Côn Đảo – mảnh đất linh thiêng, địa điểm du lịch tâm linh

15:21 14/08/2018

Một ngày tháng 7, chúng tôi thật vinh dự khi được đặt chân lên mảnh đất này. Đây là chuyến công tác của Sở VH - TT Nghệ An tổ chức đi viếng mộ TBT Lê Hồng Phong ở nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhân dịp chuẩn bị cho lễ giổ lần thứ 76 của đồng chí. Nơi chúng tôi dừng chân là đảo Côn Sơn, là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 16 hòn đảo lớn nhỏ thuộc huyện Côn Đảo.

Côn Đảo có tổng diện tích 76km, với tổng dân số trên 8.000 người, trong đó Côn Sơn có diện tích 51,52km. Cư dân nơi đây được quản lý bởi chính quyền một cấp, không có cấp phường, xã. Ấn tượng đầu tiên của đoàn chúng tôi, Côn Sơn là một hòn đảo hoang sơ và thơ mộng. Khi đáp sân bay Cỏ Ống, chúng tôi được xe đón đi trên con đường nhựa khá quanh co khoảng 15km là về đến trung tâm huyện đảo, băng qua khu rừng nguyên sinh, nhìn về bên kia đường là bãi biển mịn màng nối dài những hòn đảo nhỏ khác trong quần thể này.

Ngay chiều hôm đó, chúng tôi được cán bộ Ban quản lý di tích Côn Đảo dẫn lên thăm và dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương. Rất khác với những nghĩa trang khác, khi bước vào chúng tôi cảm thấy thật ấm áp. Nghĩa trang Hàng Dương có diện tích 190.000m2, được chia thành 04 khu: khu A (gồm 688 ngôi mộ), khu B (695 ngôi mộ) và khu C (373 ngôi mộ), khu D (157 ngôi mộ). Nghĩa trang này là nơi chôn cất hàng vạn chiến sỹ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ tù đày, kéo dài từ năm 1862-1975. Trên các đường dẫn vào khu mộ được trồng các loại cây cổ thụ thẳng hàng tạo bóng mát và cảnh quan. Dưới các gốc cây là những chiếc ghế đá cho du khách nghỉ ngơi. Các ngôi mộ ở đây không được bố trí ngay hàng, thẳng lối, mà được tôn tạo theo nguyên tắc giữ nguyên vị trí ban đầu như khi tìm thấy.

Đoàn Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hương tại mộ đ/c LHP
Đoàn Lãnh đạo, cán bộ Sở VH - TT tỉnh Nghệ An dâng hương tại mộ TBT Lê Hồng Phong

Sau khi làm lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ tại đài tưởng niệm, chúng tôi đến thăm và dâng hương tại mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, viếng mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh tại khu A và thắp hương tại mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại khu B.

Rời nghĩa trang lúc 6h chiều, trong lòng mỗi chúng tôi không nén được cảm xúc. Như chưa thể nói hết lời tri ân của bậc hậu thế đối với các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho độc lập dân tộc, chúng tôi lại một lần nữa quay lại nghĩa trang lúc đêm đã về khuya, trời lúc này lại đổ mưa. Thật lạ, nghĩa trang Hàng Dương càng về đêm lại càng đông người và lung linh ấm áp hơn. Những ánh đèn xuyên qua kẽ lá, tiếng bước đi, tiếng côn trùng ri rỉ, đặc biệt là những chấm sáng li ti trên mỗi ngôi mộ từ những nén hương của  người đi viếng. Trong đêm, chỉ nghe thoang thoảng những âm thanh huyền bí, không một tiếng nói cười. Đêm càng thầm lặng, từng đoàn người cũng như lặng lẽ nói lời tri ân trầm lắng từ trái tim mình. Thi thoảng chúng tôi nhìn thấy hình ảnh của các anh chị bảo vệ nơi đây âm thầm dọn dẹp để sang ngày mai khu nghĩa trang lại sạch sẽ, tươm tất hơn.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm các di tích trên Côn Đảo. Đầu tiên là di tích lịch sử Cầu Tàu. Cầu được xây dựng năm 1873, từ khi khởi công cho đến lúc hoàn thành, người tù nhẩm tính có đến 914 người đã ngã xuống tại đây. Và địa điểm này là nơi chứng kiến cảnh lao động khổ sai nặng nhọc của người tù và cũng là nơi đưa tiễn các người tù trở về đất mẹ trong những ngày giải phóng.

Trại tù Phú Hải

Sau đó, chúng tôi đến thăm trại tù Phú Hải. Có thể nói nhà tù là “đặc sản của Côn Đảo” . Trên mảnh đất 75km, có đến 11 nhà tù được Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ: tử tù, tù chính trị… sau này được Mỹ sử dụng để giam giữ những nhân vật cộng sản và những người ái quốc chống lại chính phủ. Số tù chính trị nhiều hơn số người sinh sống. Trong các trại tù thì trại Phú Hải là nhà tù lớn nhất. Nếu như chỉ nói bằng lời, không ai có thể diễn tả được sự đau đớn, khổ sai mà các tù nhân chính trị phải chịu đựng trong những ngày bị giam cầm ở đây. Chỉ có thể tận mắt chứng kiến những phòng giam tối tăm, bẩn thỉu và chật chội cùng những hình thức tra tấn cực kì dã man và tàn độc mới thấu hiểu được tấm long son sắt, kiên trung, sự hi sinh to lớn không gì so sánh được của những người cộng sản, những người yêu nước.

Hầm xay lúa tại trại tù Phú Hải Côn Đảo

Chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến các hệ thống nhà tù chung thì chúng tôi không khỏi căm phẫn và xót xa khi có những phòng giam chỉ mấy mươi m² mà thực dân Pháp đã cho dồn đến hàng chục con người trong đó. Những người tù ở đây phải chịu sự tra tấn bằng mọi hình thức: đánh đập, tưới vôi, cùm, kẹp, xiềng xích… Thậm chí ngoài xiềng xích cùm kẹp chúng còn treo ở mỗi chân người tù một quả tạ, đi lại rất khó khăn. Hình thức tra tấn bẩn thỉu nhất là chúng không cho tù nhân đổ thùng vệ sinh trong vòng nhiều ngày, nhiều tháng. Các nữ tù không có quần áo, nước sạch để vệ sinh. Chính vì vậy nhiều tù nhân không chết vì bị đánh đập, vì bị đói thì cũng bị chết vì bệnh tật, nhất là bệnh dịch tả.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong từng bị giam ở phòng biệt giam ở banh II (hay còn gọi là Lao II, trại Nhân Vị, Trại 3, trại Phú Sơn). Bị địch tra tấn tàn bạo, đánh đập cả khi đang ăn, khiến bát cơm của đồng chí chan đầy máu. Và do kiệt sức, bệnh tật, đồng chí đã hi sinh vào ngày 6/9/1942 (tức ngày 26/7 năm Nhâm Ngọ) ngay tại nơi này. Mộ của đồng chí Lê Hồng Phong được tôn tạo khang trang tại một vị trí trang trọng trong khu A của nghĩa trang Hàng Dương.

Đến với Côn Đảo, chúng ta cảm nhận được trên mỗi mét vuông, tấc đất, trong từng hơi thở của nhịp sống sinh sôi là tầng tầng lớp lớp máu và xương, là da, là thịt của những người nằm xuống. Nhưng thật lạ, những con người nơi đây với 8.000 dân, cuộc sống của họ khá lặng lẽ, yên hòa, như thể sợ các linh hồn liệt sĩ tỉnh giữa giấc ngàn thu. Chính vẻ yên tĩnh, hiền hòa của cuộc sống người dân huyện đảo làm như tô thêm vẻ đẹp linh thiêng của nơi này.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang trong thái bình, độc lập. Nhưng những kiến trúc và cơ sở hạ tầng nơi đây vẫn giữ nguyên nét xưa, không thay đổi khiến cho những du khách như chúng tôi khi đến đây cảm thấy lòng yên tĩnh lạ thường, bớt cảnh xô bồ, chen lấn  mà nhẹ nhàng cảm nhận tiếng vọng của thời gian.

“Núi Côn Lôn được pha bằng máu

Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người

Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời

Một tảng đá là một trời đau khổ”

(Trích: Côn Đảo và những truyền thuyết).

Nguyễn Thị Lương - TP. PHGTDT



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN