Gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Đậu Thị Thư- Một gia đình cách mạng tiêu biểu!
Hơn 100 năm trước, gia đình ông bà Hàn Bình(Thân sinh Liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái, Nguyễn Huy Tú) đã sống tại vùng đất Phố Ga, nay là phường Quang Trung, thành phố Vinh. Ông Nguyễn Huy Bình vốn là người làng Mọc Thượng Đình, Từ Liêm, Nhân Chính, Hà Nội. Ông sinh trưởng trong dòng họ có nhiều người tài giỏi đỗ đạt. Bản thân là hàng ấm sinh, nên cũng là người học rộng hiểu thông về Han văn và Pháp văn. Năm 1907 ông được cử về làm Thư ký nhà Ga xe lửa Vinh(Vị trí Rạp 12/9 bây giờ). Bà Đậu Thị Thư, vốn là cô thôn nữ con của một nhà nho nghèo yêu nước ở làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Lớn lên ở độ tuổi trăng tròn, cô thiếu nữ Đậu Thị Thư đã theo mẹ đi buôn bán hàng tấm, hàng gạo ở chợ Vinh. Cơ duyên đó mà ông bà gặp gỡ, nên duyên với nhau trên mảnh đất phố Ga.
Những đầu thế kỷ XX, Bà Đậu Thị Thư buôn bán làm ăn rất phát đạt, có tiền ông bà đã xây dựng được một ngôi nhà 2 tầng khang trang ngay trên Đại Lộ Marechal foch- Một con đường lớn bậc nhất ở Thị xã Vinh lúc bấy giờ. Ngôi nhà của ông bà mang số nhà 132 có 2 tầng, tầng 1 là cửa hàng kinh doanh, đặt tên là hiệu Thịnh Lợi, tầng 2 là nơi cả gia đình sinh hoạt. Tổ ấm đó là nơi gắn liền những kí ức của cả đại Gia đình trong những năm sinh sống ở Vinh. 8 người con của ông bà đều được đi học từ sớm dù là gái hay trai. Nuôi dạy con bằng những bài học nhân nghĩa cùng đức tính hiền hậu và nhân từ, ông bà đã dưỡng dục những người con ưu tú cho dân tộc Việt Nam.
Chị cả Nguyễn Thị Vịnh(Tên thật của Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai) ngay từ rất sớm đã dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai. Khi vừa tròn 20 tuổi, chị đã có quyết định táo bạo, xa gia đình, Tổ quốc, sang hoạt động ở Trung Quốc rồi Liên Xô với biết bao thăng trầm, thử thách và cả niềm vinh dự. 27 tuổi, trở về nước công tác ở Xứ ủy Nam Kỳ, giữ cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Chị đã lãnh đạo cách mạng Nam kỳ phát triển mạnh mẽ. Nhưng khi cuộc khởi nghĩa vũ trang Nam Kỳ đang đến gần thì Chị bị địch bắt giam vào ngục tối. Ngày 26/8/1941 Chị ngã xuống trước loạt đạn hung tàn của kẻ thù và tuổi xuân dừng lại khi tài năng đang độ chín. Ngày đó, Nghe tin con gái cả Minh Khai đã bị kết án tử ở Sài Gòn. cụ Huy Bình vội vã vào Nam để gặp con lần cuối. Vào đó, hay tin con gái Minh Khai bị xử tử rồi, trở về Vinh cụ trở nên u uất, trầm cảm.9 tháng sau, cụ ngã bệnh và qua đời.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Cha mất được 3 ngày thì người con gái thứ là chị Quang Thái bị giặc ập vào bắt ngay tại Vinh, Mẹ Thư đau đớn giằng lấy con mà gào khóc . Ít ai biết rằng Nguyễn Thị Quang Thái em gái của Liệt nữ Nguyễn THị MInh Khai là một nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và là người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày anh Giáp chị Thái nên duyên, Quang Thái chỉ mới vừa đôi mươi. Năm 1940, theo chủ trương của Đảng, anh Giáp lên đường sang Trung Quốc để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhận nhiệm vụ mới. Ở lại nhà, Quang Thái vừa nuôi con nhỏ, vừa tiếp tục hoạt động cho đến ngày bị bắt giam vào nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Chị hy sinh năm 1944 trong lao tù đế quốc khi mới tròn 29 tuổi xuân mà không được gặp chồng và con gái yêu thương lần cuối!
Nối gót bước chân của hai Chị, những người em, người con trong gia đình đều đi theo con đường của hai người chị kiên cường, có người đã là liệt sĩ…
- Nguyễn Huy Du , tham gia cách mạng, sau này công tác ở Vụ Kỹ thuật của Bộ Lâm nghiệp, danh hiệu Huân chương Độc lập hạng Ba (1988)...
- Nguyễn Thị Minh Hiên (em thứ tư) là cán bộ hội phụ nữ, sau cách mạng công tác trong Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội. Hiện nay bà sống tại Hà Nội, đã 103 tuổi. danh hiệu: Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1961), hạng Nhất (1989), Huân chương Độc lập hạng Ba (1993), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…
- Nguyễn Huy Dương (em thứ 5), tham gia cách mạng, trong một lần rải truyền đơn, bị Thực dân Pháp bắt và giết hại năm 1943 khi tuổi đời mới chỉ 18.
- Nguyễn Huy Tú (em thứ 6) tham gia lực lượng vũ trang cách mạng, hy sinh trong trận đánh đồn Phủ Thông (Bắc Cạn) năm 1948. Anh mãi mãi nằm lại tuổi 20.
- Nguyễn Huy Dung (em thứ 7) là Giáo sư, Tiến sỹ Y học, bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực tim mạch. Từ năm 1966 được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một trong những người đã cận kề bên Bác trước lúc Người qua đời. Ông nguyên Ủy viên Hội đồng sức khỏe Nhà nước, Phó Giám đốc bệnh viện chợ Rẫy, danh hiệu: Huân chương Độc lập hạng Nhì (2003), Thầy thuốc nhân dân (2012), ông vừa tạ thế tháng 5 năm 2024.
- Nguyễn Huy Quỳnh(em út) là Kiến trúc sư, cán bộ của Viện quy hoạch kiến trúc đô thị, Bộ Xây dựng (mất năm 2017).
Anh Nguyễn Lê Phương, cháu đích tôn của cụ Hàn Bình, tham gia chiến đâu trong chiến dịch Mậu Thân, hy sinh ở Bình Phước ngày 1/9/1969, cho đến nay gia đình không tìm được mộ.
Sinh ra những người con ưu tú, cống hiến đất nước 3 người con ruột, 1 người con rể là TBT Lê Hồng Phong và 1 người cháu đích tôn là Liệt sỹ, năm 1994 mẹ Đậu Thị Thư đã được Nhà nước truy tặng Mẹ Việt Nam anh hùng! Gia đình của mẹ chính là hiện thân của một gia đình cách mạng tiêu biểu, đáng trân trọng và ghi nhớ công ơn.
Phố Ga xưa nay không còn nữa, ngôi nhà xưa của ông bà Hàn Bình cũng chỉ còn trong kí ức, Vậy nhưng những kỉ vật, những hình ảnh thân thương của đại gia đình vẫn được lưu giữ trong ngôi nhà đặc biệt: Nhà Lưu niệm đc Nguyễn Thị Minh Khai. Nơi đây, đã Trở thành điểm đến thiêng liêng, niềm tự hào của những người con xứ Nghệ về truyền thống anh hùng cách mạng.
Trần Thị Thu Hằng
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội