Chuyện tình Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai
Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là hai nhà cách mạng Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Cả cuộc đời của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đều được dành để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đem lại tự do, độc lập cho dân tộc. Trên con đường cách mạng ấy, họ đã gặp và chia sẻ cho nhau tình yêu, sự gắn bó của hai tâm hồn cùng chung một nhịp, hai ý chí có cùng một quyết tâm…
Khi gặp Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong bị ấn tượng bởi hình ảnh của một người con gái nhỏ nhắn xinh xắn có đôi mắt tròn to đầy cương nghị, đặc biệt là một tinh thần cách mạng rực lửa được chứa đựng trong trái tim yêu nước nồng nàn.
Trong khi đó, trong mắt Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong là người đàn ông có cử chỉ lịch thiệp, hòa nhã, tranh luận chính trị sôi nổi, lại có tính hài hước. Bản thân Lê Hồng Phong cũng được cả nhóm yêu mến.
Bình thường, Nguyễn Thị Minh Khai không phải là cô gái rụt rè, e lệ. Nhưng khi đứng trước Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai thấy mình có phần lúng túng… Sau một thời gian cảm mến nhau vì sự đồng điệu của tâm hồn và ý chí, đám cưới của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức.
Đó là một đám cưới giản dị, ấm tình đồng chí ở Thượng Hải với một bữa cơm chiều tươm tất hơn ngày thường. Có thêm vài chiếc kẹo bọc giấy xanh đỏ, một đĩa lạc rang và vài điếu thuốc lá.
Khi đồng chí Hoàng Văn Nọn về muộn nhìn thấy bữa cơm tươm tất hơn đã ngạc nhiên hỏi Minh Khai rằng: “Chị có biết việc gì không?”. Lúc ấy, Nguyễn Thị Minh Khai đỏ mặt không đáp, chỉ lắc đầu cười. Sau đó, Hà Huy Tập đứng lên, trịnh trọng tuyên bố:
“Hôm nay, Đảng làm lễ thành hôn cho anh Vương (bí danh của Lê Hồng Phong) và chị Duy (bí danh của Nguyễn Thị Minh Khai). Hiện nay Đảng còn nghèo, hoạt động bí mật, không tổ chức lễ cưới lớn cho anh chị được. Nhưng chúng ta vẫn rất vui. Chúng ta chúc mừng cô dâu, chú rể cộng sản bách niên giai lão”.
Đám cưới không có hát hò, không có chén rượu mừng cô dâu, chú rể nhưng vẫn thật vui và hạnh phúc. Cũng từ giây phút thành vợ chồng đó, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai gắn tình yêu của mình với cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những thăng trầm và cả sự hi sinh..
Kết quả của tình yêu ấy là sự ra đời của cô con gái Lê Nguyễn Hồng Minh, cô sinh vào mùa Xuân năm 1939, cô không biết mặt cha, không nhớ rõ mặt mẹ, tất cả những kỷ niệm về cha mẹ là qua lời kể và qua sách báo.
Vào lần thứ hai Lê Hồng Phong bị bắt, Thực dân Pháp đã dùng mọi hình thức tra tấn, thậm chí cả dùng đòn tâm lý, biết Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng, chúng đã đưa Minh Khai đến gặp Lê Hồng Phong, với mục đích cho 2 người nhận nhau, từ đó khép tội đồng chí Lê Hồng Phong.Mặc dù hai người đã lâu chưa gặp nhau, nay lại gặp nhau trong cảnh tù đày, lòng đầy thương cảm, sống chết chia ly trong gang tấc, nhưng với ý chí kiên định và niềm tin với cách mạng, cả hai đã phủ nhận mọi chứng cứ mà kẻ thù đưa ra.
Mặc dù bị cầm tù trong nhà lao đế quốc, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai với tư cách là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn vẫn tìm mọi cách liên lạc với anh em đồng chí của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ. Trong Thông tư số 7709-S của Chánh liêm phóng P.Arnoux năm 1940 gửi Thống đốc Nam Kỳ, Tổng thanh tra Liêm phóng đã đề cập đến “ …Lục soát khi chuyển Nguyễn Thị Minh Khai thì phát hiện được trong quần áo của thị có 2 tài liệu viết tay. Bản thứ nhất là lời kêu gọi binh sĩ, thợ thuyền và nông dân Đông Dương hãy đoàn kết lại để phát động cách mạng và đấu tranh để được giải phóng với sự ủng hộ của Liên Xô. Bản thứ 2 là một bức thư ký tên Hồ Thị Duc tù nhân chính trị gửi cho các đồng chí, có đoạn ý ngầm yêu cầu những người đọc hãy tăng cường tuyên truyền cộng sản. Việc bức thư này bị phát hiện trong tay Nguyễn Thị Minh Khai chứng tỏ rằng chiến sỹ này phải phụ trách liên lạc với bên ngoài nhà tù…”. Tòa án thực dân sau đó đã tiến hành kết án tử hình nhiều chiến sỹ cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Tòa án binh Sài Gòn ngày 25/3/1941 và 03/4/1941 đã kết án đồng chí 12 án: 2 án tử hình, 2 án chung thân, 2 án 20 năm tù, 1 án 15 năm tù, 5 án 5 năm tù. Trong phiên tòa của kẻ thù, chị không những không khuất phục mà còn dõng dạc tra vấn lại chúng: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước không có tội sao?”.
Không khuất phục được nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, người cộng sản trung kiên, ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… đi xử bắn tại Hóc Môn (Sài Gòn). Nguyễn Thị Minh Khai đã tranh thủ thời gian cuối cùng của cuộc đời để bí mật viết vào mảnh giấy nhỏ cuộn tròn trong điếu thuốc gửi tới người đồng chí, người bạn đời Lê Hồng Phong đang bị đày ở nhà tù Côn Đảo “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng vậy”
Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống khi mới 31 tuổi. Trước pháp trường, bà hướng về phía đồng bào, đồng chí nói lời tâm huyết cuối cùng: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc chúng tôi được Độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng.
Về phía Lê Hồng Phong Những ngày bị biệt giam trong hầm đá, banh II, đồng chí không ngừng bị hành hạ, tra tấn, đánh đập hết sức dã man ,Có những lần Lê Hồng Phong vừa bưng bát cơm lên ăn thì bọn cai ngục nhảy vào xông vào, đấm ,đá, quất túi bụi,làm máu chảy từ đầu, cằm chảy đỏ cả bát cơm.Thế nhưng Lê Hồng Phong vẫn thản nhiên ngồi ăn bát cơm chan máu, với quyết tâm phải sống, để còn sống còn chiến đấu, “Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt thép gang, nhưng nó phải oằn đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản”. với thái độ vô cùng bình tĩnh ấy của L ê Hồng Phong , kẻ thù đã phải hoảng sợ chùn tay, một tên cầm đầu bọn cai ngục đã rón rén lại gần và hất hàm hỏi: Ê! Tại sao tao đánh mày như thế mà mày vẫn ngồi ăn? mày không biết đau à? Lê Hồng Phong thong thả đặt bát cơm xuống quắc mắt lại nhìn thẳng vào kẻ thù và dằn từng tiếng một: “Chúng mày nói một ngày chúng mày không đánh cho chúng tao chảy máu thì chúng mày ăn không ngon ,vậy nên chúng tao phải ăn để có máu đối phó với chúng mày’’, nói xong Lê Hồng Phong lại tiếp tục bưng bát cơm chan máu lên ăn như chưa có việc gì ghê gớm xảy ra.Thế nhưng sức người có hạn , những trận đòn thù tàn ác dã man liên tục trên một cơ thể vốn đã héo hon vì chứng kiết lị đã làm cho đồng chí dần dần kiệt sức, vào trưa ngày 06/9/1942 tại xà lim số 5 banh II, Lê Hồng Phong đã vĩnh biệt từ biệt anh em. Trước khi trút hơi thở cuối cùng Lê Hồng Phong đã nhắn lại với các bạn tù rằng: “nhờ các đ/c nói với Đảng rằng: “tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Hiện nay, mộ của đ/c LHP nằm tại khu A nghĩa trang Hàng Dương, Huyện Côn Đảo trên một ngọn đồi núi cát và dưới chân núi chúa.
Như vậy, cho đến những giây phút cuối cùng, cuộc đời và tình yêu của Lê Hồng Phong – Nguyễn Thị Minh Khai vẫn gắn liền với sự nghiệp cách mạng. Cả Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã hi sinh cuộc sống – hạnh phúc riêng của mình với mong muốn giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét về các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ…: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
Công Nam
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội