PHAN BỘI CHÂU – “VỊ ANH HÙNG, BẬC THIÊN SỨ, ĐẤNG XẢ THÂN”

10:25 11/04/2019

Nhân dân Việt Nam rên xiết dưới 2 tầng áp bức, bóc lột, cuộc sống vốn đã vô cùng khổ cực lại càng tăm tối hơn. Trong bối cảnh đó, lịch sử dân tộc đặt ra một đòi hỏi, yêu cầu hết sức bức thiết và khắc nghiệt dành cho những nhà yêu nước lúc bấy giờ là phải tìm ra phương thức và con đường cứu nước phù hợp với yêu cầu lịch sử, kế tục truyền thống cứu nước giải phóng dân tộc của cha ông. Chính vào thời khắc đó Phan Bội Châu xuất hiện như một vị cứu tinh, tạo ra niềm tin, ánh sáng, tia hy vọng mới cho 20 triệu người dân Việt Nam bị đô hộ dưới chế độ hà khắc của thực dân. Trong những năm tháng đen tối của đất nước, trước khi xuất hiện ngôi sao ngời chói là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quốc dân đồng bào ta đã gửi gắm hy vọng vào Phan Bội Châu và phong trào giải phóng dân tộc do cụ đứng đầu. Phan Bội Châu đúng như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Là vị anh hùng, bậc thiên sứ, đấng xả thân được 20 triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Phan Bội Châu cái tên đã chiếu sáng ¼ thế kỷ ấy cùng với hoạt động và những lời tâm huyết của Cụ đã vang vọng khắp non sông như những hồi kèn giục giã cả một thế hệ đứng lên chồng giặc cứu nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói “Chúng tôi mỗi học sinh nam nữ nghe Cụ cất tiếng kêu gọi, lòng sáng bừng lên như một bó đuốc, cảm thấy làm gì cũng làm được, bất chấp quên mình như thế nào, hi sinh như thế nào. Sức kêu gọi, sức hô hào của Cụ Phan Bội Châu là như vậy”.

Phan Bội Châu (1867-1940)

Phan Bội Châu tên là Phan Văn San, còn gọi Hải Thụ, sau lấy hiệu Sào Nam, cụ sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình hàn Nho, thuở bé Phan Văn San nổi tiếng khắp vùng vì thông minh hơn người. Với tài năng xuất chúng thiên bẩm nhưng lại sinh ra trong một bối cảnh đất nước cần lao, giặc giã, gia cảnh nghèo khó Phan Văn San lựa chọn con đường dạy học để kiếm sống. Ông cũng từng theo đuổi con đường khoa cử nhưng dường như đã kịp nhận thấy sự lạc hậu, lỗi thời của nền giáo dục lúc bấy giờ. Năm 1898 sau khi mắc oan tội “hoài hiệp văn tự” vì đưa tài liệu vào trường thi và bị kết án “Chung thân bất đắc ứng thí” (suốt đời không được đi thi), Phan Văn San khăn gói vào Huế. Tại vùng đất kinh đô ông đã được tiếp xúc, kết giao với các bậc danh sỹ, đại khoa đang giữ chức vụ quan trọng trong kinh thành. Tài danh của Phan nhanh chóng được nhiều người ở Huế biết đến và ông trở thành bạn chí cốt với những người cùng chí hướng như: Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Cũng tại kinh đô Huế, với sự giúp đỡ của bạn bè, nỗi oan “hoài hiệp văn tự” của Phan Văn San đã được giải. Năm 1900, Cụ trở về quê nhà Nghệ An và tham dự kỳ thi hương. Tại kỳ thi này cụ đỗ giải nguyên với lời ngợi ca “Bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn”, được mệnh danh là “người hay chữ nhất nước Nam” và cũng từ đây Phan Văn San “đã có cái hư danh để che mắt đời” – như cách nói của cụ. Đây cũng chính là thời điểm cụ bước vào cuộc đời hoạt động cứu nước đầy sôi nổi và sóng gió với cái tên Phan Bội Châu.
Năm 1904, Phan Bội Châu cùng với Nguyễn Hàm và một số người khác thành lập Duy Tân hội, chọn Kỳ Ngoại hầu Cường Để - tức Nguyễn Phúc Đan thuộc dòng dõi triều đình nhà Nguyễn làm hội chủ.Mục tiêu của Hội là“đánh đổ Pháp, khôi phục Việt Nam, kiến thiết nước quân chủ lập hiến”. So với các tổ chức chống Pháp trước kia của phong trào Văn Thân và Cần Vương thì tổ chức Duy Tân hội của Phan Bội Châu có một bước tiến rõ rệt, có tổ chức chặt chẽ, có tôn chỉ rõ ràng, có chương trình hành động khá cụ thể.
Năm 1905, cụ cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản với mục đích cầu viện Nhật giúp Duy Tân hội đánh đuổi Pháp. Bằng phong trào Đông Du, từ năm 1905 - 1908 Phan Bội Châu cùng với những người cùng chí hướng đã đưa khoảng 200 thanh niên ưu tú của Việt Nam sang Nhật Bản học tập với mong muốn họ sẽ trở thành nòng cốt cho phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc về sau. Phan Bội Châu đã khéo léo tổ chức họ lại sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ gọi là “Công Hiến hội” và bố trí cho họ vào học trong các trường học như Đông Á Đồng Văn thư viên, Chấn Võ. Cụ Phan cũng chủ động cùng với các bạn lưu học sinh các tỉnh Trung Quốc ở Nhật lập ra các hội có tính chất đoàn kết Quốc tế: Điền quế Việt liên minh, lập hội Đông á đồng minh ( Trung Quốc, Ấn độ, Triều Tiên) để giúp đỡ nhau chống đế quốc.
Phan Bội Châu là ngọn đuốc soi sáng cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Thấy được tầm ảnh hưởng to lớn của cuộc vận động Đông du, thực dân Pháp đã tìm mọi cách phá hoại. Ở trong nước, chúng dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, dũ dỗ, bắt bớ, tra khảo, giam cầm người thân của các học sinh đông du, tuyệt đường quyên góp tiền của. Ở nước ngoài, chúng cấu kết với chính phủ Nhật cấm nhập cảnh, trục xuất các học sinh Đông du. Tháng 3 – 1909, tổ chức Đông du của Phan Bội Châu bị giải tán và Phan Bội Châu cũng bị chính phủ Nhật trục xuất.
Vào tháng 6 năm 1912, Phan Bội Châu đã chủ trì cuộc “Đại hội nghị” tại Quảng Châu (Trung Quốc) và đưa ra quyết định giải tán Duy Tân hội, thành lập Việt Nam Quang phục hội. Với chủ trương này, Phan Bội Châu đã thay đổi tôn chỉ đấu tranh từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để đánh đuổi quân Pháp, mục đích thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam, đáp ứng tình hình chuyển biến mới trên trường quốc tế. Sau khi tổ chức Việt Nam Quang phục hội ra đời, Phan Bội Châu đã cử một số người về nước trừ khử một số kẻ địch, khuấy động lại phong trào yêu nước trong quần chúng nhân dân. Cho rằng Phan Bội Châu là kẻ chủ mưu, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã kết án tử hình vắng mặt. Năm 1913, chính phủ bảo hộ Pháp đã cấu kết với tổng đốc Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam Phan Bội Châu và ông bị giam cầm tại nhà tù Quảng Đông đến tháng 2/1917 mới được thả. Ra tù Phan Văn San tiếp tục hoạt động cách mạng. Cùng với những ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc, cách mạng tháng 10 Nga, Phan Bội Châu đã cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Và trong thời gian này cụ tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười Nga, viết báo ca ngợi lãnh tụ Lênin vĩ đại, ca ngợi nước công nông của Liên Xô .v.v... Lúc này như có một luồng gió mới thổi vào tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu. Đang lúc được hồi sinh như vậy thì cuối 1924 cụ được gặp Nguyễn Ái Quốc, được nghe những lời góp ý đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc, cụ dự định năm 1925 sẽ cải tổ lại Việt nam Quốc Dân Đảng theo hướng tiến bộ nhất.
Nhưng ngày 30/6/1925 , trên dường từ Hàng Châu về Quảng Châu để nhóm họp anh em, Phan Bội Châu vừa đến ga Thượng Hải bị Thực Dân Pháp bắt cóc đem về nước, chúng định bí mật thủ tiêu cụ nhưng bị bại lộ và trước sự đấu tranh quyết liệt của quần chúng nhân dân buộc chúng phải đưa ra tòa để hình xử và cuối cùng phải tha bổng song bắt cụ phải sống ở Huế
Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu từ anh Giải San xứ Nghệ, sớm trở thành một đại biểu sáng giá nhất cho các chí sỹ, sỹ phu yêu nước của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Phan Bội Châu đã có một hành trình vượt biên giới đến với nhiều khu vực của Đông Á và Đông Nam Á, sớm khắc phục mọi giới hạn chật hẹp của địa phương và quốc gia, để biến lòng yêu nước thành tự tôn dân tộc. Trong những lần tự thuật, Sào Nam đã rất khiêm nhường về mình khi nói: “Than ôi! Bao nhiêu năm bôn tẩu, mưu tính trăm việc mà không nên một việc gì, nghĩ mình lỗi nặng, tội nhiều...” hay: “Than ôi! Lịch sử của tôi là lịch sử một trăm lần thất bại mà không một thành công”. Thế nhưng từ cái sự “không nên một việc gì” của        Phan Bội Châu đã thắp sáng cho các thế hệ tiếp nối tìm thấy kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý giá và cũng từ đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc trở nên rõ ràng nhất. Đây chính là những kinh nghiệm, tiền đề vô cùng quan trọng để các thế hệ nối tiếp kế thừa và phát triển thành công. Tiêu biểu nhất trong đó không ai khác chính là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Trong nhân cách lớn Phan Bội Châu có sự kết hợp chặt chẽ giữa 2 phương diện chính trị và văn hóa. Trước khi trở thành vị lãnh tụ của phong trào Duy Tân và tổ chức Việt Nam Quang phục hội, Phan Văn San nổi danh khắp cả nước về tài năng Hán học. Khi trở thành một nhà cách mạng cụ Phan lại có sự song hành phát triển giữa nhân cách chính trị và nhân cách văn hóa. Từ năm 1925 đến những năm cuối đời bị thực dân Pháp quản chế ở Huế, dù không trực tiếp tham gia đấu tranh với kẻ thù nhưng cụ Phan vẫn tiếp tục sự nghiệp bằng ngòi bút có khả năng chuyển sấm chớp vào thời cuộc. Trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng đã có một thế hệ dân chúng đã thao thiết với lời cụ Phan nói: “Đúc gan sắt để dời non lấp bể/Xốii máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Trong suy nghĩ của Phan Bội Châu, tầng lớp thanh niên là nòng cốt có vai trò quyết định đến vận mệnh của đất nước. Ông đã viết: “Vì có người thanh niên mà nước thanh niên mới trường xuân bất lão. Vì có nước thanh niên mới danh giá vô cùng! Nói cho đúng lẽ, người thanh niên chính là linh hồn của nước thanh niên”.
Mười lăm năm nương mình ở đất kinh đô, “ông già Bến Ngự” sống bình dị trong ngôi nhà lá và không thôi thổn thức vì quê hương, đất nước. Ở đó, trong một khuôn viên chật hẹp giữa kinh thành mọi người nhìn thấy hình ảnh giếng nước, hàng cau, nhìn thấy những hàng mộ chí cụ Phan đã dựng lên để phụng thờ đồng chí của mình đã ngã xuống vì vận nước. Khi sức đã cùng, lực đã tận cụ đã thốt lên rằng: “Lo cứu nước bảo tồn nòi giống, tôi có chí nhưng không có tài. Nay tôi xin từ biệt quốc dân mãi mãi. Tội tôi rất lớn, mong quốc dân tha thứ cho”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy tấm lòng của một người con đối với quê cha đất tổ. Phan Bội Châu mãi là “một trong những con người Việt Nam đẹp nhất” như cách đánh giá của nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh.
Trong tâm thức của người dân Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, Sào Nam - Phan Bội Châu mãi là tấm gương sáng ngời phẩm chất cách mạng, người đại diện tiêu biểu cho nhân cách, khí phách của dân tộc. Mặc dù Phan Bội Châu có “ Thất bại một trăm lần ’’ nhưng ngày nay mỗi lần nói đến sự thành công của đảng ta trong cuộc cách mạng dân tộc – dân chủ, chúng ta vẫn không quên nhắc đến công lao của cụ và các nhà yêu nước tiền bối khác . Phan Bội Châu là ngọn đuốc sáng của cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX . Ngay giờ đây những “ câu thơ dậy sóng’’ của cụ, tư tưởng yêu nước nồng nàn của Phan Bội Châu vẫn có sức cổ vũ lớn đối với chúng ta “ Phường hậu tử’’ mà cụ hằng kỳ vọng.

Nguyễn Thị Lệ Thu



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN