Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Đạo Ngạn, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Đình Đạo Ngạn là nơi thờ thành hoàng xã Nguyễn Thế Bình. N guyễn Thế Bình sinh năm 1746 tại thôn Thổ Sơn, xã Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, ( nay là xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ông tên húy là Truyền, sau đổi là Thế Bình, tự Viết Tiến, hiệu là Thanh Cát tiên sinh.
Nguyễn Thế Bình là người thông minh học giỏi, thi Hương đậu Hương cống, thi Hội đậu Tiến sỹ vào thi Đình trúng Đệ tam giáp Đồng tiến sỹ xuất thân. Tên ông được khắc vào bia số 80 tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Sau khi đậu Tiến sỹ, Nguyễn Thế Bình được bổ làm quan và lần lượt trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Theo nội dung biển ký soạn năm 1856 hiện lưu tại đền thờ Nguyễn Thế Bình cho biết: Ông từng được giao giữ chức Hàn lâm viện thị chế thuộc tòng lục phẩm, vinh phong hàm Mậu Lâm tá lang. Sau đó, ông tiếp tục được thăng giữ chức Quốc sử quán Toản tu, một cơ quan chuyên biên soạn quốc sử. Rồi được điều sang giữ chức Thự Kinh Bắc đạo Công khoa Cấp sự trung thuộc hàm chánh thất phẩm, đảm nhận nhiệm vụ trông coi việc xây dựng thành hào, cầu cống, đường xá, thợ mộc, thợ thuyền, tu sửa xây dựng, thi hành lệnh cấm về núi rừng… Một thời gian sau, ông tiếp tục được giao giữ chức Đốc đồng xứ Sơn Nam, Nghệ An và tham dự vào việc binh nhung. Trong thời gian làm quan, Nguyễn Thế Bình nổi tiếng là người cương trực, liêm khiết, không sợ cường quyền. Theo truyền ngôn của nhân dân vùng Cát Ngạn cho biết: Khi ông làm Đốc đồng xứ Sơn Nam đã từng bắt giữ và xét xử vụ án do Đặng Mậu Lân gây ra trên địa hạt của mình quản lý. Đặng Mậu Lân ( em của Tuyên phi Đặng Thị Huệ) vốn là một tên hung bạo, từ khi Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm sủng ái, Lân lại càng ỷ vào thế chị để làm những việc càn rỡ. Mặc dùng lúc này, thế lực của Đặng Thị Huệ rất lớn nhưng với bản tính cương trực không sợ cường quyền nên Nguyễn Thế Bình vẫn xét xử Đặng Mậu Lân một cách công khai, minh bạch.
Trong tiềm thức của người dân xã Cát Ngạn, Tiến sỹ Nguyễn Thế Bình ngoài là vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực, ông còn là người luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ dân nghèo. Ông tạo mọi điều kiện để nhân dân có đất sản xuất. Sau khi đậu Tiến sỹ, Nguyễn Thế Bình được nhà vua ban cấp Lộc điền ở quê nhà để thu hoa lợi. Cát Ngạn quê hương ông đất đai khô cằn sỏi đá, phần ruộng tốt nhỏ hẹp, manh mún. Thương dân cực khổ, ông không giành phần ruộng màu mỡ cho mình mà chọn vùng đất Triều Sơn – là ngọn đồi chỉ toàn đá, sỏi làm đất Lộc điền. Chính vì vậy, nhân dân nơi đây từ bao đời này vẫn khắc ghi ân tình của vị Đại khoa Nguyễn Thế Bình đối với dân xã Cát Ngạn.
Năm Bính Ngọ (1786), đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 47, ông bị cừu địch giết hại. Trong lúc loạn lạc thi hài ông chưa thể chuyển về quê an táng nên gửi táng tại Thổ Hoàng, trấn Sơn Nam. Đến năm Mậu Ngọ (1798) mới hoàn táng tại quê nhà, nay thuộc xóm 5A xã Cát Văn, huyện Thanh Chương. Nguyễn Thế Bình được khắc tên trên bia đá tại nhà Văn Thánh tổng Cát Ngạn. Ông cũng là một trong 13 vị Tiến sỹ được thờ tự ở Văn miếu bản huyện. Qua các triều đại phong kiến thành hoàng Nguyễn Thế Bình đã được nhà nước ban cấp sắc phong " Bản cảnh thành hoàng Lê triều tiến sỹ lịch lỵ Nghệ An, Sơn Nam đẳng xứ Đống đồng Nguyễn tướng công tôn thần "
Cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sỹ Nguyễn Thế Bình đã để lại cho chúng ta hôm nay tấm gương sáng về một con người đầy nghĩa khí, làm quan thanh liêm chính trực, dám bảo vệ lẽ phải, không sợ cường quyền, luôn gần dân và quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Đình Đạo Ngạn còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của xã Cát Văn, huyện Thanh Chương cũng như của tỉnh Nghệ An như: là nơi hoạt động của xã bộ nông tổng Cát Ngạn, đình Đạo Ngạn là nơi đóng đồn binh của thực dân Pháp. là nơi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, nơi diễn ra đ ại hội các Đảng bộ Nghệ An và Hà Tĩnh khai mạc tại đình Đạo Ngạn, có các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Biên trực tiếp chỉ đại đại hội. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Phạm Văn Đồng về tham dự và chúc mừng. Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương cũng như Đảng ủy và nhân dân xã Cát Văn đã làm tròn trách nhiệm phục vụ đại hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Đại hội và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Việc UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử đình Đạo Ngạn nhằm khẳng những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa còn được lưu giữ tại di tích. Đây là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích./.
Nguyễn Hưng
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội