Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh đền Hạ Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu

08:36 19/04/2019

Hôm nay, ngày 19 tháng 4 năm 2019, UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND xã Quỳnh Thạch tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Đền Hạ Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Về dự lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử Đền Hạ Lam Cầu hôm nay có đại biểu cấp tỉnh, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đồng chí Cao Văn Xích – Trưởng Ban quản lý Di tích Nghệ An và các đại biểu huyện Quỳnh Lưu, đại biểu xã Quỳnh Thạch cùng đông đảo nhân dân và du khách gần xa.

Về với vùng đất cổ có lịch sử tồn tại và phát triển hơn 700 năm, mang trong mình cái nôi văn hóa gắn với di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn, xã Quỳnh Thạch hiện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc trong đó phải kể đến hệ thống di tích lịch sử như đền Thượng thờ Cao Sơn Cao Các, đền Hạ thờ Tứ vị Thánh Nương, đền Đế Thích, miếu Nghè Ngoài, đình Thạch Động, nhà thờ họ Nguyễn Bá....Trong đó nổi tiếng linh thiêng và có giá trị lịch sử văn hóa cao phải kể đến Đề Hạ Lam Cầu.

Đền Hạ Lam Cầu được nhân dân làng Lam Cầu xưa, xây dựng nên để thờ Tứ Vị Thánh Nương về sau đền còn là nơi phối thờ các vị thần thiêng trong vùng.

Tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương là một tín ngưỡng tương đối phổ biến trên cả nước, đặc biệt là đối với cư dân vùng ven biển, vùng sông nước. Riêng ở Nghệ An, hiện đã thống kê được trên 30 ngôi đền thờ Tứ vị Thánh nương, trong đó đền Cờn (xã Quỳnh Phương) là nơi phát tích.

Theo truyền ngôn ở vùng Quỳnh Thạch cho biết: Lam Cầu xưa là vùng đất thường xuyên bị ngập mặn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, nơi đây lại có hệ thống núi non trùng điệp bao quanh, rất nhiều thú dữ thường vào làng phá hoại mùa màng, quấy nhiễu cuộc sống của người dân.

Với sự linh thiêng của Tứ vị thánh nương nhân dân làng Lam Cầu đã về đền Cờn làm lễ xin rước chân hương của các vị thần về thờ  tự. Đền rất linh thiêng, mỗi khi dân làng gặp tai ương, ốm đau, bệnh tật vào đền làm lễ xin thần giúp đỡ thường linh ứng.

Di tích Đền Hạ Lam Cầu ngoài thờ Tứ vị Thánh nương còn phối thờ thần Cao Sơn Cao Các, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Đế Thích Hải Tạng Long Vương, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Tân Kiều hầu Trần Nhân Dũng, Diên Quận công Trần Hậu Hoa, Hậu thần Đặng Viết Hiển, Hậu thần Đặng Ngọc Diễn…và nhiều vị thần khác nữa.

Đền Hạ Lam Cầu là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là nơi rải truyền đơn chống Pháp, nơi tập khích đánh thực dân Pháp ở cầu Hàng, là địa điểm diễn ra các cuộc họp của chi bộ Hoa Sơn, là nơi đóng quân của đơn vị pháo Nguyễn Viết Xuân và là địa điểm khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh dựng lán, làm nơi dạy học khi sơ tán về đây.

Hàng năm di tích diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, trong đó lớn nhất là lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch (lễ kỳ phúc). Vào những ngày này, nhân dân trong vùng và các vùng phụ cận đều tập trung về đền để dâng nén tâm hương tưởng nhớ đến các vị thần linh đã có công phù hộ độ trì cho quốc thái dân an.

Đền Hạ Lam Cầu có quy mô tương đối lớn với các hạng mục công trình như: nhà Bái đường, Tả, Hữu vu, Hậu cung và sân lễ hội. Các hạng mục công trình được xây dựng bằng các chất liệu truyền thống.

Di tích đền Hạ Lam Cầu có đầy đủ các giá trị lịch sử văn hóa, khoa học thẩm mỹ nên đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết đinh số: 3804 ngày 27 tháng 8 năm 2018.

Nguyễn Thị Hưng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN