TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ DI SẢN VĂN HÓA NGHỆ AN
Di sản văn hóa là những giá trị cốt lõi của một cộng đồng, được tạo dựng, bồi đắp qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Nghệ An là một vùng đất có bề dày lịch sử, từng là đất “phên dậu”, “trọng trấn” của quốc gia và cũng là nơi dừng chân, chung sống của 6 dân tộc anh em Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ đu. Dấu ấn di sản văn hóa trên đất Nghệ An vì thế được bộc lộ rõ nét, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của vùng văn hóa xứ Nghệ, nơi hội tụ, giao thoa và tiếp biến nhiều dòng chảy văn hóa trong lịch sử, với những sắc màu vô cùng đa dạng, phong phú. Đó là một nguồn tài nguyên rất lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
1. Khái quá t về di sản văn hóa Nghệ An
Nghệ An là vùng đất cổ, nằm trên trục di cư của các tộc người, trên đường thiên lý Bắc - Nam. Qua quá trình lịch sử du nhập và tiếp biến văn hóa, vùng đất này đã tạo dựng được một hệ thống di sản văn hóa đa dạng về loại hình, đặc sắc về biểu hiện.
Về di sản văn hóa phi vật thể, theo kết quả kiểm kê đến năm 2020, ở Nghệ An còn lưu giữ được 546 di sản, trong đó có: 89 di sản lễ hội, 06 di sản tiếng nói, chữ viết, 68 di sản nghề thủ công truyền thống, 47 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 29 di sản ngữ văn dân gian, 147 di sản tập quán xã hội và 166 di sản tri thức dân gian. Dân tộc Kinh có kho tàng văn học dân gian, dân ca Ví, Giặm, Ca trù, hàng trăm lễ hội, làng nghề... Dân tộc Thổ có hát ví, hát nhà tơ, kể đắng với điệu đu đu điềng điềng, lễ xuống đồng, mừng cơm mới. Dân tộc Thái có chữ Thái cổ, kho tàng truyện cổ, các điệu hát múa lăm, khắp, nhuôn, xuối, nghề dệt thổ cẩm... Dân tộc Khơ Mú có hát tơm, múa hát hò vó, re ré, nghề đan lát mây tre... Dân tộc Mông có hát kể, cự xỉa, lù tô, vàng hủa, nhạc cụ khèn, kèn lá, đàn môi, sáo và đặc biệt là nghề rèn... Dân tộc Ơ Đu có lễ hội đón tiếng sấm đầu năm, các điệu hát múa dân gian... Trong đó, 07 di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Thanh Liệt, lễ Xăng Khan, Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội đền Ông Hoàng Mười, Lễ hội đền Chín Gian. Và tiêu biểu, đặc sắc nhất là dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về di sản văn hóa vật thể, theo kết quả kiểm kê đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2.602 di tích - danh thắng, bao gồm 2.488 di tích lịch sử; 18 di tích kiến trúc nghệ thuật; 27 di tích khảo cổ học; 08 di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật; 57 di tích lịch sử và danh thắng. Trong đó có nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, tươi đẹp, trải dài từ biên giới tới hải đảo như thác Khe Kèm, thác Sao Va, thác Bảy Tầng, Vườn quốc gia Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt, lèn Hai Vai, lèn Kim Nhan, hang Bua, Thắm Nàng Màn, sông Lam, sông Cấm, bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội, biển Quỳnh, biển Diễn Thành, Cửa Hiền, Cửa Cờn, đảo Ngư, bán đảo Lan Châu… Cùng với hệ thống danh thắng, các di tích khảo cổ của tỉnh cũng xuyên suốt từ thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt (di chỉ Thẩm Ồm, Làng Vạc, Đồng Trương, Đồng Mõm, Đền Đồi...). Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ họ...) hoặc gắn với các danh nhân, sự kiện, đặc biệt có giá trị nhiều mặt về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần (Nam Đàn), đình Sừng (Yên Thành); đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Cuông (Diễn Châu), đền thờ Nguyễn Xí (Nghi Lộc), Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu (Nam Đàn), Khu lưu niệm Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), di tích Truông Bồn, di tích Xô viết Nghệ Tĩnh... , đặc biệt là Khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn.
Các bảo tàng lưu giữ gần 50 nghìn hiện vật, di vật, cổ vật phong phú, đa dạng, đặc biệt có 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An là Hộp xá lị Tháp Nhạn (niên đại: khoảng thế kỷ VIII - IX) tại di chỉ Tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn; Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi (niên đại: 2000 - 2500 năm cách ngày nay); Muôi có cán hình tượng voi (niên đại: 2000 - 2500 năm cách ngày nay) thuộc văn hóa Đông Sơn, khai quật ở di chỉ khảo cổ Làng Vạc, thị xã Thái Hòa.
Sự phong phú của các di tích thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau là kết quả của sự du nhập, giao lưu và tiếp biến văn hóa một cách linh hoạt, uyển chuyển. Sự phong phú, nhiều sắc màu được phản ánh cả trong hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trải dài theo cả thời gian và không gian, bộc lộ được những dấu ấn đặc trưng nhất của truyền thống văn hóa và con người vùng đất này, đã góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đặc sắc của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ.
2. Tiềm năng phát triển kinh tế từ di sản văn hóa
Phát triển kinh tế từ nguồn lực di sản đang và sẽ là một xu thế của nhân loại. Khai thác giá trị kinh tế từ văn hóa truyền thống thực sự là lợi thế của những các quốc gia có hệ thống di sản phong phú và lâu đời. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, di sản văn hóa càng giữ vai trò quan trọng, là cầu nối hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tiềm năng du lịch từ khai thác di sản thiên nhiên:
Nghệ An sở hữu 82km bờ biển, với nhiều bãi biển đẹp, đặc biệt là bãi biển Cửa Lò trải dài 10km, xung quanh có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch biển đã và đang phát triển. Nghệ An cũng có một miền Tây hùng vĩ, tươi đẹp với Khu dự trữ sinh quyển thế giới có diện tích lớn nhất Đông Nam Á, tính đa dạng sinh học cao, với 3 vùng lõi: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Đó là những tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng rất lớn của tỉnh.
Hiện nay, có nhiều dự án lớn đang được đầu tư để khai thác nguồn tài nguyên du lịch biển như: quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, khai thác những bãi biển đẹp như Bãi Hải Đồn, Bãi Tiền Phong, Bãi Lữ; Tổ hợp khu vui chơi giải trí, cáp treo Vinpear Cửa Hội tại thị xã Cửa Lò, khai thác các bãi biển Cửa Hội, đảo Hòn Ngư.
Ở một số khu vực khác, tận dụng lợi thế tự nhiên, mô hình du lịch sinh thái cũng được khai thác như: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cầu Cau, khai thác khu vực đảo Chè tại huyện Thanh Chương; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mường Thanh, Diễn Lâm, Diễn Châu hay loại hình du lịch canh nông với nhiều dấu ấn tại cánh đồng hoa hướng dương, trang trại bò sữa, trồng rau, cây ăn quả tại tập đoàn TH True Milk, cánh đồng hoa tam giác mạch ở Nghĩa Đàn.
Vùng miền Tây Nghệ cũng đang trở mình để khai thác tiềm năng du lịch thông qua các tour đến các điểm du lịch như: Vườn quốc gia Pù Mát, Thác Xaova, Thác Khe Kèm, đập Phà Lài, hang Bua, từng bước hình thành được hai trung tâm du lịch gắn với các danh thắng ở các huyện miền Tây Nghệ An là trung tâm du lịch vườn quốc gia Pù Mát và trung tâm du lịch văn hóa- sinh thái Quỳ Châu - Quế Phong theo 2 tuyến quốc lộ 7 và 48. Sự hình thành hai trung tâm du lịch ở miền Tây Nghệ An đã tạo sự biến chuyển trong định hướng đầu tư trọng điểm và khai thác du lịch gắn với các di sản văn hóa vật thể.
Tiềm năng phát triển du lịch từ di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội:
Du lịch văn hóa tâm linh là một loại hình đang được khai thác tương đối có hiệu quả hiện nay. Nghệ An với một hệ thống di tích lịch sử văn hóa và lễ hội phong phú cũng đang từng bước nắm bắt để khai thác tiềm năng này. Các điểm du lịch tiêu biểu như Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) với lượng khách đến khoảng 1,8 triệu lượt người mỗi năm, khu di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương) mỗi năm đón khoảng 160.000 lượt, di tích và lễ hội đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên) với khoảng 120.000 lượt khách mỗi năm. Các di tích và lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quang Trung (TP Vinh), đền Quả Sơn (Đô Lương)… hay công trình văn hóa Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ (TP Vinh) đang đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm. Nhiều di tích khác như Đền Cuông, Chùa Cổ Am (Diễn Châu), Chùa Đại Tuệ (Nam Đàn)… gần đây cũng thu hút khá đông đảo khách thăm viếng, tham quan.
Trong tương lai, với việc khai thác tích cực, hiệu quả hơn các tour du lịch văn hóa tâm linh, những tiềm năng, lợi thế của hệ thống di tích lịch sử văn hóa và lễ hội gắn với di tích sẽ mang lại cho Nghệ An thêm một hướng đi mới trong phát triển du lịch.
Tiềm năng phát triển du lịch từ khai thác giá trị các di sản văn hóa phi vật thể:
Nghệ Tĩnh tự hào là cái nôi của di sản dân ca Ví, Giặm, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với rất nhiều nỗ lực, tỉnh Nghệ An đã có những thành công nhất định trong việc bảo vệ, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Hệ thống các câu lạc bộ dân đã tạo được một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, mở rộng đến các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và đang là một trong những “cái nôi” lưu giữ dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ngoài các câu lạc bộ ở địa phương, trong tỉnh đã hình thành nhiều điểm trình diễn dân ca Ví Giặm phục vụ du khách tại thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn, có 04 khách sạn thành lập Câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm. Đó là cơ sở để từng bước phát huy giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cuộc sống của người dân Xứ Nghệ, trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng để trao đổi văn hóa, văn nghệ nhằm tăng cường khả năng đối thoại giữa các cộng đồng, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Cùng với di sản dân ca Ví, Giặm, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một tiềm năng góp phần khai thác du lịch, gắn du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên với du lịch văn hóa miền Tây Nghệ An. Mô hình du lịch cộng đồng khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đang có những bước phát triển như mô hình du lịch cộng đồng ở các bản: bản Nưa, bản Pha, xã Yên Khê, điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, điểm du lịch cộng đồng làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, bản Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu.
Tiềm năng phát triển du lịch từ các bảo tàng:
Nghệ An cũng là địa phương có nhiều Bảo tàng (Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An, Bảo tàng Quân Khu 4). Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình hình thành, phát triển đất nước nói chung và lịch sử văn hóa Nghệ An nói riêng. Hiện tại và tương lai, đây sẽ là những điểm đến trọng điểm của tỉnh, kết hợp giáo dục truyền thống và khai thác, phát triển du lịch.
Bảo tàng Nghệ An hiện đang lưu giữ hơn 31.000 đơn vị hiện vật, trong đó có 3 bảo vật quốc gia. Trưng bày nội thất đã được hoàn thiện và mở cửa đón khách từ tháng 12/2019. Hiện nay, đang hoàn thiện Khu trưng bày ngoại thất, thực hiện kế hoạch truyền thông thu hút khách tham quan. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là bảo tàng chuyên đề duy nhất trong cả nước lưu giữ các tư liệu, hiện vật liên quan đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, nơi lưu giữ hơn 16.000 tài liệu, hiện vật, đang thực hiện xây dựng Đề án đổi mới và nâng cấp, chỉnh lý nhà trưng bày để có một diện mạo mới thu hút hơn đón khách tham quan. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An đang trong quá trình triển khai dự án nâng cấp, xây dựng, kế thừa từ Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu, sẽ là bảo tàng dân tộc học lưu giữ, tái hiện sinh động về những đặc trưng văn hóa - lịch sử của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An.
Tiềm năng phát triển kinh tế từ sản xuất và kinh doanh hàng hóa, các sản phẩm lưu niệm từ di sản văn hóa:
Hiện nay, việc nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch tỉnh Nghệ An. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm phục vụ du khách. Một số địa phương đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ, tập trung ưu tiên xây dựng các sản phẩm chủ lực phục vụ du lịch.
Nghệ An với một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, tiêu biểu là các tri thức dân gian về ẩm thực, trang phục, y học, dược liệu,… và các nghề thủ công truyền thống cũng đang góp phần vào việc hình thành các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch và sản phẩm hàng hóa cho thị trường tiêu dùng.
Nghệ An hiện có khoảng 204 cơ sở sản xuất có thể đưa vào phát triển thành sản phẩm hàng hóa lưu niệm với 103 loại sản phẩm trong đó: nhóm chế biến từ nông sản, thực phẩm là 61 sản phẩm; nhóm đồ uống, thảo dược 11 sản phẩm; nhóm trang sức, phục sức 2 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 18 sản phẩm và chế biến hải sản là 12 sản phẩm. Với “Đề án Phát triển một số sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2025”, nhiều di sản văn hóa của tỉnh đã được đưa vào để trở thành hàng hóa như sản phẩm thủ công mỹ nghệ (tranh khắc gỗ, tranh thêu, mây tre đan..); sản phẩm ẩm thực (Tương Nam Đàn, Giò me Nam Nghĩa, Bánh đa kẹo lạc, Hương trầm, Nhút Thanh Chương, Nước mắm…); sản phẩm đồ uống, thảo dược (Rượu men lá, Rượu nếp Nghi Đức, Giảo cổ lam- Cà gai leo- dây thìa canh,…); sản phẩm trang sức, phục sức (Váy áo khăn piêu, Túi đựng bằng chất liệu thổ cẩm).
Có thể nói Nghệ An là một vùng đất của sự hội tụ cả cảnh sắc và phong tục, truyền thống văn hóa, đúng như nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá: “Nghệ An là nơi có núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu”. Tất cả những giá trị ấy được hội tụ, tỏa sáng và làm nên bản sắc văn hóa của vùng đất Nghệ An “địa linh, nhân kiệt”. Cho đến hôm nay, bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống Nghệ An rất cần được khẳng định, gìn giữ, bồi đắp để làm nền tảng và động lực cho sự phát triển bền vững trong tương lai./.
Ths. Trần Thị Kim Phượng - Trưởng ban Quản lý Di tích tỉnh
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội