Đặng Thúc Hứa người đầu tiên khai phá ra hướng “Tây Du”.

11:13 13/01/2021

Từ thế  kỷ thứ XVII, thủy tổ Đặng Quang Uy đã có nhiều đóng góp để bảo vệ quê hương đất nước, từng được sắc phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân. Về sau, có Tri huyện Đặng Thai Giai, treo ấn từ quan về ủng hộ nghĩa quân Phan Đình Phùng, hay Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Quý Hối, … là những yếu nhân của Hội Duy Tân do Phan Bội Châu sáng lập. Rồi Đặng Thai Mai ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã tham gia hoạt động cách mạng thông quan hội Tân Việt, hội Việt Nam thanh niên, nhiều lần bị bắt giam. Không những vậy, những người con gái của dòng họ cũng tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở Xiêm như bà Đặng Thị Quỳnh Anh, Đặng Thị Hợp… Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dòng họ Đặng làng Lương Điền đã có hơn 10 người con tham gia phong trào yêu nước và cách mạng, trong số đó có 04 người đã trở thành những tấm gương cộng sản Nghệ An: Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, Đặng Thai Mai và Đặng Thị Quỳnh Anh.

Nhà thờ Đặng Nguyên Cẩn và nhà thờ Đặng Thai Mai

Tú Tài Đặng Thúc Hứa (1870 - 1931).

Đặng Thúc Hứa còn gọi là Ngọ Sinh, ông sinh năm 1870, là con thứ 2 của ông Đặng Thai Giai và là em trai của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn. Năm Canh Tý (1900), ông tham gia kỳ thi Hương và đậu Tú tài nên còn gọi là Tú Hứa.

Năm 1905, Đặng Thúc Hứa tham gia Duy Tân Hội và được giao phụ trách việc quyên góp kinh phí cho thanh niên Đông Du. Năm 1908, Đặng Thúc Hứa sang Trung Quốc và được Phan Bội Châu giao cho nhiệm vụ sang Nhật Bản mua súng chuyển về nước để ủng hộ cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Điều này được chép trong Phan Bội Châu niên biểu như sau: “ Cuối tháng Hai năm ấy, đụng ông Ngọ Sinh ( [1] ) ở trong nước ra mang số bạc ông Ngư giao cho tôi là 2500 đồng hơn….Trước đưa 2000 cho ông Ngọ Sinh, ông Đặng Tử Mẫn qua Nhật mua súng ( [2] )

Đặng Thúc Hứa trong thời kỳ hoạt động ở Xiêm

Năm 1909, ( [3] ) Đặng Thúc Hứa được Phan Bội Châu phái sang Xiêm xây dựng cơ sở cho cách mạng, ông được xem là người đầu tiên khai phá ra hướng “ Tây Du ”. Theo cuốn “ Lịch sử Nghệ Tĩnh tập 1 ” cho biết: “ Đáng chú ý là hướng xuất dương trong những năm chiến tranh (chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) không còn là sang Nhật mà đi sang Xiêm, rồi Trung Quốc nơi Phan Bội Châu đang hoạt động. Người đầu tiên có công khai phá ra hướng đi này là Đặng Thúc Hứa )” ( [4] ) Từ đây bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của Đặng Thúc Hứa trên đất Xiêm.

Năm 1909, Đặng Thúc Hứa sang Xiêm mở trại cày. Trong giai đoạn từ năm 1909 – 1924, các cơ sở Việt Kiều ở Xiêm phát triển mạnh. Lúc này, Đặng Thúc Hứa đi đến những nơi có Kiều bào sinh sống để cố kết họ hướng về tổ quốc, kiên trì xây dựng cơ sở trong Kiều bào để làm hậu cứ cho cách mạng và chuyên tâm dạy dỗ lớp thiếu niên để đào tạo lớp người thay thế mình làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Đi theo tiếng gọi của phong trào Đông Du, hàng trăm thanh niên yêu nước của Nghệ Tĩnh đã vượt núi, băng rừng sang trại cày của Đặng Thúc Hứa rồi sang Trung Quốc để hoạt động, trong số đó có nhiều người con ưu tú đã trở thành những yếu nhân quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam như: Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu... “ Thông thường những thanh niên Việt Nam xuất dương sang Xiêm đều qua trạm đón tiếp ở Phì Chịt rồi mới qua U Đon để dự lớp huấn luyện chính trị. Học viên nào tiến bộ nhanh, Đặng Thúc Hứa sẽ sắp xếp mọi thủ tục, kinh phí cần thiết để gửi họ sang Quảng Châu, nơi có nhiều nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động, dự các lớp huấn luyện chính trị. Trong số đó có những người về sau đã trở thành những nhân vật nổi tiếng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong…tính từ năm 1909 đến năm 1925 đã có hàng trăm thanh niên Nghệ - Tĩnh ra đi theo bước chân Đặng Thúc Hứa” ( [5] )

Cuối năm 1927, đầu năm 1928, do tình hình ở Trung Quốc rất phức tạp, Chính phủ Quốc dân Đảng lùng sục gắt gao để bắt cán bộ của ta nên Tổng bộ Hội Thanh niên đã chỉ đạo các lớp huấn luyện chính trị dài hạn ở Quảng Châu chuyển sang Xiêm để tiếp tục học tập cho hết chương trình cũng như mở thêm các khóa mới. Đồng chí Võ Mai đã từng được Tổng Hội Thanh niên giao nhiệm vụ đưa cán bộ sang huấn luyện ở Trại Cày của Đặng Thúc Hứa tại U Đon, Xiêm ( [6] ) . Điều này cũng được thể hiện qua Thông cáo của chánh mật thám Viên Chăn (Lào) gửi Toàn quyền Đông Dương về hoạt động của cụ Tú Hứa ở Xiêm ngày 12 tháng 5 năm 1927 cho biết: “ Trường học cộng sản thành lập hồi tháng sáu âm lịch năm ngoái do Tú Hứa được bố trí trong một ngôi nhà sàn bằng tranh. Các lớp học dạy bằng chữ Quốc ngữ do các giáo viên Nho Chương và Đặng Đậu tên này là cháu của Tú Hứa từ Trung Quốc sang năm ngoái…trường học này có khoảng ba chục học sinh tất cả là người Việt, hiệu trưởng là Lê Nghĩa tức Nho Bang. Tài chính của trường do một hội bí mật ở Xiêm gọi là hội Thân Ái cung cấp ( [7] ) .

Tháng 3 năm 1928, Nguyễn Ái Quốc sang Xiêm để vận động cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã gặp Đặng Thúc Hứa và các hội viên của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây. Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đã dựa vào các cơ sở cách mạng ở Xiêm do Đặng Thúc Hứa gây dựng để tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo thêm nhiều cán bộ cốt cán gửi về hoạt động cách mạng trong nước.  Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương cũng có đoạn chép: “ Sự kiện này chứng tỏ trại cày của Đặng Thúc Hứa là nơi nuôi dưỡng, hun đúc biết bao thanh niên trở thành cán bộ cách mạng, là một căn cứ địa quan trọng để bảo vệ lực lượng cách mạng, duy trì việc huấn luyện, truyền bá chủ nghĩa Mác –Lenin qua Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc về trong nước. Hơn thế nữa, chính nơi đây là cái nôi để hình thành “Đông Dương viện trợ bộ”, góp phần quyết định cho việc phục hồi các Đảng bộ Nghệ An – Hà Tĩnh vào những năm 1933 – 1934” ( [8] ) .

Hồ Chí Minh đã đánh giá những cống hiến của Đặng Thúc Hứa cho phong trào cách mạng Việt Nam tại Xiêm như sau: “ Đặng Thúc Hứa là yêu nước cách mạng chân chính của Việt kiều, người có công xây dựng các cơ sở quần chúng cách mạng ở Xiêm, có công lớn trong việc dạy dỗ và đào tạo thanh niên trở thành những hạt nhân đầy nhiệt huyết trong phong trào cứu quốc và cách mạng ở hải ngoại với tư cách là một người hiệu triệu quần chúng Việt Kiều trên đất Xiêm ( [9] )

Ngày 12/2/1931, sau chuyến công tác từ Xiêm Mây về UĐon, Đặng Thúc Hứa đã lâm bệnh và qua đời, mộ ông được táng tại chùa Bản Chích,  xã Mạc  Khen, huyện Mường, tỉnh U Đon Thani , Thái Lan.

Nguyễn Hưng


[1] Phan Bội Châu thường gọi Đặng Thúc Hứa là Đặng Ngọ Sinh.

[2] Phan Bội Châu toàn tập, tập 6(200), Nxb Thuận Hóa, tr 204

[3] Có tài liệu chép năm 1910

[4] Ban Nghiên cứu lịch sử tỉnh Nghệ An, (1984), Lịch sử Nghệ Tĩnh tập I , NXB Nghệ Tĩnh, tr 327

[5] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 20101),tr 39

[6] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương(1930 - 2010), tr40

[7] Nội dung bản thông cáo của của chánh mật thám Viên Chăn (Lào) gửi Toàn quyền Đông Dương về hoạt động của cụ Tú Hứa ở Xiêm ngày 12 tháng 5 năm 1927.

[8] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương(1930 - 2010), tr40

[9] Mấy mẩu chuyện về Đặng Thúc Hứa, tập chí nghiên cứu lịch sử số 79, tháng 10 năm 1965, tr32



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN