TRÌ UY TƯỚNG QUÂN NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Nguyễn Thế Lượng(1740 - 1813).
Theo Nguyễn Thế tộc gia phả ( [1] ) , sắc phong, lệnh chỉ lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Thế cho biết: Nguyễn Thế Lượng thuộc dòng họ Nguyễn Thế, làng Dinh Chu, nay là xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Thế Lượng tên tự là Bồi, sinh ngày 05 tháng 05 năm Canh Thân (1740), niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất. Ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ “Trịnh – Nguyễn phân tranh”.
Đến lúc trưởng thành, Nguyễn Thế Lượng tham gia quân đội và được sung vào đội Ưu binh ( [2] ) thuộc đạo quân Túc vệ. Sau một thời gian phấn đấu, đến ngày 17 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 27 (176 6), Nguyễn Thế Lượng được cân nhắc lên chức Đội trưởng Ưu binh cơ Tiền Thắng. Điều này được chứng minh qua nội dung lệnh chỉ “ lệnh chỉ cho Nguyễn Thế Lượng người xã Đại Đồng, huyện Nam Đường vốn là ưu binh ở cơ Tiền thắng, nhập ngũ đã lâu, được dự vào thứ hạng. Cho nên đáng làm chức Đội trưởng ”. Theo tài liệu “ Lịch triều hiến chương loại chí, phần Binh chế chí ” cho biết cơ Tiền Thắng gồm có 400 người ( [3] ) ..
Năm Kỷ Sửu (1769), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30, Nguyễn Thế Lượng là Đội trưởng ưu binh cơ Tiền Thắng đã theo đội quân của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt ( [4] ) tiến đánh thành Trình Quang ở Trấn Ninh. Theo Khâm Định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “ … Bùi Thế Đạt làm thống lãnh Nghệ An, Nguyễn Phan làm thống lãnh Thanh Hoa, Hoàng Đình Thể làm đốc lãnh Hưng Hóa, điều động binh mã ba đạo đi đánh Trấn Ninh” ( [5] )
Sắc phong cho Phấn lực tướng quân Nguyễn Thế Lượng
Năm Canh Dần (1770), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31, quan quân các đạo Hưng Hóa, Thanh Hoa, Nghệ An cùng hội với Thổ tù Trấn Ninh bao vây và hạ được thành Trình Quang. Về sau triều đình bình công ban thưởng, đội trưởng cơ Tiền Thắng Nguyễn Thế Lượng đã được sắc phong Phấn lực Tướng quân. Nội dung sắc phong cho Nguyễn Thế Lượng đã chứng minh điều này “ Nguyễn Thế Lượng, Đội trưởng ưu binh cơ Tiền Thắng, người giáp Lục Chu, xã Đại Đồng, huyện Nam Đường, vì tùy tòng theo quản đội quân quan Tương Đồng hầu, thuộc tùy tòng của quan Thống Lĩnh Đoan Quận công, tiến đánh đạo Nghệ An, lập được công tích, từng có sắc chỉ phê chuẩn ban cho chức Bá Hộ. Xứng đáng phong là: Phấn lực Tướng quân, Tráng sĩ ty Hiệu lệnh, chức Bá hộ, bậc Hạ trật. ” ( [6] )
Năm 1774, Nguyễn Thế Lượng được sai phái theo Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đi đánh Thuận Quảng có công nên được thăng lên chức Phó Thiên hộ thuộc hàm tòng ngũ phẩm võ giai. Theo nội dung sắc phong cho biết: “ Nguyễn Thế Lượng, vì là ưu binh ở cơ Tiền Thắng phụng tùy tòng theo sai phái với Thượng tướng quân Quốc Lão Việp Quận công, đánh dẹp đạo Thuận Quảng, lập được công tích, từng có sắc chỉ phê chuẩn, thăng chức Phó Thiên hộ.” ( [7] ).
Năm 1782, Nguyễn Thế Lượng có công phò Trịnh Tông nối ngôi nên được ban sắc phong chức Thiêm tổng tri Ty Tổng tri đây là một chức cai quản ngũ phủ trong kinh và các vệ ngoài phiên trấn thuộc hàm Tòng tứ phẩm. Theo nội dung sắc phong năm 1782 cho Nguyễn Thế Lượng: “ Sắc ban cho Phó Thiên hộ Nguyễn Thế Lượng, người xã Đại Đồng, huyện Nam Đường vì phụng mệnh phò giúp Tự vương buổi đầu nắm triều chính….xứng đáng được phong là Trì uy Tướng quân, Thủ ngự Phi kỵ úy, chức Thiêm tổng tri Ty Tổng tri ” .
Lệnh chỉ cấp cho Nguyễn Thế Lượng
Nguyễn Thế Lượng xuất phát là lính ưu binh nhưng đã có nhiều cố gắng, từng phò tá Đoan Quận công Bùi Thế Đạt và Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc chinh phạt nhiều nơi giành được thắng lợi nên được ban cấp sắc phong. Điều này cũng được ghi chép lại trong Nguyễn Thế tộc gia phả “ Cụ Nguyễn Thế Lượng vào triều Lê Trung Hưng, lập được công lao nên được thụ sắc phong là Trì uy tướng quân Hiệu lệnh ty Kỳ bài tráng sỹ Thủ ngự Phi kỵ úy, chức Thiêm tổng tri Ty Tổng tri ” ( [8] ) .
Về đời tư, ông lấy vợ người họ Lê, hai ông bà sinh được 3 người con trai là Nguyễn Thế Tín, Nguyễn Thế Chân, Nguyễn Thế Trực và 2 người con gái là Nguyễn Thị Nhượng và Nguyễn Thị Đắc.
Nguyễn Thế Lượng mất ngày 29 tháng 6 năm 1813 thọ 73 tuổi, mộ táng tại bản quán làng Dinh Chu, xã Đại Đồng. Hiện ông được thờ tại nhà thờ họ Nguyễn Thế đại tôn xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương.
[1] Nguyễn Thế tộc gia phả, tài liệu đã dẫn, tr32 phần dịch nghĩa
[2] Trong 3 phủ thuộc tỉnh Thanh Hoa và 12 huyện thuộc tỉnh Nghệ An, cứ 3 nhân đinh thì chọn lấy 1 binh. Hạng binh ấy được gọi là Ưu binh.
[3] Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí, tập IV, phần Binh chế chí, tr13 cho biết các cơ Tả khuông, Hữu nhuệ, Tiền nhuệ, Hậu nhuệ, Tả thắng, Hữu thắng, Tiền thắng, Hậu thắng, Tả tiệp, Hữu tiệp, Tiền tiệp…) mỗi cơ 400 người.
[4] Bùi Thế Đạt (1704 - 1778), người làng Tiên Lý, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, nay là xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu , tỉnh Nghệ An trong gia đình dòng võ tướng. Ông có công đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài giữa thế kỷ 18 và tham gia chiến dịch Phú Xuân 1774-1775 đánh chiếm Thuận Hóa - Quảng Nam , mở đất Đàng Ngoài ; ông cũng là người vẽ bản đồ Hoàng Sa thế kỷ 18.
[5] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thống giám cương mục, chính biên, quyển thứ XLIII, tr
689,690
[6] Nội dung sắc phong cho Nguyễn Thế Lượng năm 1771.
[7] Xem toàn văn nội dung sắc phong cho Nguyễn Thế Lượng năm 1782.
[8] Nguyễn Thế tộc gia phả, tr33 phần dịch nghĩa
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội