Di tích lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy

09:55 27/08/2018

Nằm cạnh con đê Tả Lam, soi bóng xuống Bàu Sen thơ mộng Di tích lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ ngài Lê Đức Tuy như một bức tranh thơ mộng, vừa uy nghiêm, cổ kính. Đền thờ được xây dựng vào đầu thế kỷ XVI để thờ vị quan Vinh Phúc bá Lê Đức Tuy. Người có công lớn dưới triều đại nhà Lê, làm quan quản lãnh trấn giữ vùng Anh Đô Nghệ An, Ngài là một vị quan hết lòng vì dân vì nước, được Vua Lê Thánh Tông phong sắc "Dực bảo trung hưng, linh phù tôn thần".

Toàn cảnh đền thờ Lê Đức Tuy

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước thái bình thịnh trị, quê hương, đất nước đang đòi hỏi nhiều nhân tài đứng ra xây dựng nước nhà cường thịnh. Biết con có tư chất thông minh, đất nước cần nhân tài, ông Lê Trừng Nguyên, tuy là nhà nho nghèo nhưng đã cố gắng dồn công của, sức lực cho Lê Đức Tuy học tập. Ông vừa rèn luyện, kèm cặp, dạy dỗ con, vừa nhờ đến các vị túc nho trong làng, mong con thành tài để ra giúp dân, giúp nước.

Thuở nhỏ, Lê Đức Tuy thông minh hiếu học lại được sự chỉ bảo, dạy dỗ của người cha, ngày đêm dùi mài kinh sử, nuôi chí luyện tài. Không phụ lòng cha, khi mới 16 tuổi ông thi đỗ Hương cống (năm 1459). Sau khi thi đỗ, ông về làng Nho Lâm dạy học. Ông đồ Lê Đức Tuy đã đem hết tài năng của mình dạy dỗ con em phường hồng, phường quánh, phường rèn. Ông không chỉ truyền thụ kiến thức chữ nghĩa văn chương mà còn dạy học trò về đạo lý làm người, về lễ, nghĩa... Ông luôn sống thanh bạch, mẫu mực làm gương cho học trò. Chính vì vậy, không chỉ học trò mà nhân dân trong vùng Nho Lâm rất kính trọng ông. Lê Đức Tuy là một trong những người đặt nền móng, nhen nhóm truyền thống học tập, khoa bảng của vùng Nho Lâm sau này.

Thời kỳ Lê Đức Tuy dạy học và nuôi chí luyện tài cũng là thời kỳ nước Đại Việt dưới sự trị vì của vua Lê Thánh Tông. Thời kỳ này khoa cử thịnh đạt nhất: “Tất cả các quan lại từ Trung ương đến địa phương đều phải trải qua khoa cử và đỗ đạt”.

Năm 1467, Lê Đức Tuy vào trường Quốc Tử Giám khi ông vừa tròn 23 tuổi. Sau một thời gian học trường Quốc Tử Giám, ông được bổ làm quan Quản Lĩnh phủ Anh Đô, thừa tuyên Nghệ An. Trị sở của phủ Anh Đô lúc này đóng tại vùng Thịnh Lạc, tổng Nộn Liễu, huyện Nam Đường (Hiện nay là vùng đất của xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) . Nhận rõ trọng trách được giao, suốt thời gian làm quan Quản Lĩnh phủ Anh Đô, Lê Đức Tuy đã đem hết tài năng, đức độ để giúp dân, giúp nước. Ông sống liêm khiết, rèn luyện và dạy dỗ binh sĩ luôn giữ nghiêm kỷ luật, từ công việc đến lời nói ông đều thận trọng, chín chắn. Chính vì thế mà ông được vua Lê Thánh Tông phong tước Vinh Phúc Bá.

Quan Quản Lĩnh phủ Anh Đô Lê Đức Tuy luôn trăn trở, nghĩ suy kế sách chấn hưng đất nước. Vùng đất Đồng Nhân thời bấy giờ là bãi phù sa chưa có người canh tác, cư dân thưa thớt, rất nhiều đầm, bàu, cồn, gò... bằng kinh nghiệm, kiến thức cộng với uy tín của mình, ông đã bỏ tiền của vận động con cháu và nhân dân đến vùng đất này tập trung khai phá, mở đất, lập làng. Ban đầu từ những vùng đất hoang sơ, có địa hình phức tạp, qua bàn tay cải tạo của con người đã trở thành đồng ruộng phì nhiêu, hình thành nên những địa danh như: Cồn Bụt, Cồn Buồm, Cồn Mùa Cua, Đồng Cây Đa, Đồng Khá,Đồng Lùm, Bầu Hoa, Đầm Vực... Đến nay, các địa danh này vẫn còn tồn tại, nhân dân nơi đây trải qua bao đời luôn ghi nhớ công tích của ông.

Mảng chạm trên kiến trúc đền thờ Lê Đức Tuy

Để phát triển sản xuất nông nghiệp, ông Lê Đức Tuy rất coi trọng làm công tác thủy lợi. Nhưng “Vùng đất Đồng Nhân xưa cũng như bao vùng quê khác ven Sông Lam thường xuyên bị lũ lụt tàn phá, gây ra bao cảnh tang tóc, điêu tàn, nhiều trận lụt đã đi vào lịch sử” . Những ruộng lúa, ruộng khoai, ruộng sắn hay bãi ngô đang lúc xanh tốt, chuẩn bị cho vụ mùa thu hoạch bội thu nhưng gặp lúc thời tiết mưa bão, nước sông dâng cao tràn vào gây ngập úng là năm đó bà con đói kém. Mỗi năm khi lúa khoai xanh tốt bà con thấp thỏm lo lắng không yên. Điều này cho thấy, đối với người dân nơi đây con đê ngăn lũ cực kỳ quan trọng. Và từ trước đó con đê ven sông Lam này cũng đã được đắp nhằm ngăn lũ (từ thời Uy Minh Vương Lý Nhật Quang vào làm Tri châu Nghệ An) , do thời gian trải qua nhiều năm, đê yếu, dễ vỡ gây ngập úng. Chính vì vậy, hàng năm, Lê Đức Tuy đều vận động nhân dân bồi đắp thêm con đê Tả Lam vững chắc, chống mòn, sụt lở đê, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân phát triển sản xuất. Để ngăn chặn sức hủy hoại của sự đổi dòng sông Lam, song song với việc thường xuyên tu bổ đê, Lê Đức Tuy còn đứng ra vận động nhân dân kè Bến Đá vừa để tạo thêm sự vững chắc cho đê, vừa làm điểm cập bến cho thuyền bè để giao thương kinh tế. Để làm được việc này, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về thủy lợi, Lê Đức Tuy đã khởi xướng, đảm nhận và hoàn thành tốt công trình kè Bến Đá. Sau khi Bến Đá được tạo dựng, thuyền bè xuôi, ngược tấp nập ra, vào trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế. Nhờ có Bến Đá nên sự trao đổi giao thương kinh tế bằng đường sông đã phát triển góp phần làm cho trị sở phủ Anh Đô dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) phát triển sầm uất, xứng đáng với cái tên Thịnh Lạc.

Sau một thời gian dài cống hiến với bao vất vả, khổ cực vì sự nghiệp khai hoang, lập làng của quan Quản Lĩnh Vinh Phúc bá Lê Đức Tuy và sự bình yên thịnh vượng của vùng trị sở phủ Anh Đô. Ngày 15 tháng Giêng năm 1516, do tuổi cao, sức yếu, ông đã qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. Tưởng nhớ tới công lao to lớn của vị quan thanh liêm, nhân dân đã mai táng và lập đền thờ ông tại vùng Bến Đá để bốn mùa hương khói. Các triều đại phong kiến đã ghi nhận sự cống hiến của ông và ban sắc, phong cho ông là “Bản cảnh Thành hoàng nẫm trứ linh ứng, trứ phong Dực bảo Trung hưng linh phù tôn Thần” , giao cho giáp Đồng Nhân tòng tiền phụng sự. Để ghi nhớ công đức của ông năm 2003 UBND tỉnh Nghệ An đã cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Mười bốn năm sau, tháng 12/2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nâng hạng lên là Di tích lịch sử Quốc gia Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy

Hiện nay tại đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ quý hiếm như: gia phả, câu đối, đại tự, biển Vua ban, kiệu long đình... cùng các công trình Tam quan, Hạ, Trung, Thượng điện uy nghiêm, cổ kính. Đặc biệt là các mảng chạm các điển tích có giá trị nghệ thuật cao, được con cháu góp công, góp của tu bổ và tôn tạo khang trang, đẹp đẽ.

Nối tiếp truyền thống hiếu học của một dòng họ có nhiều người đỗ đạt và giữ chức quan văn, võ song toàn trên vùng đất Thịnh Lạc, từ xưa đến nay các bậc hậu duệ của Vinh Phúc bá Lê Đức Tuy đã có nhiều người thi cử đậu đạt và có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Hiện nay, con cháu hậu duệ của Vinh Phúc bá Lê Đức Tuy đang sinh sống, học tập và làm việc khắp mọi miền đất nước, có nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, giữ những chức vụ, vị trí quan trọng, dù ở bất cứ đâu, vị trí nào người dân trong gia tộc họ Lê đều là những công dân gương mẫu, làm việc hết mình để xứng đáng với bậc tiền nhân và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Trần Thị Diệp



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN