Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương - một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối thời dựng Đảng, có nhiều công lao to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

09:36 28/03/2022

Đồng chí Lê Văn Lương là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối thời dựng Đảng, có nhiều công lao to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng Nhân dân. Khi nhắc đến đồng chí, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, chân thực, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Với những hoạt động và cống hiến to lớn đó, đồng chí Lê Văn Lương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện là người cán bộ tài năng và mẫu mực, xuất sắc trên nhiều phương diện:

Trước hết, đó là tấm gương về một con người bình dị nhưng có tấm lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến . Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu bé Nguyễn Công Miều (tên thật của đồng chí Lê Văn Lương) đã mang một ước vọng mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Sống trong cảnh đất nước bị xâm lược, người dân chịu cảnh lầm than nô lệ đã thúc đẩy Anh quyết chí dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai. Hành trang mà đồng chí mang theo suốt cuộc đời chính là tấm lòng lương thiện, yêu nước thương dân vô cùng. Trong thời kỳ (1930 - 1945), Đồng chí đã vượt qua nhiều gian lao, thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó , đó là 15 năm rèn luyện, đấu tranh trong lao tù đế quốc, nhiều lần chiến đấu chống lại kẻ thù tàn bạo.

Thứ hai, đó là một người chiến sỹ luôn giữ vững ý chí kiên cường, hy sinh chiến đấu hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc . Từ những ngày đầu tham gia cách mạng, trải qua những gian nan và thử thách, có khi phải đối mặt với án tử, với gông xiềng tàn bạo của tù lao đế quốc nhưng đồng chí Lê Văn Lương vẫn luôn giữ vững ý chí kiên cường, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Sự kiện(ngày 23-3-1931), đồng chí trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 400 công nhân Hãng dầu Sô-cô-ny, sau đó, bị địch bắt cùng đồng chí Phạm Hùng, Lý Tự Trọng, giam ở Khám lớn Sài Gòn và bị kết án tử hình trong vụ án Đảng cộng sản Đông Dương(14-5-1933) . Báo chí thời đó gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Mặc dù không có đủ chứng cứ nhưng thực dân Pháp vẫn tuyên án tử hình đối với 8 đồng chí trong đó có Lê Văn Lương, Phạm Hùng; 19 người khổ sai chung thân trong đó có Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, Hà Huy Giáp; 21 người án 20 năm khổ sai và 17 người 15 năm khổ sai. Những lời lẽ phản kháng của đồng chí Lê Văn Lương và các đảng viên cộng sản khác trong phiên tòa đã vang động trong lòng người dân Sài Gòn - Chợ Lớn lúc đó và tạo nên một phong trào đấu tranh của nhân dân đòi địch phải giảm án cho những người cộng sản. Những ngày chờ đợi lên máy chém, với bản lĩnh và khí phách của người cộng sản chân chính, họ đã khiến những viên cai ngục nổi tiếng tàn bạo phải nể trọng.

Do những tác động tích cực của cách mạng thế giới; trước khí thế đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn và phong trào của lực lượng tiến bộ Pháp và sự đấu tranh trực tiếp của các đảng viên Cộng sản, thực dân Pháp buộc phải giảm các án tử hình xuống chung thân khổ sai. Năm 1934, địch đày đồng chí Lê Văn Lương và các bạn tù ra giam giữ ở Côn Đảo. Trong lao tù khổ sai, các đồng chí vẫn giữ vững chí khí chiến đấu, “biến nhà tù thành trường học” và rèn luyện khí tiết người cộng sản, suốt thời gian bị giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng chi ủy nhà tù lãnh dạo nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tổ chức vượt ngục; tự học tập lý luận, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh trong tù và biên soạn dịch tài liệu gửi về cho Đảng trong đất liền. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng với các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Trần Ngọc Danh... đấu tranh với chúa đảo, yêu cầu bàn giao chính quyền cho tù chính trị (vào cuối tháng 8 năm 1945). Báo Độc lập do đồng chí làm chủ biên, tuyên truyền đắc lực cho đường lối cách mạng của Đảng về việc củng cố nền độc lập tự do của Tổ quốc. 11 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, đồng chí nhất mực trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; không chỉ liên tục tham gia chi ủy nhà tù, mà còn đóng góp trí tuệ quý báu cho việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và giữ vững ngọn lửa đấu tranh nơi gông xiềng tàn bạo nhất của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Ngày 23-9-1945, đoàn tàu của Ủy ban hành chính Nam Bộ rời Côn Đảo, chở đoàn tù chính trị 2.000 người, trong đó có đồng chí Lê Văn Lương trở về vòng tay chờ đón của đồng chí, đồng bào.

Thứ ba, đó là một nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực trên nhiều cương vị. Tháng 10-1945, đồng chí Lê Văn Lương được cử làm ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ; hai tháng sau, đồng chí được cử ra Hà Nội, giúp đồng chí Trường Chinh chỉ đạo báo Sự Thật và Nhà xuất bản Sự thật. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được Đảng tín nhiệm chỉ định làm Bí thư Văn phòng Thường vụ TW, ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng (năm 1947), sau đó là Trưởng Ban Tổ chức TW thay đồng chí Lê Đức Thọ vào miền Nam công tác. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), đồng chí được bầu vào Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, sau đó là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1954, đồng chí làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trọng nhân tài và lớp người đi trước, đồng chí tranh thủ được sự hợp tác nhiệt thành của cụ Phan Kế Toại trong Bộ Nội vụ, đóng góp tâm huyết cho Dân, cho Nước trong công cuộc xây dựng chính quyền mới của nước VNDCCH.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu lại vào BCH TW Đảng và ở trong Ban Bí thư, điều hành công việc hàng ngày của Ban Bí thư bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn. Năm 1968, đồng chí thay đồng chí Lê Đức Thọ đi hội nghị Pa-ri, làm Trưởng Ban Tổ chức TW. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Dù bất kỳ ở cương vị nào, đồng chí Lê Văn Lương luôn luôn là một người cộng sản kiên cường, trong sáng, mẫu mực. Đồng chí Hoàng Tùng( nguyên Bí thư Trung Ương Đảng) đã dành những dòng trân trọng khi viết về đồng chí Lê Văn Lương: “anh là người có bản lĩnh, không bao giờ khuất phục trước uy quyền, cần cù, giản dị, thận trọng từ việc nhỏ đến việc lớn, đối xử công bằng, có trách nhiệm, tình cảm đồng chí đối với mọi người. Sức thuyết phục của anh là sự chân thành, thẳng thắn, nghiêm khắc và thông cảm, hiểu thấu cả những chỗ yếu của con người mà đối xử khoan dung" .

Trên cương vị 10 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (giai đoạn 1976 - 1986), đồng chí Lê Văn Lương đã cùng tập thể Thành ủy lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đạt được nhiều thành tích quan trọng trên mọi mặt công tác: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, đối ngoại, quốc phòng - an ninh, khoa học - kỹ thuật... trở thành điểm sáng để các địa phương trong cả nước học tập, noi theo.

Thứ tư , đó là người Đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và dân tộc, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Một người đồng chí có lối sống giản dị, chan hoà với đồng nghiệp, nghĩa tình với làng xóm .

Khi Bác Hồ và Trung ương Đảng nhận thức được sai lầm trong Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương là người tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai. Đồng chí Lê Văn Lương dũng cảm nêu lên tất cả những sai lầm, thể hiện trong bản báo cáo do đồng chí chuẩn bị trình Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II), tháng 9-1956. Bản báo cáo đã nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra nguyên nhân và khuyết điểm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị Trung ương đã nhất trí với nội dung báo cáo và các giải pháp do đồng chí Lê Văn Lương đệ trình như: thả ngay những người bị bắt oan; minh oan cho những người bị bắn oan, bị xử lý oan; khôi phục đảng tịch cho những đảng viên bị xử lý oan… Do đó, công tác sửa sai của Đảng được tiến hành khẩn trương và có kết quả. Với danh dự và lương tâm của một người cộng sản chân chính, nhận thức rõ những sai lầm đó có một phần trách nhiệm của mình, đồng chí Lê Văn Lương đã dũng cảm nhận khuyết điểm và xin tự rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Sự kỷ luật trong công tác, tinh thần phê và tự phê đó đến bây giờ vẫn là tâm gương sáng cho Đảng viên noi theo.

Là người có vinh dự được công tác gần Bác Hồ từ những năm tháng ở Việt Bắc cho đến ngày Bác đi xa, đồng chí Lê Văn Lương và gia đình luôn được Bác Hồ dành cho những tình cảm đặc biệt. Bác Hồ đã nhận xét: “ đồng chí Lê Văn Lương là người kiên định, tận tuỵ, kín đáo, cẩn thận, trầm tĩnh nhưng đi vào nội tâm mọi người với tình cảm chân thành ”.

Cảm phục về tinh thần người cộng sản kiên trung, mẫu mực, chí tình nhà thơ Tố Hữu đã dành tặng đồng chí Lê Văn Lương những vần thơ sâu nặng ân tình:

“Hư vị hư danh không vướng bận

Trung kiên, trung thực vẫn khiêm nhường

Thuỷ chung tình bạn lòng thanh bạch

Sáng mãi đời anh một tấm gương” .

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương xin thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao, đóng góp của đồng chí Lê Văn Lương và các đồng chí lãnh đạo tiên bôi tiêu biểu của Đảng, chúng ta nguyện ra sức thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN