Phủ Hòa Quân, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương

11:44 19/02/2020

Phủ Hòa Quân hiện nay thuộc xóm 4 (trước đây là xóm 7), xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Phủ cách thành phố Vinh khoảng 54 km về phía Tây. Cách huyện lỵ Thanh Chương 08km về phía Tây Bắc. Phủ Hòa Quân được xây dựng trên một vùng đất thuộc trung tâm của vùng Hòa Quân xưa. Phủ ngoảnh mặt về hướng Nam, ở thế “Tọa sơn vọng thủy” sau lưng tựa núi Phủ. Phía trước là dòng sông Trai vừa tạo nên nét đẹp phong thủy vừa đem lại sự thoáng mát cho không gian của di tích, xung quanh có nhiều di tích đã được xếp hạng cấp Tỉnh như: Nhà thờ họ Lê Ngọc, xã Thanh Tiên; Chùa Phúc Viên, xã Thanh Lĩnh,...

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Phủ Hòa Quân

Phủ Hòa Quân được xây dựng vào khoảng đầu thời Nguyễn, gồm 02 tòa: Bái đường và Hậu cung bằng gỗ cổ kính, mái lợp ngói âm dương.

Mặt trước nhà Bái đường

Căn cứ Lý lịch di tích Phủ Hòa Quân được lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Nghệ An, Phủ Hòa Quân thờ Tam tòa Thánh Mẫu, gồm 03 vị thánh: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Một hình thức tín ngưỡng thờ nữ thần phổ biến ở Nghệ An nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Phủ Hòa Quân là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của địa phương, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp. Theo sách “ Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-1945)” , “Thanh Chương xưa và nay”, “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Hương, bản thảo” , Lý lịch di tích Phủ Hòa Quân và lời kể của các cụ cao niên ở địa phương cho biết:

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào cách mạng của nhân dân Thanh Chương phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu phải thành lập Chi bộ Đảng để lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân. Chi bộ Hòa Quân đã ra đời trong hoàn cảnh đó, và là một trong những Chi bộ ra đời sớm nhất trong thời kỳ 1930 -1931. Chi bộ Hòa Quân được huyện ủy Thanh Chương giao nhiệm vụ tổ chức thuyền bè, phương tiện cho các làng xã vượt sông Trai, Khe Mọ. Đồng thời huy động nhân dân tham gia biểu tình, chuẩn bị trống trên đỉnh Sừng Bò để phát lệnh. Từ 1 giờ sáng ngày 1/9/1930, sau khi tiếng trống phát lệnh ở các núi cao của Tổng Xuân Lâm, rú Nguộc (Ngọc Sơn), núi Sừng Bò...của huyện Thanh Chương nổi lên. Đoàn biểu tình của tổng Cát Ngạn vượt sông Giăng, sông Trai  rồi xuống Thanh Nha nhập với đoàn Võ Liệt thượng để xuống huyện lỵ.  Cuộc biểu tình lịch sử ngày 01/9/1930 của hơn 02 vạn nông dân Thanh Chương đã kết thúc thắng lợi, đây là sự kiện đánh dấu mốc mở đầu cho sự ra đời của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 - 1931. Trong thời gian này, Phủ Hòa Quân là một trong những địa điểm được Chi bộ Hòa Quân sử dụng tổ chức các cuộc họp bí mật để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Vào thời kỳ thoái trào của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, phong trào cách mạng bị đàn áp, các cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ, các đồng chí Đảng viên bị truy lùng gắt gao. Do nằm ở vị trí kín đáo, cây cối um tùm nên Phủ Hòa Quân là một trong những địa điểm bí mật để các đồng chí đảng viên ẩn náu chờ thời cơ xây dựng lại phong trào cách mạng.

Phủ Hòa Quân được xây dựng trên một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, có truyền thống yêu nước và hiếu học, giàu bản sắc văn hóa, lại có địa thế rộng rãi, giao thông thuận tiện, rất có tiềm năng về du lịch tâm linh. Phủ là nơi thờ những nhân vật có công với dân, với nước được nhân dân ngưỡng vọng, là địa chỉ văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng và khách thập phương thể hiện tấm lòng, tôn vinh, tri ân đối với các vị thần có công với dân, với nước, đồng thời cầu xin thần phù hộ che chở cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phủ Hòa Quân đã có lịch sử lâu đời, trải qua thời gian tồn tại vẫn được nhân dân bảo vệ tốt.

Nhân dân và các em học sinh tham gia lễ rước bằng xếp hạng về di tích

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, ngày 28/12/2017 UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 6380/QĐ.UBND xếp hạng Phủ Hoà Quân, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ nhằm tôn vinh vị thần được thờ tại đây mà còn góp phần lưu giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị vật thể, phi vật thể mà cha ông ta xưa để lại.

Đường đi đến di tích: Xuất phát từ thành phố Vinh, quý khách đi theo Quốc lộ 46 về hướng Vinh - Thanh Chương khoảng 45km đến ngã ba thị trấn Dùng rẽ trái qua cầu Dùng rồi đi theo quốc lộ 46A khoảng 03km đến ngã ba thị Tứ Thanh Lĩnh rẽ trái theo quốc lộ 46B khoảng 2km qua cầu Ba Bến rẽ phải theo đường liên huyện khoảng 2km đến đầu xóm 2, rẽ phải theo đường liên xã khoảng 1,5k, đi qua sông Trai  khoảng 500m là đến di tích./.

Ngọc Thịnh



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN