Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân

15:20 28/11/2024

Chu Huy Mân có tên khai sinh là Chu Văn Điều. Ông sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, huyện Nghi Lộc (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Thân sinh của ông là cụ Chu Văn Quý và bà Trần Thị Xân. Trong quá trình hoạt động cách mạng ông đã sử dụng các bí danh như: Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh, Thao Chăn…

Sinh ra trong một gia đình gồm 8 anh chị em, Chu Văn Điều là con út, khi được 14 tháng tuổi cha vì lao động nặng nhọc nên sớm qua đời. Một mình bà Xân tần tảo nuôi các con. Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng là con út nên từ nhỏ, ông đã được gia đình cho học hành đầy đủ cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

Trong thời gian học ở quê nhà, Chu Văn Điều được nghe kể nhiều câu chuyện về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, về tấm gương yêu nước của các sĩ phu văn thân như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân…Từ đó, đã khích lệ tinh thần yêu nước trong con người anh, sớm hun đúc hát vọng lớn lao đó là tham gia làm cách mạng để mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Chu Văn Điều đã tham gia tích cực các phong trào đấu tranh ở địa phương và động viên người thân tham gia các cuộc mít tinh tuần hành.

Ngày 03/02/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau khi thành lập, Đảng cộng sản Việt Nam đã phát động phong trào cách mạng 1930 – 1931 rộng lớn trong toàn quốc và đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuộc đấu tranh quyết liệt của Công – Nông hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã làm tan rã bộ máy thống trị của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều ở nhiều làng, xã lập nên chính quyền Xô Viết. Trong khí thế đó, đồng chí đã tham gia các đoàn biểu tình của công nhân các nhà máy ở Vinh, các cuộc biểu tình của nông dân huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên… Để bảo vệ chính quyền Xô Viết, Đảng đã chỉ thị thành lập đội Tự vệ đỏ. Tại xã Yên Lưu dưới sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Vinh, đội Tự vệ đỏ được thành lập. Chu Huy Mân là một trong những thanh niên tham gia tích cực và được phân công làm đội phó, đội Tự vệ Đỏ xã Yên Lưu [1] . Với những nỗ lực không ngừng vào tháng 11/1930, Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Chu Văn Điều (sau này gọi là Chu Huy Mân [2] ), đánh dấu bước trưởng thành từ một người yêu nước trở thành một Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Với những hoạt động cách mạng tích cực tại địa phương, vào năm 1933, Ông được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Xuân Hòa [3] . Năm 1936, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Bí thư Phân Huyện uỷ huyện Hưng Nguyên. Thời gian này, Chu Huy Mân đã có nhiều đóng góp trong các phong trào cách mạng ở địa phương. Trong quá trình chỉ đạo hoạt động cách mạng, đồng chí không ít lần lần bị  địch bắt, tra tấn, khi bị giam ở nhà Cự Hương (Yên Lưu), khi ở nhà lao Vinh. Sau một thời gian đánh đập không lấy được lời khai, tháng 5/1940, bọn địch đưa đồng chí vào giam ở nhà tù ĐắcLây rồi ĐắcTô, Kon Tum. Trong nhà lao, địch dùng đủ mọi thủ đoạn vừa dụ dỗ vừa đánh đập dã man nhưng không thể nào khuất phục được ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản. Tháng  3 năm 1943, đồng chí đã vượt ngục thành công. Sau đó đồng chí Chu Huy Mân đã bắt liên lạc được với tổ chức Đảng tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian này, đồng chí Chu Huy Mân tham gia tích cực trong Ban Mặt trận Việt Minh tỉnh và được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam. Tháng 8/1945, đồng chí Chu Huy Mân cùng với các đồng chí nòng cốt trong Mặt trận Việt Minh tỉnh và Ban chấp hành Tỉnh uỷ Quảng Nam lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi [4] .

Đồng chí Chu Huy Mân và cán bộ chiến sĩ đón Bác Hồ về thăm Quân khu IV

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của quân và dân ta, tiêu biểu như:

- Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947: Sau Cách mạng tháng Tám (1945), đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương điều động ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ [5] . Với tài năng và tư duy sâu sắc, sáng tạo cùng những kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng làm nên những chiến thắng của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đập tan cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp, bảo vệ vững chắc căn cứ địa kháng chiến của cả nước, tiêu biểu như trận đánh đồn Phủ Thông, Nà Lặc, Lũng Vài…

- Mùa Xuân năm 1949, nội chiến cách mạng lần thứ ba ở Trung Quốc bước vào giai đoạn quyết định. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chi viện, phối hợp tiêu diệt quân Quốc dân Đảng, củng cố và mở rộng khu giải phóng ở vùng Ung – Long – Khâm [6] (khu vực nối liền với vùng biên giới Đông Bắc nước ta). Trước đề nghị đó, Bộ Tư lệnh Liên khu 1 đã nhận được lệnh giúp bạn xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung – Long – Khâm liền với biên giới Đông Bắc nước ta, đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do của ta sát  biên giới thông ra biển liền với khu giải phóng Việt Quế. Bộ Tư lệnh Liên Khu 1 đã thành lập một lực lượng đặc biệt sang giúp lực lượng cách mạng Quảng Tây (Trung Quốc), giải phóng khu Tả Giang – Long Châu và khu vực Thập Vạn Đại Sơn. Đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Chính ủy mặt trận phía Tây Thập Đại vạn Sơn. Trong thời gian từ ngày 10/6/1949 đến ngày 5/7/1949, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng với Bộ Chỉ huy Mặt trận chỉ huy bộ đội hạ 3 đồn, tiêu diệt 1 tiểu đoàn vệ binh, đánh tan 2 đại đội quân Quốc dân Đảng và giải phóng nhiều vị trí quan trọng như Lôi Bình, Bằng Kiều, Thông Kheo, Thượng Thạch, Hạ Trạch… [7]

- Chiến dịch Biên giới (1950): vào tháng 8/1949, Trung đoàn 174 (Cao - Bắc - Lạng) được thành lập [8] . Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Chính trị ủy viên, Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân, trung đoàn 174 đã tổ chức ra quân đánh phục kích lớn trên đường số 4 làm tê liệt, cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của địch lên Việt Bắc. Đồng thời phối hợp với đại đoàn 308, các tiểu đoàn 209, 426, 428, 888, bộ đội địa phương tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn cùng 10 vạn dân công tham gia chiến đấu. Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ cùng Trung đoàn 209 tiến công cứ điểm Đông Khê, một trong những cứ điểm quan trọng của quân Pháp trên đường số 4. Trận đánh then chốt mở màn thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta phát triển thế tiến công, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Sau chiến dịch Biên Giới đồng chí Chu Huy Mân nhận được lệnh lên cơ quan Bộ (Hoà An, Cao Bằng) để nhận nhiệm vụ mới. Thời gian này đồng chí cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp Bác Hồ và được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

- Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: Trước khi bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy đại đoàn 316 [9] tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như: Tây Bắc (1952); Thượng Lào (1953); Đông Xuân (1953-1954). Đặc biệt, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đồng chí chỉ huy Đại đoàn 316 đánh ở những vị trí then chốt như đồi C1, C2 và đồi A1, góp phần quyết định làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Hiệp định Gionevơ được ký kết, cách mạng ba nước Đông Dương bước sang một giai đoạn mới. Trong bối cảnh cần phải tập trung xây dựng lực lượng, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị nhằm củng cố hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc. Vì vậy Mặt trận Lào Itsxala và Chính phủ kháng chiến Lào đã đề nghị Đảng Lao động Việt Nam cử đoàn Cố vấn quân sự qua giúp đỡ.

Ngày 16/7/1954, Bộ tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Cố vấn quân sự Việt Nam, mang phiên hiệu Đoàn 100 sang giúp đỡ nước bạn Lào trong thời kỳ mới. Đồng chí Chu Huy Mân đã được giao nhiệm vụ làm đoàn trưởng Đoàn cố vấn quân sự kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn 100. Đồng chí được Bác Hồ trực tiếp giao trách nhiệm: “…Chú luôn luôn nhớ rằng giúp Nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình. Cách mạng Lào, quân đội Lào trưởng thành tức là góp phần tăng thêm sức mạnh chiến đấu của ba dân tộc anh em trên bán đảo Đông Dương. Vì vậy, phải có ý thức đầy đủ, có kế hoạch chu đáo, tỷ mỷ, tôn trọng chủ quyền của bạn, giúp bạn làm chủ từng việc, đến toàn diện với tinh thần cách mạng Lào do Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Lào tự làm lấy là chủ yếu, tránh bao biện làm thay. Chú cần nhớ lấy ba điều cốt yếu của cách mạng Lào là: lâu dài, gian khổ, tự lực cánh sinh là chính và cuối cùng nhất định thắng lợi.” [10] Trong những năm làm việc tại Lào, đồng chí đã cùng đoàn chuyên gia xây dựng Đề án lực lượng vũ trang Pathet Lào. Sau khi Đảng Nhân dân Lào ra đời (22/3/1955), đồng chí Chu Huy Mân đã trao đổi với nước bạn để tăng cường công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, Trung tâm giáo dục bồi dưỡng cảm tình Đảng đã được ra đời nên công tác phát triển đảng trong lực lượng vũ trang cách mạng Lào chuyển biến rõ rệt.

- Ngày 03/6/1957, Quân khu IV [11] được thành lập, đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Chính uỷ, Bí thư Đảng ủy Quân khu IV [12] . Đồng chí đã cùng với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tình hình đồng thời tổ chức tốt thế trận của một quân khu tuyến đầu miền Bắc [13] . Sau đó đồng chí được giao nhiệm vụ làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc [14] . Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng.

- Vào cuối năm 1960, trước tình hình nước bạn Lào lại có nhiều diễn biến phức tạp. Đảng Nhân dân Lào và Chính phủ Phuma đã đề nghị Đảng và Chính phủ Việt Nam giúp đỡ, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục được lựa chọn sang giúp cách mạng Lào. Trước khi đi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp căn dặn: “Mỹ can thiệp rất thô bạo vào Lào, trực tiếp chỉ huy các lực lượng tay sai triển khai chiến đấu hòng đánh chiếm Viêng Chăn thì lúc này sự giúp đỡ của Việt Nam phải bí mật, nhanh chóng, chủ yếu là góp ý kiến cho bạn Lào làm, không dùng lực lượng Việt Nam…Nhiệm vụ trưởng đoàn cố vấn quân sự lúc này rất nặng nề và tế nhị. Ra trận một mình, rất gấp, lại thiếu hẳn một cơ quan tham mưu như lẽ thông thường càng khó cho anh hơn” [15] . Ngay sau khi đến Viêng Chăn, đồng chí Chu Huy Mân đã khẩn trương nắm tình hình, giúp các đồng chí lãnh đạo nước bạn tổ chức chiến đấu bảo vệ Thủ đô Viêng Chăn. Dưới sự cố vấn của đồng chí Chu Huy Mân và hỗ trợ của lực lượng pháo binh Việt Nam, lực lượng vũ trang trung lập yêu nước và lực lượng Pathét Lào đã chiến đấu anh dũng suốt nhiều ngày đêm, chặn đứng các mũi tiến công của đối phương, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, rồi thực hiện tiến công giải phóng cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Đây là thắng lợi quan trọng góp phần nâng cao uy tín của Pathet Lào và đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Lào.

- Tháng 5 năm 1961, đồng chí được cử về công tác ở Quân khu IV, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ Quân khu IV. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của Quân khu IV đồng chí Chu Huy Mân cùng với cán bộ nhanh chóng nắm bắt tình hình và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt đồng chí đã có đề xuất chuyển tư tưởng từ phòng ngự tích cực sang tư tưởng chủ động tiến công, sẵn sàng xuất kích đánh địch cho cán bộ chiến sĩ [16] .

- Đầu năm 1964, đồng chí Chu Huy Mân được cử vào chiến trường khu V [17] , lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Khu uỷ, Chính uỷ, Bí thư Quân khu uỷ Quân khu V. Sau khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, chúng gấp rút chuẩn bị thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ ”. Bằng tài năng và trí tuệ với quyết tâm cao, đồng chí Chu Huy Mân cùng tập thể lãnh đạo Khu uỷ chỉ huy quân và dân làm nên nhiều chiến công giòn giã như trận Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường, góp phần khẳng định khả năng đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta.

- Tháng 8 năm 1965, đồng chí Chu Huy Mân được cử làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Tây Nguyên. Lúc này Mỹ cho Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 [18] , đơn vị mạnh nhất mà Mỹ cho là bất khả chiến bại vào An Khê với âm mưu khống chế cả Tây Nguyên, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đồng bằng ven biển khu V. Biết được âm mưu của địch,  Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đứng đầu là đồng chí Chu Huy Mân, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, quyết tâm cao độ đã mở màn bằng chiến dịch Plei – me. Quân giải phóng Tây Nguyên đã đánh bại cuộc hành quân “Lưỡi lê bạc” của Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ [19] . Trận đánh đó đã góp phần khẳng định bài học dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Plei - me đã đi vào lịch sử như một mốc son của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã làm lung lay lý thuyết mới về chiến tranh bằng máy bay lên thẳng của Mỹ khi vừa được áp dụng lần đầu tiên vào chiến trường Việt Nam.

- Tháng 9 năm 1966, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng với Bộ tư lệnh quân khu V, Bộ tư lệnh chiến trường Tây Nguyên mở chiến dịch Sa Thầy, với mục đích hỗ trợ phong trào phá ấp chiến lược giành dân của địa phương, thu hút và giam chân chủ lực địch, phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 18/10/1966, đồng chí Chu Huy Mân đã chỉ đạo Trung đoàn 95 bao vây đồn Pkey Girang, sau đó các đơn vị tham gia chiến dịch lần lượt giành những thắng lợi quan trọng [20] . Cùng với chiến dịch Plei – me, chiến dịch Sa Thầy đã góp phần quan trọng cùng quân dân Tây Nguyên và toàn miền Nam đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của địch.

- Chiến dịch Mậu Thân năm 1968: Vào tháng 12 năm 1967, đồng chí Chu Huy Mân được điều về làm Phó Bí thư Khu uỷ, Tư lệnh, Phó Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy Khu V để chuẩn bị cho tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 . Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) mặc dù chưa đạt được mục tiêu đầy đủ nhưng đã giáng một đòn mạnh vào ý đồ xâm lược của Đế quốc Mỹ và buộc Tổng thống Giônxơn phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari và không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (27/01/1973), Bộ Chính trị đã đưa ra những phương án tác chiến phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ. Đồng chí Chu Huy Mân luôn đề xuất phương án có tính chất chủ động, nỗ lực để có thể tạo thời cơ trực tiếp, góp phần đưa chiến lược đạt kết quả cao hơn. Nhờ vậy, đã đạt được nhiều thắng lợi như chiến thắng Tiên Phước – Phước Lâm, giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi, chiến dịch Đà Nẵng.

Sau hội nghị mở rộng của Bộ Chính Trị (18/12/1974 - 08/01/1975), đồng chí Chu Huy Mân đã cùng Quân khu ủy lãnh đạo Quân khu V khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị theo quan điểm “tự mình nỗ lực, không chủ quan, tạo thời cơ trực tiếp, lợi dụng thời cơ chung, kín đáo và sắc bén hơn về tư tưởng chiến lược và về tâm lý” [21] , vì vậy đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta hoàn toàn thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chân dung Đại tướng Chu Huy Mân

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục tham gia Quân đội và giữ nhiều vị trí quan trọng như Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Đại biểu Quốc hội các khoá II, VI và VII... Là vị tướng song toàn của Quân đội, vừa có tài thao lược trên chiến trường, vừa là nhà chính trị sắc sảo, đã có nhiều công lao to lớn đối với Cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đại tướng Chu Huy Mân nhiều phần thưởng, huân huy chương cao quý.

Đại tướng Chu Huy Mân rất coi trọng công tác nghiên cứu lý luận quân sự với nhiều công trình, bài viết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc . Đại tướng đã biên tập và để lại nhiều tài liệu có giá trị về lịch sử quân sự Việt Nam, lịch sử Đảng, đóng góp vào công tác Đảng, công tác chính trị của các đơn vị, cơ quan trong và ngoài quân đội như: cuốn sách “ Người Chính uỷ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Thời sôi động”, “Nâng cao phẩm chất cộng sản của người đảng viên”, “Chiến thắng Pleime-30 năm sau nhìn lại”, “Nâng cao hiệu lực của công tác Đảng, công tác chính trị trong các LLVT nhân dân”,…

Vào năm 2006 do bệnh nặng, mặc dù được các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình chăm sóc chu đáo nhưng ông không qua khỏi. Ông mất ngày 01  tháng 7 năm 2006, tại Hà Nội. Hiện nay, mộ Đại tướng Chu Huy Mân được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội. Để tri ân những công lao của Đại tướng, vào năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương cho xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân [22] tại xóm Phong Hảo, xã Hưng Hòa - quê hương của Đại tướng và đặt tên đường Đại tướng Chu Huy Mân. Ngoài ra, tên của Đại tướng cũng được đặt cho nhiều tên phố, tên trường, tên đường như Phố Chu Huy Mân (Hà Nội); đường Chu Huy Mân (Đà Nẵng), Trường phổ thông dân tộc thiểu số THCS Chu Huy Mân (Quảng Nam)…

Với 93 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, Đại tướng Chu Huy Mân luôn thể hiện là cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta, một tướng lĩnh xuất sắc, một nhà chính trị - quân sự song toàn của quân đội nhân dân Việt Nam. Suốt cuộc đời, Đại tướng đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta.

Toàn cảnh Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh

Để ghi nhớ những công lao, đóng góp của Đại tướng, ngày 20/01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-UBND xếp hạng Khu lưu niệm Đại tướng Chu Huy Mân là Di tích lịch sử cấp. Đây là sự ghi nhớ, tôn vinh đối với công lao to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân - nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích.

Thúy Liên


[1] Chương trình sưu tầm, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2020), Chu Huy Mân – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 48,49

[2] Vào năm 1935, đồng chí Chu Văn Điều đổi tên mới là Chu Huy Mân. Huy Mân có nghĩa  là “Ngọc sáng”. Tên gọi Chu Huy Mân đã gắn liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

[3] Chương trình sưu tầm, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2020), Chu Huy Mân – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 55

[4] Chương trình sưu tầm, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2020), Chu Huy Mân – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 52-84.

[5] Đồng chí giữ chức Trưởng ban kiểm tra Đảng, Quân Khu uỷ viên khu Việt Bắc.

[6] Ung – Long – Khâm là các huyện huyện Ung Châu , Long Châu Khâm Châu của Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam.

[7] Chương trình sưu tầm, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2020), Chu Huy Mân – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr120.

[8] Trung đoàn 174 hợp nhất 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh: trung đoàn 20 Lạng Sơn, trung đoàn 72 Bắc Cạn, trung đoàn 74 Cao Bằng

[9] Tháng 5/1951, Đại đoàn 316 được thành lập. Đồng chí Chu Huy Mân được cử làm Phó Chính uỷ, sau đó là Chính uỷ, Bí thư Đảng uỷ Đại đoàn 316.

[10] Đại tướng Chu Huy Mân, Thời sôi động, tr 209-210.

[11] Quân khu IV gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế;

[12] Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đọa tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Chu Huy Mân tiểu sử, Nxb chính trị quốc gia, tr185.

[13] Đại tướng Chu Huy Mân: thời sôi động (hồi ký), tr 273

[14] Chương trình sưu tầm, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2020), Chu Huy Mân – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 193

[15] Lê Hải Triều (2005), Tướng Hai Mạnh , Nxb Quân đội Nhân dân, tr62-63

[16] Chương trình sưu tầm, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2020), Chu Huy Mân – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 208

[17] Quân khu V gồm các tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông.

[18] Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 là một trong những đơn vị chiến đấu nổi tiếng của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam vì việc sử dụng trực thăng làm phương tiện chuyển vận binh sĩ. Đây là một trong những sư đoàn cơ động chiến đấu lớn nhất và được trang bị với hơn 16.000 quân, được tổ chức thành 4 lữ đoàn chiến đấu và một số đơn vị hỗ trợ.

[19] Chương trình sưu tầm, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2020), Chu Huy Mân – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tr223-224

[20] Lịch sử Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 (1964-2005), tr157

[21] Lê Hải Triều , Đại tướng Chu Huy Mân thời sôi động , Nxb Quân đội Nhân dân, tr562

[22] Quyết định số 2328/QĐ.UBND-CN ngày 28/6/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Nhà tưởng niệm cố Đại tướng Chu Huy Mân tại xã Hưng Hòa, thành phố Vinh



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN