có tên gọi khác là Đền Tèn Bọ.

Đền Chiêng Ngam thuộc bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Đền cách thành phố Vinh , tỉnh Nghệ An 163 km về phía Tây Bắc, cách huyện lỵ Quỳ Châu 13 km về phía Tây Bắc.

Quý khách tới thăm di tích: Đi từ thành phố Vinh, quý khách đi theo Quốc lộ 1A hướng Vinh – Hà Nội, đến ngã  ba Yên Lý, rẽ phải lên cầu vượt đi theo đường Quốc lộ 48, 110km, đến Trung tâm huyện Quỳ Châu, tiếp tục đi thẳng theo QL 48 11km, rẽ phải theo đường đi Châu Tiến khoảng 02km, sau đó rẽ phải 100m là đến di tích;  Đi từ Hà Nội, quý khách đi theo Quốc lộ 1A hướng Hà Nội – Vinh, đến ngã ba Yên Lý rẽ trái lên cầu vượt đi theo đường Quốc lộ 48 khoảng 110km, đến Trung tâm huyện Quỳ Châu, tiếp tục đi thẳng theo QL 48 khoảng 11km, rẽ phải theo đường đi Châu Tiến (đường đi đến di tích Hang Bua) khoảng 02km, sau đó rẽ phải 100m là đến di tích.

Đền Chiêng Ngam được khởi dựng vào năm 1924, đời vua Khải Định năm thứ 09 và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đền gồm 01 tòa 03 gian 02 hồi văn bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương.

Đền Chiêng Ngam là nơi thờ 03 vị thành hoàng họ Sầm là Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông là những người có công khai bản, lập mường và phối thờ 01 vị Sơn thần, 01 vị Thủy thần.

Sự tích về các vị thần được kể như sau:

Xưa kia, có ông  Ló Ỳ là con trai cả của tạo Luống - Phả - Báng (tức mường Luông Pha Băng ở Lào) được cha có ý định truyền ngôi nhưng bị người em ganh ghét nên bày mưu để hãm hại. Ló Ỳ được một đôi quạ cứu sống và đến lập nghiệp ở vùng đất của người Thái (thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày nay) và được dân làng ở đó tôn làm Tạo. Mường do Tạo Ló Ỳ lập nên được gọi là mường Cá Giá (tức mường quạ cứu). Tại đây, Ló Ỳ đã gặp 03 anh em họ Sầm là Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông. Cả ba anh em đều là người khôi ngô, thông minh và nhanh nhẹn và là trợ thủ đắc lực giúp Ló Ỳ cai quản bản mường.

Được một thời gian, Tạo Ló Ỳ nhớ thương cha mẹ già nên đã trao quyền tạo mường cho người khác và trở về quê cũ. Ba anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông cũng tình nguyện đi theo Ló Ỳ. Cả 4 người do không biết đường nên đã đi lạc vào đất Phủ Quỳ. Phủ Quỳ lúc bấy giờ là nơi người Thái sinh sống đã nhiều nhưng chưa có Tạo, chưa thành bản, thành mường. Thấy đây là vùng đất non nước hữu tình, đất đai tươi tốt nên 4 người đã ở lại cùng sinh cơ, lập nghiệp. Trong khi Ló Ỳ cai quản và lập nên chín mường (Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chón, Mường Puộc, Mường Miểng, Mường Hả Quèn, Mường Quáng, Mường Chừn...) thì ba anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông về lập bản mường ở Chiêng Ngam.

Vùng đất Chiêng Ngam xưa bao gồm cả thung lũng Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thắng ngày nay, là khu rừng hoang vu, rậm rạp. Ba anh em đã đến dưới chân núi Phá Nhàng (nay là bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến) khai hoang ruộng nương và chiêu dân đến ở.

Ban đầu công cuộc khai hoang mở đất vô cùng khó khăn, cây cối rậm rạp, thú dữ hoành hành. Nhờ sự đồng cam cộng khổ và sự dìu dắt của 3 anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông, cuộc sống của những người đi khai hoang dần ổn định. Tiếng lành đồn xa, dần dần những người dân phiêu tán, những người không có ruộng đất nghe tin đã kéo về cùng chung tay khai khẩn, đắp phai, đào mương mở rộng diện tích đất canh tác. Về sau, người đến mường cư trú ngày một đông, trong khi địa bàn của Mường Chiêng Ngam khá rộng lớn nên việc cai quản gặp rất nhiều khó khăn, ba anh em đã bàn với nhau chia ra mỗi người quản lý một vùng và lập nên bản mới.

Người anh Cả (Tiếng Thái là Ai Cà)  Xiêu Bọ ở lại cai quản vùng đất cũ, nơi 3 anh em cùng đặt chân đến. Anh thứ 2 (Tiếng Thái là Ai Cảng ) Xiêu Ké  cai quản vùng đất phía ngoài (tức Bản Lầu ngày nay). Em Út là Xiêu Luông vào cai quản vùng trong Bản Luồng (thuộc xã Châu Bính ngày nay). Với bản tính chăm chỉ, cần cù cộng thêm kinh nghiệm đã có từ trước, chẳng mấy chốc, ba anh em đã tạo lập được cuộc sống ổn định cho dân làng. Các bản mới ra đời, dân làng lấy tên ba anh em đặt tên cho bản mình là Bản Bọ (tức Bản Na Nhàng, nay là bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến) , Bản Ké (nay là Bản Lầu, xã Châu Tiến), Bản Luông (thuộc xã Châu Bính ngày nay). Do tuổi cao sức yếu, ba anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông lần lượt qua đời. Sau khi mất, ba ông thường hiển linh, phù trợ cho mùa màng tươi tốt, xua đuổi thú dữ. Để tưởng nhớ công ơn của các ông, nhân dân các bản đã tôn làm Thành hoàng và lập đền thờ phụng. Ngoài ra, đền  còn thờ thêm 01 Sơn thần và 01 vị Thủy thần là những vị thần có công che chờ cho nhân dân.

Lễ hội Hang Bua kết hợp với lễ tế tại Đền Chiêng Ngam được tổ chức vào ngày 19 đến 22 tháng Giêng hàng năm.

Ngày 28/12/2017 UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 6371/QĐ-UBND công nhận Đền Chiêng Ngam là di tích lịch sử cấp tỉnh./.

Lê Ngọc Thịnh



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN