Những tấm gương cộng sản họ Nguyễn Thế trên đất Thanh Chương

15:22 05/05/2020

Họ Nguyễn Thế làng Dinh Chu, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương là một dòng họ có lịch sử lâu đời với gần 500 năm tồn tại, đến nay dòng họ đã trải qua 19 đời, phát triển thành 2 chi, 5 nhánh và nhiều phái nhỏ. Trong quá trình tồn tại và phát triển họ Nguyễn Thế đã xây dựng cho mình nhiều truyền thống tốt đẹp trong đó tiêu biểu là truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ thời Lê Trung Hưng dòng họ đã có nhiều người tham gia quân đội triều đình như: Nguyễn Thế Doanh được sắc phong Phấn Lực tướng quân, Nguyễn Thế Đa, Nguyễn Thế Lượng ( [1] ) đều được sắc phong Trì Uy tướng quân, Nguyễn Bá Đặng giữ chức Thiên hộ... Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu họ Nguyễn Thế đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng được xem là những tấm gương cộng sản của tỉnh nhà  như: ông Nguyễn Thế Lâm, ông Nguyễn Thế Tính.

Nhà thờ họ Nguyễn Thế

1. Nguyễn Thế Lâm (1908 - 1978)

Nguyễn Thế Lâm sinh năm 1908, tại chòm Dụ Phúc, làng Dinh Chu, xã Đại Đồng về sau theo gia đình di cư lên làng Phong Thịnh, xã La Mạc, tổng Cát Ngạn sinh sống.

Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo yên nước, chàng thanh niên Nguyễn Thế Lâm đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, ông được kết nạp vào Đảng Tân Việt khi đang học tại trường tiểu học Pháp – Việt huyện Quỳnh Lưu. Hè năm 1929, ông về quê nhà tích cực tham gia phong trào cách mạng, đến tháng 3 năm 1930, Nguyễn Thế Lâm được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương Đảng Trung kỳ (tức Xứ ủy Trung kỳ), ngày 20 tháng 3 năm 1930, đã tổ chức Hội nghị và thành lập Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được bầu làm ủy viên của Ban chấp hành lâm thời. Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 2010) có đoạn viết: “ ngày 20 tháng 3 năm 1930. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương gồm các ủy viên: Tôn Gia Tinh(Bí thư), Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế, Trần Trạch, Nguyễn Đình Thốc, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Thế Lâm, Nguyễn Văn Đồng… ”. Lúc này, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương xúc tiến mạnh việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức đoàn thể quần chúng như: Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Tự vệ…để chuẩn bị cho một giai đoạn cách mạng mới.

Đồng chí Nguyễn Thế Lâm được Huyện ủy lâm thời huyện Thanh Chương phân công phụ trách công tác tuyên truyền, kiêm Bí thư chi bộ xã La Mạc ( [2] ) . Từ đây, đồng chí về tập trung xây dựng phong trào tại địa phương, tích cực hoạt động công tác tuyên truyền cách mạng và kết nạp phát triển đảng viên.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An về việc phát động quần chúng  đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, Huyện ủy Thanh Chương đã tổ chức Hội Nghị và phân công trách nhiệm cho từng ủy viên về phụ trách từng vùng để triển khai, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được giao phục trách vùng Cát Ngạn ( [3] ) . Ngày 27 tháng 4 năm 1930, Tổng ủy Cát Ngạn tổ chức họp tại Hạnh Lâm để bàn kế hoạch tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày 1 tháng 5 và vận động quần chúng đấu tranh đòi Ký Viện trả lại ruộng đất và đường đi cho nhân dân. Sách Nghệ An những tấm gương Cộng sản cho biết: “ Đồng chí Nguyễn Thế Lâm phổ biến chủ trương của thượng cấp: Nơi nào có điều kiện thì vận động quần chúng biểu tình đưa yêu sách đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu hoãn thuế. Những nơi chưa có điều kiện thì tổ chức treo cờ, rải truyền đơn ”. Phong trào cách mạng lên cao. Ngày 1 tháng 5 năm 1930 hơn 3.000 quần chúng Cát Ngạn rầm rộ biểu tình phá tan đồn điền Ký Viện. Đây là tình huống nằm ngoài kế hoạch, đồng chí Nguyễn Thế Lâm vội về Võ Liệt xin ý kiến Huyện ủy rồi trở lại La Mạc cùng các đồng chí đảng viên khác vận động quần chúng chống khủng bố. Về sự kiện nay sách Nghệ An những tấm gương cộng sản có đoạn chép: “ Đồng chí Nguyễn Thế Lâm đã ra đình Làng Hạ diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, nói rõ âm mưu, sự đàn áp của kẻ thù và sách lược đối phó” ( [4] )

Sáng ngày 3 tháng 5 năm 1930, Công sứ Pháp và Tổng đốc Nghệ An phái Án sát Nguyễn Khắc Niêm, Tri huyện Phan Thanh Kỷ trực tiếp chỉ huy đàn áp cuộc biểu tình. Chúng huy động 100 lính khố xanh ở Vinh lên và ở các đồnThanh Quả, Đô Lương, Con Cuông xuống đóng chốt tại đình Làng Thượng. Chúng ra lệnh bắt hào lý và tập trung dân để “ hiểu thị ”. Lúc này “ Đồng chí Nguyễn Thế Lâm cùng các đồng chí đảng viên vận động nhân dân Hạnh Lâm và vùng phụ cận biểu tình vây đình, không cho chúng hành động” ( [5] ) . Tri huyện Phan Thanh Kỷ ra lệnh giải tán, nhưng quần chúng vẫn tập trung bao vây. Suốt 2 ngày đêm, hết xoa dịu, dụ dỗ đến hăm dọa, bọn chúng vẫn không sao phá được vòng vây ngày càng khép chặt của 1.500 quần chúng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Lạc Sơn, Yên Lạc. Sáng ngày 4/5/1930, chúng đã nổ súng bắn xả vào quần chúng biểu tình làm 18 người hy sinh và 17 người bị thương ( [6] ) . Sau khi, quân lính khố xanh rút về, đồng chí Nguyễn Thế Lâm cùng đồng chí Nguyễn Hữu Bình- Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ và các đồng chí đảng viên ở Hạnh Lâm đến động viên gia đình có người hy sinh, thăm hỏi những người bị thương, tiếp tục giác ngộ đảng viên, quần chúng, ra sức tăng cường tổ chức Đảng, giữ vững và phát triển phong trào cách mạng.

Ngày 25 tháng 7 năm 1930, đồng chí Nguyễn Thế Lâm bị bắt giam vào nhà lao Vinh. Tại đây đồng chí tham gia vào Ban Binh Vận, tuyên truyền để lính khố xanh đi theo cách mạng. Theo bản án số 6 ngày 20 tháng 12 năm 1930, tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí Nguyễn Thế Lâm 9 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc. Theo bản sơ yếu lý lịch có số hiệu 4208/CN.MTC F.1845 hiện lưu tại kho của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết: “ Đồng chí Nguyễn Thế Lâm bị kết án 9 năm tù khổ sai và 7 năm quản thúc theo bản án số 6 ngày 20/12/1930 của tỉnh Nghệ An vì hoạt động cộng sản, rải truyền đơn cộng sản ”  thế nhưng công sứ Pháp phê: “ Nguyễn Thế Lâm phải đưa lên 15 năm vì y không chỉ có tuyên truyền cộng sản mà đã kích động quân nổi loạn ăn cướp ( [7] ) . Tháng 2 năm 1931, đồng chí bị đày vào nhà tù Kom Tum, mặc dù bị đòn roi tra tấn giã man Nguyễn Thế lâm và những đồng đội của mình vẫn giữ vững tinh thần, kiên trung với Đảng. Cuối năm 1931, địch có ý định chuyển những tù chính trị ở trại ngoài ( tức là những người bị kết án 5 năm trở lên) đi Đắc Pao nơi “ có đi không có về ”. Các anh em tù chính trị bàn kế hoạch để phải đối chủ trương của địch bằng cách tuyệt thực, nhưng thực dân Pháp vẫn thực hiện ý định. Vào ngày 16 tháng 12 năm 1931, bọn thực dân cho lính đến để giải số tù chính trị này đi Đắc Pao, đồng chí Nguyễn Thế Lâm và anh em tù chính trị đã đứng lên chống đối hô to khẩu hiệu “đả đảo đàn áp, không đi Đắc Pao”, địch nổ súng bắn chết 7 người và 8 người bị thương, đồng chí Nguyễn Thế Lâm cũng bị địch bắn trúng cổ.

Ngày 20 tháng 1 năm 1932, tòa án tỉnh Kon Tum xét xử “ Nguyễn Thế Lâm can tội Bạo động trong nhà tù Kon Tum ( [8] ) và kết án “ khổ sai chung thân, đày đi Lao Bảo và tước bỏ tất cả các biện pháp khoan hồng ( [9] ) . Theo bản sơ yếu lý lịch có số hiệu 4208/CN.MTC F.1845 hiện lưu tại khoa của Bảo tàng Xô Viết cho biết: “ Bản án được chuyển thành tù chung thân đày đi Lao Bảo ” Từ đây đồng chí Nguyễn Thế Lâm mang số tù A541 qua nhà tù Lao Bảo (1932 - 1936), nhà tù Buôn Ma Thuột (1936 - 1942). Nhờ phong trào Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, bọn thực dân Pháp ở Việt Nam nới lỏng đàn áp, ân xá chính trị phạm, đến tháng 7 năm 1942, hết hạn tù, đồng chí được bàn giao cho nhà Lao Vinh, sau đó đồng chí được trả tự do về sống tại quê nhà. Lúc này sức khỏe của đồng chí suy kiệt, phải ở nhà dưỡng sức 1 năm mới hồi phục.

Sau khi sức khỏe hồi phục lại đồng chí liền bắt liên lạc với các đồng chí đảng viên ở địa phương để tiếp tục hoạt động. Dưới sự chỉ đạo của Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh, đầu tháng 6 năm 1945, Chấp ủy Việt Minh Thanh Chương được hình thành do đồng chí Nguyễn Như Cầu phụ trách. Đồng chí Nguyễn Thế Lâm được cử làm Bí thư Việt Minh tổng Cát Ngạn. Tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Thế Lâm cùng các đồng chí khác tổ chức nhân dân trong vùng nổi dậy cướp chính quyền ở tổng Cát Ngạn.

Là một Đảng viên có trình độ văn hóa, biết cả chữ Hán, chữ Pháp, nên sau khi cách mạng giành thắng lợi, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được phân công phụ trách đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở huyện Thanh Chương cũng như của tỉnh Nghệ An. Ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đến tháng 12 năm 1963, đồng chí Nguyễn Thế Tính về hưu tại quê nhà, với hơn 30 thoát ly gia đình hoạt động cách mạng đồng chí luôn giữ vững niềm tin sắc son vào Đảng và thành quả của cách mạng Việt Nam, luôn trung thành với lý tưởng cao đẹp của Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đồng chí đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống thực dân Pháp hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Đồng chí Nguyễn Thế Lâm mất ngày 8 tháng 10 năm 1978, tại quê nhà với 74 tuổi đời, 48 năm tuổi Đảng.

Thờ tự tại nhà thờ họ Nguyễn Thế

2. Nguyễn Thế Tính

Nguyễn Thế Tính bí danh là Quế, sinh năm 1908, tại làng Dinh Chu, xã Đại Đồng ( nay là xã Đại Đồng ). Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ có truyền thống yêu nước nên ông sớm giác ngộ cách mạng.

Vào tháng 5 năm 1930, lúc 22 tuổi Nguyễn Thế Tính tham gia hoạt động cách mạng tại thôn Đại Định ( nay thuộc xã Thanh Văn ). Đến tháng 7 năm 1930, Nguyễn Thế Tính đã được đồng chí Nguyễn Quang Đường ( [10] ) giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ tháng 4 năm 1930,  đồng chí đảm nhận vai trò Đội trưởng Đội tự  vệ đỏ của xã Đại Đồng. Đồng chí Nguyễn Thế Tính đã bảo vệ sự an toàn cho các đoàn biểu tình của nhân dân xã Đại Đồng.

Trong giai đoạn 1930 -1931, các tổ chức đảng ở Dinh Chu và Vinh Ân ra đời và hoạt động rất tích cực dưới sự lãnh đạo của Tổng ủy Đại Đồng … từ 9/1930 đến tháng 5/1931, ở nhiều làng, xã thuộc huyện Thanh Chương đã hình thành nên các xã bộ nông. Đứng trước tình hình đó thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đã đưa lính về đóng đồn tại làng Đại Định, xã Đại Đồng (nay thuộc xã Thanh Văn) để thẳng tay đàn áp nhằm dập tắt phong trào cách mạng năm 1930 – 1931. Nhiều đồng chí đảng viên kiên trung đã bị bắt trong đó có Nguyễn Thế Tính “ Nhiều đảng viên kiên trung và quần chúng cốt cán của phong trào như: Nguyễn Huy Vợi, Nguyễn Cảnh Kế, Nguyễn Huy Hội, Nguyễn Thế Tính… đã bị bắt, tù đày ( [11] )

Từ tháng 8 năm 1931 đến tháng 2 năm 1934, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Thanh Chương, rồi đem về giam tại nhà lao Vinh.

Từ tháng 3 năm 1934 đến năm 1935, sau khi ra tù đồng chí Nguyễn Thế Tính đảm nhiệm công tác tuyên truyền tại địa phương và tìm bắt mối liên lạc với các tổ chức đảng ở huyện Anh Sơn.

Giai đoạn 1936 – 1941, đồng chí hoạt động  trong  phong trào công nhân ở Vinh ( [12] ) .

Từ tháng 8 năm 1941 đến tháng 4 năm 1945, đồng chí bị bắt giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Điều này cũng được sách “Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Thanh Tường (1953 - 2009)” ghi chép  như sau: “ Trong giai  đoạn này, thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai điên cuồng đàn áp phong trào, nhiều đảng viên và cốt cán của phong trào bị giặc bắt giam  và đày đi nhà lao Buôn Ma Thuột như: Nguyễn Quang Đường, Nguyễn Huy Vợi, Nguyễn Cảnh Kế, Nguyễn Hữu Tiệu, Nguyễn Gia Bính, Nguyễn Thế Tính … ( [13] ) .

Ngày 9 tháng 3 năm 1945,  nhân sự kiện phát xít Nhật thay chân Pháp ở Đông Dương, một số tù chính trị tại các nhà lao trên cả nước được phóng thích trở về trong đó có Nguyễn Thế Tính. Sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Thế Tính và đồng chí Ngô Duy Diễn được tổ chức Đảng phân công về tỉnh Lâm Viên (đến năm 1958 đổi tên thành tỉnh Lâm Đồng ) để xây dựng cơ sở chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Trong thời gian này, các tổ chức cách mạng ở tỉnh Lâm Viên bị địch phá hoại, cán bộ phần nhiều bị bắt hoặc phải chuyển địa bàn hoạt động, nên đồng chí Nguyễn Thế Tính được tăng cường về đây hoạt động và được giao giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Viên. Theo nội dung bản sơ yếu lý lịch cho biết: “ Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1945, đồng chí được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Viên” ( [14] ) .

Từ tháng 1 năm 1946 đến tháng 11 năm 1948, đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Viên. Theo bản sơ yếu lý lịch cho biết: “ 1/1946 đến 11/1948 Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lâm Viên … ”

Vào tháng 4 năm 1946, để quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Ban chấp hành Việt Minh tỉnh Lâm Viên đã tổ chức cuộc họp để đề ra các chủ trương, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới cũng như củng cố nhân sự cho Ủy ban kháng chiến của tỉnh, trong cuộc họp này đồng chí Nguyễn Thế Tính được bầu kiêm giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lâm Viên. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cho biết: “ Quán triệt các chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 12 tháng 4 năm 1946, Ban chấp hành Việt Minh tỉnh Lâm Viên đã họp tại đá Trắng (Ninh Thuận)  để kiểm điểm tình hình, đề ra những chủ trương và kế hoạch hoạt động, củng cố cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Hội nghị đã quyết định tăng cường cán bộ lên hoạt động ở các địa bàn trong tỉnh, quyên góp và trích tiền quỹ để cứu tế cho đồng bào tản cư. Ủy ban kháng chiến Tỉnh được củng cố gốm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thế Tính được bầu làm Chủ tịch ( [15] ) .

Với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Viên, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đồng chí Nguyễn Thế Tính đã từng bước củng cố phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh và triển khai kịp thời các chủ trương đường lối của Đảng, nhằm đưa phong trào cách mạng của tỉnh Lâm Viên ngày càng lên cao.

Đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Nhân dân cả nước lại đứng lên với tinh thần “ Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ”.

Sau khi củng cố tổ chức và tăng cường thêm cán bộ, vào đầu tháng 1 năm 1947 đồng chí Nguyễn Thế Tính cùng một số cán bộ và một tiểu đội vũ trang lên Lâm Viên hoạt động. Ở mỗi địa bàn ngoài số cơ sở tại chỗ còn được tăng cường từ một đến hai cán bộ, sự liên lạc giữa thị xã Đà Lạt với các vùng xung quanh được duy trì thường xuyên ( [16] ) . Đến cuối tháng 1 năm 1947, do có sự chỉ điểm, đồng chí Nguyễn Thế Tính và một số đảng viên của ta bị địch bắt giam tại trại giam gần nhà thờ Đà Lạt (nay là trụ sở Công an thành phố Đà Lạt). Sau 15 ngày bị địch giam cầm tra tấn dã man, các đồng chí cán bộ, đảng viên trong đó có đồng chí Tính vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, chúng định đưa các đồng chí ra xử bắn để uy hiếp tinh thần nhân dân, nhưng được sự trợ giúp của lực lượng bên ngoài nên các đồng chí đã vượt ngục một cách an toàn.

Sau khi vượt ngục an toàn đồng chí Nguyễn Thế Tích tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến tháng 12 năm 1948, đồng chí được cử ra Bắc đi học nâng cao trình độ.

Sau khi học xong đồng chí được phân công đảm nhận những chức vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó, đến năm 1968, ở tuổi 60, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ.

Nguyễn Thế Tính đã tiếp nối truyền thống yêu nước của các thế hệ cha anh đi trước, trong thời chiến hăng hái tham gia hoạt động cách mạng để bảo vệ tổ quốc, trong thời bình thì hăng say học tập, lao động để xây dựng quê hương đất nước, bảo vệ thành quả của cách mạng. Chính vì những đóng góp đó nên đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, Kỷ niệm chương và huy hiệu kháng chiến. Đồng chí Nguyễn Thế Tính mất năm 1975, hưởng thọ 67 tuổi.

Nguyễn Thị Hưng


[1] Nhân vật Nguyễn Thế Lượng xem thêm ở phần Phụ Lục

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập 4, tr172

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập 4, tr172

[4] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập 4, tr174

[5] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập 4, tr174

[6] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 2010),tr 51

[7] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập 4, tr175

[9] +[9] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập 4, tr176

[10] Nguyễn Quang Đường (1916-1991) cán bộ nòng cốt lãnh đạo phong trào cách mạng tại tổng Đại Đồng về sau ông công tác tại Ban dân vận Trung ương.

[11] Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Tường, tr 34,35

[12] Theo bản khai sơ yếu lý lịch của đồng chí Nguyễn Thế Tính

[13] Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Thanh Tường(1953-2009), tr36

[14] Theo bản khai sơ yếu lý lịch của đồng chí Nguyễn Thế Tính

[15] + 40 Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930 - 1975), phần hai – Đảng bộ Lâm Đồng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), tại công thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng, tr5



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN