ĐÌNH NGUYỆT TIÊN - MỘT NGÔI ĐÌNH CỔ TRÊN ĐẤT DIỄN AN, HUYỆN DIỄN CHÂU

16:39 17/12/2018

Về xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An du khách sẽ nghĩ ngay tới đền Cuông, ngôi đền nổi tiếng linh thiêng thờ Thục Phán An Dương Vương, nhưng ít ai biết đến nơi đây còn tồn tại một ngôi đình cổ kính với kiến trúc đồ sộ, ẩn chứa nhiều giá trị như Đình Nguyệt Tiên.

Nhân dân dâng lễ tại đình

Đình Nguyệt Tiên được nhân dân và chính quyền lập nên để làm nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã và thờ Thành hoàng làng.Theo các nhà nghiên cứu thì nhân vật Thành hoàng được thờ tại Đình là Đoàn Nhữ Hài, một vị danh tướng đời nhà Trần.

Đình Nguyệt Tiên, thuộc xóm 1, xã Diễn An, huyện Diễn Châu được xây dựng khoảng đầu thời Nguyễn. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, hiện nay đình Nguyệt Tiên vẫn còn nguyên vẹn tòa Đại đình, tọa lạc trên khu đất có diện tích 535,7m², với 1 tòa kiến trúc có kết cấu thờ dọc.

Bộ vì thứ 4 (tính từ ngoài vào)

Đình có kiến trúc thời Nguyễn và được trùng tu vào năm 1873, niên hiệu Tự Đức thứ 26. Đây là công trình có quy mô lớn, với diện tích xây dựng 127,17m2 ( 16,2m x7,85m ), khung nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ Lim, gồm 3 gian, 2 chái, 2 hồi văn.

Các mảng chạm khắc trên kiến trúc đình Nguyệt Tiên được thể hiện trên hầu hết trên các đầu xà, kẻ, ván nong, thân bẩy, cổ nghé, rường, con đấu...Nghệ nhân xưa đã sáng tạo các tác phẩm có giá trị cao về mặt thẩm mỹ.

Đình Nguyệt Tiên là một ngôi đình lớn, điêu khắc trên gỗ là một phần làm nên giá trị của công trình, ngoài mục đích trang trí, tô điểm cho kiến trúc, các mảng chạm khắc còn thể hiện tính thiêng, là “ ngôn ngữ của thần linh ”.

Mảng chạm tại đình

Khác với một số công trình khác, các mảng chạm khắc phần lớn tập trung ở mặt tiền thì tại đình được thực hiện ở hầu khắp đầu các cấu kiện ( các đầu xà, rường, các ván thưng, cổ nghé và trên các bẩy hiên.. .) và được được nghệ nhân thể hiện trên cả 2 mặt trước và sau của các cấu kiện.

Các mảng chạm khắc trên kiến trúc ngoài giá trị trang trí cho công trình, thể hiện sự tài hoa của người xưa, còn thể hiện về quan điểm về nhân sinh, về vũ trụ, về khát vọng vươn lên, khát vọng chinh phục không gian và thời gian, mong muốn cho mưa thuận gió hòa, mùa mạng bội thu, cho cuộc sống an lành, hạnh phúc. Cũng qua các mạng chạm người xưa đã gửi gắm qua những hình tượng ấy nhiều ý nghĩa sâu xa, chưa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Giá trị thẩm mỹ trên kiến trúc đình Nguyệt Tiên còn được thể hiện trên cách biến tấu thể hiện trên các bộ vì kèo, sử dụng kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống của người Việt, vật liệu làm bằng gỗ Lim nhưng không thô, nặng, mà trở nên uyển chuyển, hài hòa.

Đáng chú ý nhất là các mảng chạm khắc trên trên các bẩy hiên với các đề tài “long vân khánh hội”, phượng vũ tề phi , , “ quy ẩn liên đàm , long mã đạp thủy ba ” ...với kỷ thuật chạm boong kênh, mỗi mảng chạm khắc đều có những sắc thái riêng, rất uyển chuyển mềm mại, hết sức tinh xảo.

Những đường nét chạm trổ rất tinh tế, mang tính chất ước lệ nhiều hơn là tả thực, có sự chấm phá để tạo điểm nhấn cho hình tượng. Mỗi hình tượng như được người nghệ nhân xưa thổi hồn vào, tạo nên những bức tranh sống động chứ không dừng lại chỉ là một bức chạm bất động trên thân gỗ. Tại Đình Nguyệt Tiên, có đủ 4 vật linh: long, phượng, quy, lân. Mỗi loài đại diện cho một sức mạnh, một quyền năng riêng, thể hiện những mong ước cao đẹp của cha ông trong cuộc sống hiện tại và tương lai.Mặc dầu những đề tài này được lặp lại ở nhiều cấu kiện nhưng ở mỗi bức lại mang dấu ấn cá nhân khác nhau của mỗi người thợ thủ công.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đình vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm, vẫn tồn tại như một thực thể văn hóa không thể tách rời trong đời sống nhân dân nơi đây. Để khẳng định những giá trị vốn có, Ủy Ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã công nhận Đình Nguyệt Tiên là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật, là điểm đến hấp dẫn của du khách khi về với Diễn Châu.

Dương Thị Linh Nhâm



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN