LÀNG TAM ĐA, VÙNG ĐẤT ĐỊA LINH NHÂN KIỆT NƠI GHI DẤU CÔNG CUỘC KHAI CƠ LẬP LÀNG CỦA VỊ TỔ CÁC DÒNG HỌ.

09:10 20/02/2023

Đông Thành xưa, vốn được biết đến là vùng đất cổ. Từ thời Trần, Lê, nhiều cuộc di dân, khai hoang mở đất đã lập nên những hương ấp, xóm làng trù phú. Những cuộc khai hoang phục hóa buổi ban đầu gắn liền với tên tuổi của các vị tổ từ Hồ Kha, đến Trần Yết Tâm, Nguyễn Đạo Huyền… đã dần hình thành nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, với các địa danh còn lưu mãi đến ngày nay như Dinh Khoa, Dinh Chu, Tam Thọ, Tam Công.

Do đó, vùng đất này được coi là vựa lúa của Đông Thành xưa, Nghệ An ngày nay, nhân dân nơi đây vẫn truyền tụng câu ca:

Nghệ Đông Thành, Thanh Nông Cống

Hết nước thì có nước nguồn

Hết gạo thì có gạo buôn Đông Thành

Tiếp nối truyền thống khai cơ của tiền nhân, cũng như hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đại phong kiến các ông Chu Sơn Chính Phu (thủy tổ dòng họ Chu), Lê Thiện Tính (thủy tổ họ Lê), Nam Sơn Diệu Linh (thủy tổ dòng họ Nguyễn tộc Nam Sơn) và Nguyễn Minh Đoán (thủy tổ dòng họ Nguyễn) đã chọn dừng chân tại thôn Trang Nam, tổng Quỳ Trạch, huyện Đông Thành để khai khẩn đất hoang, mở mang trang ấp, từng ngày xây dựng nên làng Tam Đa trù phú.

Nhà thờ Nguyễn Tộc Nam Sơn

Công cuộc khai hoang phục hóa của ông tổ họ Nguyễn tộc Nam Sơn cũng như các dòng họ khác buổi ban đầu gặp không ít khó khăn, vất vả. Đồng ruộng có những nơi bị bỏ hoang lâu ngày, cỏ dại mọc đầy, đất đai bạc màu, thiếu nguồn nước, khó canh tác. Nhưng bằng sự quyết tâm, đồng lòng đoàn kết của các ông tổ họ Chu, họ Nguyễn, họ Lê và sự am hiểu tinh thông về địa lý để lựa chọn nơi có mạch nước ngầm tốt cho đào giếng, khơi lạch, dẫn nước tưới tiêu… đất các xứ của làng Tam Đa như được hồi sinh, dần khoác lên mình một diện mạo mới. Xứ đầu tiên mà ông tổ họ Nguyễn tộc Nam Sơn cùng mọi người tìm đến khai phá là xứ Cồn Nhất. Đây là mảnh đất tiềm năng, phía Bắc và phía Đông giáp nguồn nước, sẽ thuận lợi hơn trong việc khai hoang, phục hóa. Bởi nước là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại trong quá trình sản xuất nông nghiệp (nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống). Có nước những vấn đề khác sẽ dễ dàng được khắc phục. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của mọi người, thành quả đầu tiên tại xứ Cồn Nhất đã được ghi nhận với tổng diện tích khai phá được là 31 mẫu, 7 sào. Sự kiện này được ghi lại trong sách “Lịch sử xã Thọ Thành” như sau: Xứ Cồn Nhất gồm có 31 mẫu, 7 sào. Bắc giáp bàu Mịch, Tây giáp xứ cồn Lòi, cồn Nậy, Lạc Thổ, Nam giáp xứ cồn Mua, cồn Diệc, Đông giáp cồn Đạt, cồn Biền, cầu Trang, giếng nước .

Sắc phong năm Thành Thái thứ 15 (1903) cho thần Nam Sơn Diệu Linh

Với kinh nghiệm và uy tín của mình, ông Nguyễn Tế Mỹ đã vận động thêm một số dân phiêu tán về đây để hợp lực cùng khai phá ra các xứ đồng mới. Không phụ công người, các xứ đồng Khanh, đồng Cầu Đố, đồng Tró, đồng Ông, đồng Bông, cồn Dựa… lần lượt được hình thành dưới sự quyết tâm, đồng lòng của anh em, làng xóm: “ Xứ đồng Khanh: có 28 mẫu 03 sào. Phía Tây giáp nghè Hóp, Nam giáp làng Đại Hữu, Đồng Bông, Đông giáp ruộng quan điền làng Nhân Trạch và xứ Thầu Đâu làng Bái Trạch; Xứ Cầu Đố: có 10 mẫu 05 sào. Tây và Nam giáp làng Đại Hữu, xứ Cửu Giác, xứ Mã Lăng, phía Đông và Bắc giáp làng Nhân Trạch; Xứ Đồng Tró: có 05 mẫu 07 sào, bốn mặt đều giáp làng Tam Thọ” .

Nhờ sự dìu dắt của các ông Nguyễn Tế Mỹ, Chu Sơn Chính Phu, Lê Thiện Tính, Nguyễn Minh Đoán, cùng sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân làng Tam Đa, tổng số ruộng đất được khai phá lên đến 76 mẫu 3 sào. Để đảm bảo nước tưới tiêu, phục vụ cho việc gieo trồng một năm hai vụ lúa, các ông đã xem xét địa hình thổ nhưỡng để chỉ đạo dân làng đào mương dẫn nước về tưới tiêu đồng ruộng. Từ đó, nhân dân ổn định cuộc sống, làng Tam Đa ngày càng đổi thay.

Song song với việc chiêu dân lập ấp, mở rộng xóm làng, ông Nguyễn Tế Mỹ còn đẩy mạnh công cuộc xây dựng cơ sở vật chất trên vùng đất mới như xây cầu, làm đường phát triển giao thông, giúp cho việc đi lại trao đổi mua bán giữa các làng, các vùng được thuận lợi hơn. Một trong những công trình còn lưu lại tên gọi cho đến ngày nay là cầu Trang ở xứ Cồn Nhất.

Khi cuộc sống đã cơ bản ổn định, Nguyễn Tế Mỹ mở lớp dạy học, góp phần mở mang dân trí cho con em trong vùng. Làng Tam Đa dần dần trở nên đông vui, trù phú. Sử sách địa phương vẫn ghi nhận đóng góp, công lao khai hoang, phục hóa, xây dựng xóm làng của các vị tổ: “ông Chu Chính Phu, Lê Thiện Tính, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Minh Đoán là bốn vị có công lớn trong việc khai lập ra làng Tam Đa”.

Sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) cho thần Nam Sơn Diệu Linh

Sau khi các ông Chu Sơn Chính Phu, Lê Thiện Tính, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Minh Đoán qua đời, thực hiện di nguyện của các vị, ông Lê Chính Thiện (con trai thứ 3 của ông Lê Thiện Tính) giữ chức Cai hợp Khán thủ thay mặt cho 4 dòng họ làm tờ trình báo lên quan để xin xác nhận số ruộng đất mà các vị tổ và nhân dân nơi đây đã khai khẩn được là ruộng công của làng. “Tất cả có 76 mẫu 03 sào, làng dùng để cấp cho dân cày cấy. Mỗi dân đinh Tam Công (nay là làng Tam Đa) từ 18 tuổi trở lên đều được cấp bốn sào ruộng, ngoài ra còn có thêm ruộng công cán, công vụ (ví như: làm lý trưởng được cấp thêm một mẫu ruộng; các cụ kỳ lão (70 tuổi) cũng được cấp một mẫu ruộng để chia nhau cày cấy lấy hoa lợi; cấp ruộng làm hiệp hội cho tư văn tế thánh, mỗi năm hai người, mỗi người một sào rưỡi; ruộng làm khán thủ một sào rưỡi)…, làng có quy định: “ruộng bánh” và “xôi lượt” nghĩa là người nào ở tuổi trên dưới 50 phải nhận ruộng của làng để cày, cuối năm lấy hoa lợi để làm cỗ mời làng, có cả ruộng từ đường, hương hỏa…, mỗi hộ nhận hai mẫu, hộ ít nhất ba, bốn sào ruộng tư điền . Trong tất cả 76 mẫu, 3 sào các ông tổ cùng khai phá thì thủy tổ Nguyễn Tế Mỹ đã khai khẩn được gần 30 mẫu tại 10 xứ (cồn Nhất, Biền đồng bông, cầu Đố, cồn Tạng, đồng Khanh, đồng Tró, làng Đông, đồng Ông, cồn Dừa…) . Ông đã di nguyện dành 10 mẫu cho con cháu trong họ để làm ruộng hương hỏa, khuyến học; 20 mẫu ruộng còn lại chia làm ruộng công.

Như vậy, để xây dựng một làng Tam Đa ổn định, trù phú là cả một quá trình lâu dài, mà ông Nguyễn Tế Mỹ cùng với các vị tổ họ Lê, họ Chu, họ Nguyễn Minh Đoán là những người đặt nền móng quan trọng. Với những cống hiến to lớn đó, sau khi mất các ông được tôn làm phúc thần, phối thờ ở đình làng Tam Đa. Đ ình làng Tam Đa xưa có 03 tòa to lớn, nằm ở phía Bắc làng, đình thờ vị nhiên thần và 04 vị nhân thần có công khai cơ lập ấp ”.

Biển rước tại Nhà thờ Nguyễn Tộc Nam Sơn

Hiện nay, tại nhà thờ Nguyễn tộc Nam Sơn và Chu Sơn Chính Phu còn lưu giữ được các đạo sắc phong cho thần “Nam Sơn Diệu Linh” và “Chu Sơn Chính Phu” vào các năm Thành Thái thứ 15 (1903) và Khải Định thứ 24 (1924) với mỹ tự “Tú Nghi tôn thần” giao cho làng Tam Đa, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An phụng sự.

Nguyễn Tế Mỹ, Chu Sơn Chính Phu và hai vị tổ họ Lê, Nguyễn lúc còn sống đã dành cả cuộc đời để gây dựng, phát triển làng Tam Đa. Khi thác, các ông là phúc thần phù trợ cho dân làng bình an, khang thái, được nhân dân đời đời ghi nhớ và tôn vinh.

Cùng với nhiều công lao to lớn của các vị tiền nhân và những di sản vật thể rất giá trị còn bảo tồn được, đến nay nhà thờ Chu Sơn Chính Phu và Nguyễn tộc Nam Sơn làng Tam Đa đã được xếp hạng là di tích Lịch sử cấp tỉnh. Đây vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm của con cháu dòng họ của quê hương trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy truyền thống quý báu của địa phương, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông.

Trần Thị Thơ



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN