Tế tửu, Tư nghiệp Quốc tử giám là người Nghệ An
Quảng Phước [1]
1. Đặt vấn đề
Nho học được truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc nhưng thực sự được chú trọng từ cuối thời Trần và phát triển rực rỡ nhất vào thời Lê, Nguyễn. Tuy nhiên từ buổi đầu độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã quan tâm đến việc học hành, đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngay từ thời Lý Thánh Tông, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070), nhà vua đã cho xây dựng Văn miếu, đặp tượng để thờ Khổng Tử, Chu Công và các vị tiên triết của Đạo Nho, đồng thời làm nơi học tập cho Hoàng Thái tử - người sẽ kế vị trong tương lai. Đây được coi là dấu mốc đầu tiên cho thấy việc nhà nước coi trọng Nho học, mặc dầu lúc này Phật giáo đang ở vị trí độc tôn .
Đến niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076), vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng Quốc tử giám bên cạnh Văn miếu để cho con em hoàng tộc và con em các quan đại thần vào học. Đây là trường đại học đầu tiên của nước ta và duy nhất suốt thời phong kiến. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Các triều đại sau này vẫn tiếp tục phát triển, và mở rộng Quốc tử giám. Đến thời Trần thì phạm vi tuyển sinh của Quốc tử giám không còn bó hẹp trong khuôn khổ hoàng gia và quý tộc quan lại mà mở rộng ra cả con em của thường dân mà có lực học xuất sắc. Từ đó, Quốc tử giám trở thành nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của cả quốc gia. Những người được học tập ở Quốc tử giám là những người xuất sắc, được “tiến cống” từ khắp mọi miền của đất nước. Vì vậy, những người truyền thụ kiến thức cho các sinh viên của Quốc tử giám phải là những bậc cự Nho đức trọng, tài năng trác việt, và cũng được tuyển chọn trong số những người giỏi nhất. Người đứng đầu Quốc tử giám gọi là Tế tửu (tức Hiệu trưởng), tiếp đến là Tư nghiệp (tức Hiệu phó), họ là những người ươm mầm và bồi dưỡng cho “nguyên khí quốc gia”, nhiều người trong số họ đã trở thành những bậc thầy của muôn đời.
Nghệ An là vùng đất có bề dày truyền thống học hành, khoa bảng lâu đời, suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, mảnh đất xứ Nghệ đã sản sinh ra không biết bao nhiêu ông nghè, ông cống. Các ông nghè xứ Nghệ nhiều người từng giữ chức vụ học quan, như Huấn đạo (110 vị), Giáo thụ (28 vị), Đốc học (33 vị)… để đào tạo ra những nhân tài cho đất nước. Có nhiều người giữ chức Hàn lâm và dạy học ở Quốc tử giám như Nguyễn Đức Đạt, Hồ Sĩ Tạo, Hồ Thiện Huệ, Cao Bá Tuyên. Đặc biệt, một số nhà khoa bảng Nghệ An vinh dự được vời vào triều để dạy cho Thái tử và con em hoàng tộc, như Ngô Trí Hòa, Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Tông, Nguyễn Xuân Giao, Phan Thúc Trực, Cao Xuân Dục, Hoàng Hà, Đinh Nhật Thận, Hồ Phi Cơ, Nguyễn Trí Danh… Trong số đó, có nhiều người là Tế tửu, Tư nghiệp Quốc tử giám. Từ xưa, thương hiệu “Thầy đồ Nghệ” đã trở nên nức danh khắp trong Nam ngoài Bắc. Bởi họ “đạo thông thiên địa, học bác cổ kim” (đạo thông cả trời đất, học rộng khắp xưa nay), tiết tháo, có tình nghĩa và đào tạo được nhiều người thành danh, cái quan trọng nhất họ không chỉ là bậc “kinh sư” (thầy dạy chữ) mà còn là bậc “nhân sư” (thầy dạy làm người).
2. Tế tửu Quốc tử giám là người Nghệ An.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Nghệ An có 10 người từng giữ chức Tế tửu Quốc tử giám từ triều Lê đến triều Nguyễn. Họ hầu hết là những nhà đại khoa bảng nức danh một thời, là những bậc văn thần trụ cột của triều đình. Có những trường hợp cha là Tế tửu, con là Tư nghiệp như Nguyễn Phùng Thời (cha, Tế tửu) và Nguyễn Bá Quýnh (con, Tư nghiệp); hay trường hợp cả ba Tế tửu người cùng làng như Hồ Yên Ninh, Lê Nguyên Trung, Lê Bá Đôn đều là người làng Trung Cần, trong đó Lê Nguyên Trung và Lê Bá Đôn là hai ông cháu – thật không hổ thẹn “quan Trung Cần, dân Dương Liễu (Trung Cần là đất nhiều quan, Dương Liễu dân kiên cường); hay ông nhạc và con rể cùng làm Tế tửu như trường hợp của Cao Xuân Dục (Thượng thư Bộ học, kiêm quản Quốc tử giám) và con rể là Đặng Văn Thụy (Tế tửu Quốc tử giám). Trong số 10 vị Tế tửu Quốc tử giám trên thì 03 vị triều Lê tức Tế tửu Quốc tử giám Thăng Long, và 07 vị triều Nguyễn tức Tế tửu Quốc tử giám Huế.
2.1. Ngô Trí Hòa (1564 – 1625) [2] :
Người xã Lý Trai, nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Khoa Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng 15 (1592) đời Lê Thế Tông, hai cha con Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa cùng đậu đồng khoa. Ngô Trí Hòa 28 tuổi đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), Ngô Trí Tri 56 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ. Vua Lê Thế Tông đã ban tặng bức trướng cho hai cha con vinh quy bái tổ đề 10 chữ vàng “ Khoa danh thiên hạ hữu, phụ tử thế gian vô” nghĩa là: Đậu đại khoa trong thiên hạ có nhiều người, nhưng cha con cùng đậu một khoa thì thế gian chưa thấy bao giờ. Đây là hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Bài ký trên bia Tiến sĩ khoa thi đó đã ghi lại hiện tượng này như một biểu tượng của triều đại thái bình, thịnh trị: “Ai nấy đều lấy làm sung sướng được trông thấy cảnh ấy, đời thái bình dưới triều vua thánh, có cha con cùng đỗ một khoa, thực là một hội văn minh tốt đẹp” [3] . Ông được bổ nhiệm làm Án sát sứ Sơn Tây, được Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng triệu về kinh làm Đô cấp sự Lại khoa bàn chính sự ở phủ chúa, thăng Hữu thị lang bộ Hình, ra làm kỷ lục ở trấn Thanh Hoa. Năm Giáp Thìn niên hiệu Hoằng Định [1604], được triệu về kinh thăng Hữu thị lang bộ Lại, tước Phú Lộc bá. Năm Bính Ngọ [1606] làm Chánh sứ sang nhà Minh. Mùa đông năm Mậu Thân [1608], vì có công đi sứ được thăng Thượng thư bộ Hộ, rồi sai kiêm chức Tế tửu Quốc tử giám [4] . Năm Canh Tuất [1610] thăng tước Phú Xuân hầu. Mùa đông năm Mậu Ngọ [1618], ông làm tờ khải trình chúa Trịnh điều trần 6 việc:
- Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp
- Xin đè nén kẻ quyền hào để nuôi sức dân
- Xin cấm phú dịch phiền hà để đời sống nhân dân được đầy đủ
- Xin bớt xa xỉ để của cải nhân dân được thừa thãi
- Xin dẹp trộm cướp để dân được yên
- Xin sửa sang quân chính để bảo vệ tính mạng cho dân
Triết vương Trịnh Tùng khen hay và làm theo.
Năm Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ [1623], giặc Xuân gậy loạn, trộm cướp nổi lên nhiều nơi. Lê Thần Tông sau khi về kinh, cho ông làm Đốc thị, cùng với Thống lĩnh Trịnh Cối đi dẹp yên Sơn Tây, khi về được thêm chức Thái bảo, phong Hiệp mưu Tá lý Dực vận Tán trị công thần.
“ Ông học vấn hơn người, chính thuật có thừa, trải khắp trong ngoài [đối xử] chỗ nào cũng vừa; công lao tiếng tăm rõ rệt. Lại là bậc danh thần của ba triều, cha con đồng khoa, phúc nhà lâu dài, càng là việc xưa nay ít thấy” [5] .
Sau khi ông mất được triều đình tặng tước Xuân Quận công. Con trai của ông là Ngô Sĩ Vinh đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất [1646], cháu năm đời của ông là Ngô Công Trạc và Ngô Hưng Giáo đều đỗ Tiến sĩ.
2.2. Nguyễn Phùng Thời (1685 - 1754) [6] :
Người xã Hoa Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đường, nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Ông sinh trưởng trong một gia đình hàn Nho, nổi tiếng thông minh, học giỏi từ nhỏ. Khoa thi Hội năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân . Ông làm quan trải qua các chức: Giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn, Thiêm đô Ngự sử, Hình bộ Hữu Thị lang, hành Lễ bộ Tả Thị lang, tước Lâm Xuyên bá. Năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đời vua Lê Ý Tông, ông được cử giữ chức Tế tửu Quốc tử giám . Hiện nay tại nhà thờ còn lưu giữ sắc phong chức Tế tửu cho ông:
Phiên âm:
Sắc Hoằng tín Đại phu, Hàn lâm viện Thị độc, Tu thận doãn, trung tuyển Nguyễn Phùng Thời. Vi hữu tâm thuật cán sự, khác địch trung cần. Phụng Đại Nguyên soái Thống quốc chính Thượng sư Thái phụ Thông đức Anh nghị Thánh công Uy vương chỉ chuẩn, hữu triều thần thiêm nghị, ứng thăng Tế tửu chức. Khả vi Triều liệt Đại phu, Quốc tử giám Tế tửu, Khuông mỹ Thiếu doãn trung chế.
Cố sắc!
Vĩnh Hựu nhị niên tam nguyệt sơ tam nhật.
(Sắc mệnh chi bảo)
Tạm dịch:
Sắc cho Hoằng tín Đại phu, Hàn lâm viện Thị độc, Tu thận doãn, trung tuyển Nguyễn Phùng Thời. Vì có tâm làm việc mẫn cán, cung kính giữ đạo trung cần. Kính vâng chỉ chuẩn của Đại Nguyên soái Thống quốc chính Thượng sư Thái phụ Thông đức Anh nghị Thánh công Uy vương [Trịnh Giang] và có triều thần nghị bàn, nên được thăng chức Tế tửu. Đáng làm Triều liệt Đại phu, Tế tửu Quốc tử giám, Khuông mỹ Thiếu doãn, trung chế.
Cho nên ban sắc!
Ngày mồng 3 tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736)
(Sắc mệnh chi bảo)
Năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) đời vua Lê Hiển Tông, ông được thăng làm Tả Thị lang bộ Hình tước Lâm Xuyên hầu. Trong thời gian ông làm Tả Thị lang bộ Hình, ông được triều đình cử làm trưởng sứ bộ sang Trung Quốc giải quyết tranh chấp biên giới ở vùng núi Tụ Long nơi có mỏ đồng. Công việc thắng lợi, ông về triều rồi xin nghỉ hưu.
Năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) ông qua đời, được truy phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Công bộ Thượng thư và được ban thụy là Đoan Nghị Trụ Quốc thượng giai. Sau khi mất, ông được phong làm phúc thần, các triều đại đều ban sắc phong.
2.3. Chu Phúc Cổn (1655 – 1743) [7] :
Ông người làng Tam Khôi, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, ham học. Lớn lên hiểu biết rộng, hay chữ, đối đáp nhanh nhẹn, được nhân dân trong vùng kính phục, quý mến gọi là “thần đồng”. Năm Tân Dậu niên hiệu Chính Hòa thứ hai (Lê Hy Tông, 1681), ông thi Hương và đậu Hương cống lúc 26 tuổi. Năm Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 6 (Lê Hy Tông, 1685), ông thi đậu Tam trường, được bổ nhiệm làm chức Tri huyện tại Châu Phúc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Sau đó, ông được thăng Cẩn sự Tá lang . Ông tiếp tục đi thi và đậu tiếp tám khoa Tam trường (tổng cộng là 9 khoa Tam trường) được người đời ca tụng là thần nhân. Đến năm Kỷ Sửu niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (Lê Dụ Tông, 1709) ông được thăng ông chức Tế tửu Quốc tử giám .
Năm 1716, ông về hưu, mở trường dạy học tại quê nhà, học trò theo học rất đông, nhiều người học trò của ông sau này đã thành danh. Ông còn chiêu tập dân nghèo khai hoang cày cấy, thành lập xóm làng, hiệu gọi là Xóm Đồn (sau này là làng Tam Khôi). Ngày 9 tháng 4 năm Quí Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743), ông Chu Phúc Cổn tạ thế tại quê nhà và được nhân dân lập đền thờ. Ông là người tài cao, đức độ, một vị quan tận trung với triều đình, tận hiếu với nhân dân nên ông đã được vua Lê Hiển Tông ban thưởng 08 chữ vàng “Tiền triều khanh tướng, bản ấp gia tiên” . Và cấp cho ông 1 mẫu 8 sào làm đất hương hỏa, giao cho dân thôn phụng sự. Hiện nay, tại nhà thờ họ Chu Phúc còn lưu giữ được hai đạo sắc phong thần của triều Nguyễn:
Sắc thứ nhất:
Phiên âm:
Sắc Nghệ An tỉnh, Đông Thành huyện, Hoàng Trường xã, Tam Khôi thôn phụng sự Lê triều Tế tửu Chu tướng công chi thần. Nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần. Chuẩn nhưng cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Thành Thái thập ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập lục nhật (Sắc mệnh chi bảo)
Tạm dịch:
Sắc cho thôn Tam Khôi, xã Hoàng Trường, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An thờ phụng thần Chu tướng công vốn là Tế tửu Quốc Tử Giám triều Lê. Linh ứng đã lâu, trước nay chưa được ban cấp sắc phong. Cho nên, nay trẫm nối tiếp nghiệp lớn, xa nghĩ ơn thần, trứ phong là Dực bảo Trung hưng Linh phù. Chuẩn cho thờ phụng như cũ. Thần hãy ban ơn giúp đỡ và giữ gìn cho dân ta!
Kính thay!
Ngày 26 tháng 11 năm Thành Thái 15 [1903] (Sắc mệnh chi bảo)
Sắc thứ hai:
Phiên âm:
Sắc Nghệ An tỉnh, Diễn Châu phủ, Tam Khôi thôn tòng tiền phụng sự nguyên tặng linh phù Dực bảo trung hưng Lê triều Tế tửu Chu tướng công tôn thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Trứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Đoan túc tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật (Sắc mệnh chi bảo)
Tạm dịch:
Sắc cho thôn Tam Khôi, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An theo như trước thờ phụng thần Chu tướng công Tế tửu Quốc tử giám triều Lê vốn được tặng là Linh phù Dực bảo Trung hưng. Thần giúp đỡ đất nước, che chở nhân dân, linh ứng đã lâu, nhiều lần được ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Cho nên, nay đúng dịp lễ tứ tuần đại khánh của trẫm (mừng thọ 40 tuổi của vua Khải Định), kính ban chiếu báu, lễ lớn tăng thêm phẩm trật, trứ gia tặng là Đoan túc tôn thần. Đặc chuẩn cho thờ phụng, dùng để ghi nhớ ngày mừng của đất nước mà làm sáng tỏ điển thờ.
Kính thay!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 [1924] (Sắc mệnh chi bảo)
2.4. Hồ Yên Ninh [8] :
Người làng Trung Cần nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Ông là Giám sinh Quốc tử giám. Sau làm quan đến Quang tiến Vinh lộc Đại phu, kiêm Tế tửu Quốc tử giám .
2.5. Lê Nguyên Trung [9] :
Người làng Trung Cần, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, đậu Cử nhân khoa Quý Dậu niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813), làm Thự Tuần phủ Hưng Hóa, thăng Tổng đốc Bình Định, sau được triệu về kinh bổ nhiệm làm Tế tửu Quốc tử giám . Ông là người nổi tiếng thanh liêm. Khi còn làm Thự Tuần phủ Hưng Hóa, ông dâng sớ xin phong kín mỏ vàng, có người đem số vàng to đến cầu cạnh nhưng ông không động lòng, được vua khen là liêm khiết. Ông làm việc công bằng, giản dị, được lòng dân, có tiếng là chính trị giỏi.
2.6. Lê Bá Đôn [10] :
Người làng Trung Cần, nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, đậu Giải nguyên khoa Đinh Mão niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), là cháu của Lê Nguyên Trung, cha là Lê Nguyên Khái đỗ Cử nhân năm 1818, con là Lê Bá Hoan đỗ Tiến sĩ năm 1891.
Năm Tự Đức thứ 29 (1876), ông làm Tri huyện An Định. Gặp năm đói kém, ông cố sức trù liệu phát chẩn giúp dân, được triệu về kinh bổ nhiệm chức Chủ sự bộ Lễ, thăng chức Lang trung.
Năm thứ Tự Đức thứ 36 (1883), sung làm Đổng lý sở Tu thư, được thụ hàm Thị độc học sĩ, trải lĩnh chức Đốc học Quảng Trị, Bình Định.
Năm Ất Dậu niên hiệu Đồng Khánh (1885), ông lĩnh chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám , rồi thăng Tế tửu Quốc tử giám , đổi thụ hàm Hồng lô tự khanh.
Đầu thời Thành Thái, ông nhiều lần được điều đi làm Đốc học tỉnh Bình Định, tỉnh Thanh Hóa.
Lê Bá Đôn làm quan liêm cần, học rộng, thông biết nhiều những lời của nhà địa lý, trước tác có tập “Địa lý tiệp yếu”.
2.7. Trần Đình Phong (1843 – 1919) [11] :
Người xóm Lũy, xã Thanh Khê nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành. Ông đậu hai lần Tú tài vào năm Tự Đức thứ 21 (1868) và năm Tự Đức thứ 23 (1870). Khoa Bính Tý niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876), ông đỗ Cử nhân. Năm Tự Đức thứ 32 (1879) triều đình mở ân khoa, Trần Đình Phong thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân. Sau đó, ông được phong tước Hàn lâm sơ phụ, phụ trách biên tu lịch lý rồi bổ làm tri phủ Kiến An, kiêm lý cả huyện Bình Giang.
Năm 1885, mẹ mất, Trần Đình Phong xin về chịu tang mẹ và nghỉ lại quê, mở lớp dạy học, định xin trí sĩ.
Năm Mậu Tuất (1898) vua Thành Thái xuống chỉ thăng ông làm Đốc học tỉnh Quảng Nam. Năm Canh Tý (1900) Trần Đình phong được cử làm Phó Chủ khảo kỳ thi Hương tại Thanh Hóa.
Năm Ất Tỵ (1905), Trần Đình Phong được thăng Tế tửu Quốc tử giám và được phong Quang lộc tự khanh. Năm Mậu Thân niên hiệu Duy Tân năm thứ 2 (1908), ông được bổ làm Biên tu quốc sử. Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1919) Trần Đình Phong lâm bệnh và mất tại Huế.
Cuộc đời Trần Đình Phong phần lớn gắn bó với chức học quan,và đó là điều mà ông tâm đắc nhất. Ông dồn hết tâm huyết của mình cho sự nghiệp đào tạo nhân tài. Ông là thầy dạy của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phạm Liễu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang và nhiều nhân sĩ nổi tiếng khác.
2.8. Cao Xuân Dục (1842 – 1923) [12] :
Người làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Ông tên tự là Tử Phát, hiệu là Long Cương, xuất thân trong một gia tộc lớn, có truyền thống khoa bảng. Nổi tiếng thông minh, hiếu học từ nhỏ. Song tới tận khoa thi Bính Tý năm Tự Đức thứ 29 (1876), ông mới đỗ Cử nhân. Năm sau (1877), ông lại trượt trong khoa thi Hội. Tuy con đường khoa cử của ông không cao lắm nhưng ông là một người có trí tuệ uyên thâm, tài cao học rộng, thông kim bác cổ. Con đường quan lộ của ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau từ thấp đến cao, đã thể hiện rõ vai trò của một vị quan cần mẫn, trách nhiệm, có năng lực và liên tục được thăng chức. Đặc biệt ông rất quan tâm đến văn hóa, giáo dục. Ông được phong chức Tổng tài Quốc sử quán, chủ trì việc biên soạn nhiều bộ quốc sử quan trọng như Đại Nam thực lục chính biên , Quốc triều toát yếu, Đại Nam nhất thống chí … Ông còn được phong chức Thượng thư Bộ Học, kiêm quản Quốc tử giám , tức là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước ta, kiêm quản luôn cả trường Quốc tử giám (cũng tương đương với Tế tửu). Ông đã có nhiều cải cách trong cách dạy, học và thi cử nhằm duy trì nền tảng văn trị và giáo dục của đất nước trước nguy cơ “mất gốc” trong buổi giao thời, mặt khác thể hiện một tư duy cấp tiến “hội nhập”: “cổ kim tham khảo lẫn nhau, Á Âu cùng chung trí thức”, coi trọng cả Hán ngữ, Quốc ngữ, Pháp ngữ, nhận thức rõ vai trò của giáo dục “muốn khơi dân trí trước hết phải bằng con đường học thuật” . Ông còn mở cả thư viện tư nhân tức “Long Cương thư viện” để lưu trữ sách vở. Nhiều bộ sách quý của nước ta còn lưu giữ được đến nay là nhờ Long Cương thư viện của ông. Ông xứng đáng là một nhà văn hóa, một nhà giáo dục lớn của dân tộc thời cận đại.
2.9. Đặng Văn Thụy (1858 – 1936) [13] :
Người làng Nho Lâm nay là xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Ông tên tự là Mã Phong, hiệu là Mộng Long. Ông đậu Đình nguyên Hoàng giáp khoa thi Hội năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904). Cả cuộc đời ông gắn bó với chức học quan, lúc đầu làm Huấn đạo huyện Nông Cống, rồi Giáo thụ Diễn Châu. Sau được triệu về kinh giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám, sung Tư thư cục. Năm 1908, ông được thăng lên làm Tế tửu Quốc tử giám . Theo gia phả họ Đặng Nho Lâm, ông đã dâng sớ lên nhà vua đề nghị cải cách giáo dục. Vì ngoài trường Quốc học duy nhất ở kinh đô, còn nhiều trường mở ra ở cả nước nhưng không phải trường nào mở ra cũng dạy tốt cả. Đến nay, chưa tìm lại được những cải cách giáo dục mà ông viết, nhưng những tâm đắc ông đã ghi chép thành lời trong Mã Sơn văn thảo như sau:
Nhân sinh tính thiện dữ Nghiêu đồng
Dưỡng thánh nguyên tư trách thánh công.
Bất độc bất đạt sư phụ quá,
Giáo nhi bất học trách đồng mông.
Tạm dịch:
Người ta sinh ra tính thiện ngang với vua Nghiêu
Nuôi dưỡng được bản chất thánh nhân là công của thánh nhân.
Không dạy, không dỗ là lỗi của thầy, của cha
Dạy mà không học là lỗi của học trò.
Năm 1914, ông cáo quan về quê. Tổng cộng ông làm học quan 31 năm (1883 – 1914). Sau khi cáo quan về quê, nhà của ông trở thành nơi chứa nhiều loại sách quý, ông vẫn tiếp tục dạy học và đào tạo được nhiều học trò thành danh, trong đó có Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Ông nổi tiếng là một nhà Nho đức độ, một nhà giáo uyên thâm, nghiêm khắc nhưng cũng rất hóm hỉnh.
Tác phẩm của ông có: Nho sĩ cuồng ngâm (thơ), Quốc tử giám tư hương ca (thơ, văn), Mộng Long tuyết mộng sử (sử), Mã Sơn văn thảo (văn), Khuyến nông ca (thơ), Di huấn ca, Phục Ba đồng trụ luận … Ông còn tham gia hiệu đính Quốc triều hương khoa lục, Quốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục, tham gia biên soạn và hiệu đính Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam liệt truyện tiền biên .
2.10. Lê Văn Miến (1873 – 1943) [14] :
Người làng Kim Khê nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc. Lê Văn Miến từng đi du học ở Pháp, theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Pari. Sau về làm Đốc học ở trường Pháp – Việt tại Vinh, được thăng làm Tế tửu Quốc tử giám ở Huế. Trong thời gian đang làm Đốc học ở Vinh, ông thường đến Văn miếu tỉnh đàm đạo chuyện thơ văn. Ông tham gia tổ chức Hoan Châu học chính, một chi nhánh của Đông kinh nghĩa thục (1904 – 1906). Lấy cảm hứng từ các buổi bình văn ở Văn miếu Vinh, ông vẽ bức tranh “Bình văn”, nhằm thức tỉnh và động viên tinh thần hiếu học, yêu nước của thanh niên thời bấy giờ. “Bình văn” là bức tranh sơn dầu nổi tiếng đầu tiên của ngành hội họa hiện đại Việt Nam, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.
3. Tư nghiệp Quốc tử giám là người Nghệ An
Theo thống kê chưa đầy đủ, Nghệ An có 07 vị Tư nghiệp Quốc tử giám, trong đó 02 vị Tư nghiệp thời Lê, 05 vị Tư nghiệp thời Nguyễn. Họ là những người xuất thân từ khoa cử, trí tuệ uyên thâm, có người trải nhiều chức với nhiều cương vị khác nhau nhưng cũng có người cả đời gắn bó với chức học quan. Tuy nhiên dù làm ở vị trí nào họ vẫn luôn là những vị quan thanh liêm, được học trò quý mến, nhân dân tin yêu.
3.1. Từ Bá Cơ (1683 - ?) [15] :
Quê ở xã Phượng Quế, nay là xã Liên Phượng, huyện Thường Tín, Hà Nội, di cư vào làng Hạ Khê, nay thuộc xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, 30 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) đời vua Lê Dụ Tông. Ông được bổ nhiệm là Tư nghiệp Quốc tử giám , nổi tiếng thanh liêm, hay chữ. Em trai ông là Từ Trọng Đĩnh đậu Tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721), làm quan đến Giám sát ngự sử. Hiện nay, các sắc phong của hai ông còn lưu giữ tại nhà thờ ở xã Nam Cường, huyện Nam Đàn.
3.2. Nguyễn Bá Quýnh (1710 – 1772) [16] :
Người xã Hoa Lâm, nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, là con của Tế tửu Nguyễn Phùng Thời. Ông đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ năm 24 tuổi, khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) đời Lê Thuần Tông, làm quan Tư nghiệp Quốc tử giám, kiêm Đông các Đại học sĩ.
3.3. Phan Hữu Tính (1774 – 1831) [17] :
Người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, 48 tuổi đậu giải Nguyên thi Hương khoa Tân Tị niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821), 49 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822). Ông sơ thụ Hàn Lâm, bổ nhiệm chức Tri phủ phủ Định Viễn, thăng Đốc học tỉnh Định Tường.
Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), ông được triệu về kinh làm Lang trung bộ Lại, Thự Thiêm sự, rồi chuyển sang Tư nghiệp Quốc Tử Giám .
Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), ông được bổ nhiệm Lang trung bộ Binh, theo làm việc tại Tào công ở Bắc Thành. Lúc việc công nhàn rỗi, Phan Hữu Tính thích cùng với sĩ nhân vui thưởng văn thơ. Ông tại chức 2 năm thì mất, hưởng dương 58 tuổi.
Phan Hữu Tính thuở nhỏ thông minh, nhớ lâu, khi làm quan trong sạch, giản dị không khác gì người học trò nghèo. Tế tửu Phạm Đình Hổ cùng làm việc với ông nhận xét rằng: “ta thấy Tính là người hòa với mọi người mà không hùa theo, cùng với mọi người mà có chí thú riêng. Ngày thường thì tin thực, lúc lâm sự thì chắc chắn không thể thay đổi. Trước sau rèn dạy học trò, nhiều người thành đạt.”
3.4 Vũ Duy Tân (1783 – 1848) [18] :
Người xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tên húy là Dực, tên tự là Duy Tân, tên hiệu là Thanh Phái, là học trò của Tiến sĩ Bùi Tồn Am (tức Bùi Dương Lịch). Ông đậu Cử nhân khoa Quý Dậu niên hiệu Gia Long thứ 12 (1813). Ông giữ nhiều chức vụ khác nhau, lúc thăng lúc giáng: Tri huyện Thiên Lộc, Tri huyện Hưng Nguyên, Tri phủ Diễn Châu, Huấn đạo Lệ Thủy, Giáo thụ Quảng Bình, Học chính Quốc tử giám, thăng Tri phủ Hà Trung, thăng Viên ngoại bộ Công, Ngự sử Quảng Nam, Quảng Ngãi, Giáo thụ Đức Thọ, Đốc học Sơn Tây, Hà Nội...v.v
Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) được Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên là Nguyễn Đăng Giai tiến cử vào chức Án sát Lang trung, triều đình xét thấy ông là bậc mô phạm nho nhã nên lại tiến cử làm Tư nghiệp Quốc tử giám . Ông nhậm chức, các môn sinh đến chúc mừng nhưng chẳng được bao lâu thì lâm bệnh phải về nghỉ. Môn sinh của ông có nhiều người đậu đạt cao từ Thám hoa, Cát sĩ, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân, Tú tài... như Thám hoa Phan Thúc Trực; Tiến sĩ Nguyễn Cửu Trường, Trịnh Đình Thái, Nguyễn Khắc Tần; Đệ tam giáp Nguyễn Thanh Oai, Nguyễn Minh, Phạm Quang Mãn; Cử nhân Phạm Đình Trán, Đoàn Danh Dương ...
Vũ Duy Tân trị nhậm ở đâu cũng “đều lập điều ước rõ ràng, lấy việc trọng luân thường, sửa tính nết làm đầu. Lúc nhàn rỗi thường cùng học trò giảng tập. Trước sau lĩnh chức học chính, người đến học thành đạt nhiều” .
3.5. Phạm Hữu Nghi [19]
Tên tự là Trọng Vũ, tên hiệu là Đạm Trai. Năm Minh Mạng thứ 2, đỗ Cử nhân, lúc đầu được bổ nhiệm chức Điển bạ, thăng dần đến chức Tu soạn, sung chức Hành nhân sứ bộ đi sứ nhà Thanh. Khi về, vì việc đệ trạm không hợp lệ bị cách chức nhưng cho lấy công chuộc tội, rồi phái đi công cán ở Giang Lưu Ba. Sau đó, được khôi phục làm chức Tư vụ, thăng chức Chủ sự; trải làm quan Tri phủ 3 phủ An Nhân, Hoài Đức, Hoài Nhân. Vì có tiếng là văn hạnh, được thăng chức Thị giảng, sung Tán thiện, đổi làm chức Tư nghiệp Quốc tử giám , thăng bổ chức Án sát sứ Nghệ An. Chưa bao lâu, đổi vào kinh, thăng Quang Lộc tự khanh, sung Quốc sử quán Toản tu. Đầu năm Tự Đức (1848), ứng chế làm bài phú “Nguyệt trung quế” nổi tiếng, thăng thụ Hữu Tham tri bộ Lễ, sung làm nhật giảng quan ở Kinh diên.
Năm Tự Đức thứ 7 (1854), ông tâu xin kiểm xét từ năm Gia Long thứ nhất (1802) cho đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), phàm các văn thể như sắc mệnh, chiếu cáo tiên biểu, thư, sớ, bi kí, lộ bố và tán tụng, tự bạt do các thần công nghĩ soạn ra, chọn bài nào hay hơn cả, chia từng môn, định từng loại, biên chép vào thành tập nhan đề là “Đại Nam văn uyển thống biên”, để cho điển chương thời thịnh trị, lưu truyền lâu dài. Vua khen là phải, sai ông trông coi việc làm. Khi biên thành tập được 76 quyển, gồm có 1.421 bài.
Năm Tự Đức thứ 15 (1862), ông xin nghỉ hưu, vua ban cho bạc lụa, mũ áo để ưu đãi. Tháng 3 năm ấy, ông mất, thọ 66 tuổi. Tin báo tang đến triều đình, vua ban thêm cho 500 quan tiền.
Phạm Hữu Nghi thông kinh bác sử, học rộng tài cao, lúc mới sung làm hành nhân, có làm tập “Sứ Yên tùng vịnh”, danh sĩ ở Trung Quốc cũng đều khen thưởng. Lại có tập thơ “Đạm Trai” lưu hành ở đời. Ông thường quan tâm đến quê hương. Khi đang ở làng, bị nạn bãi sông lở, ông bèn họp người làng, bàn xin ruộng của xã Thẩm Lĩnh để cho dân ở. Đến nay dân làng còn nhớ ơn. Con là Phạm Hữu Trác, Phạm Hữu Gia đều làm bát phẩm bộ Binh; cháu là Phạm Hữu Liệu đậu Tiến sĩ năm Thành Thái thứ 10 (1898).
3.6. Văn Đức Giai (1807 – 1864) [20] :
Người xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tên tự là Phú Mỹ, còn một tên là Văn Đức Khuê, 37 tuổi đậu Cử Nhân khoa Quý Mão niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), 38 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), vì mẹ già xin về quê phụng dưỡng.
Năm Tự Đức thứ nhất (1848), ông được bổ làm chức Biên tu, lĩnh Đốc học Quảng Bình. Năm Tự Đức thứ 12 (1859), ông được triệu về kinh làm Hình bộ Viên ngoại lang. Sang năm sau đổi làm Hàn lâm viện Thị độc, lĩnh Tư nghiệp Quốc tử giám , rồi thăng Thự Thị độc học sĩ, lĩnh chức Phó sứ đi Yên Kinh (Bắc Kinh, Trung Quốc).
Ông nổi tiếng là người cương trực, thanh liêm, cho dù những người quan cao chức lớn nhưng làm việc sai trái ông đều dâng sớ đàn hặc. Tháng 2 năm Tự Đức thứ 14 (1861), ông được triều đình cho mộ binh chống Pháp và tòng chinh quân thứ Gia Định. Ngày 5/6/1864 (năm Tự Đức thứ 17), trong một trận giao tranh với giặc ở Quảng Yên, ông đã tuẫn tiết, được triều đình truy tặng chức Bố chánh sứ, và được thờ ở Trung Nghĩa từ từ tại Kinh đô.
3.7. Cao Trọng Sính [21] :
Người xã Nho Lâm, huyện Đông Thành nay là xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. Ông đậu Cử nhân khoa Đình Mùi niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847). Ông làm quan trải nhiều nơi, nhiều chức: Huấn đạo, Giáo thụ, Tri huyện, Tư nghiệp, Lang Trung, Đốc Học, Án Sát…
Năm Tự Đức thứ 17 (1864), ông được bổ nhiệm làm Tư nghiệp Quốc tử giám , sau đó chuyển sang làm Lang trung bộ Binh. Một thời gian ông được bổ nhiệm chức Đốc học Bình Định, rồi chuyến sang Đốc học Bình Thuận, rất được học trò và nhân dân yêu quý. Triều đình thấy ông làm quan rất được lòng dân nên cho thăng chức Thị giảng học sĩ, lãnh chức Án sát tỉnh Bình Thuận.
“Trọng Sính là người tính nết điềm đạm, hòa nhã, giản dị và gìn giữ với mọi người, lòng rất ham được dạy dỗ những kẻ hậu học. Làm giáo chức nhiều nơi, nhà luôn túng thiếu, vẫn bình thản như không vậy. Học trò, nhiều người thành đạt có kẻ làm đến tư mục một phương” .
4. Kết luận
Suốt mười thế kỷ tồn tại, Quốc tử giám đã đào tạo ra hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Các vị Tế tửu và Tư nghiệp với vai trò là những người đứng đầu trường đại học duy nhất của quốc gia đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Trong số đó, mảnh đất Nghệ An đã “sản sinh” cho Quốc tử giám 10 vị Tế tửu, 7 vị Tư nghiệp. Họ không chỉ uyên thâm về kiến thức kinh điển, là nhà giáo mẫu mực, thương yêu học trò, tận tụy hết mình vì sự nghiệp hun đúc “nguyên khí quốc gia” mà còn thể hiện tài năng về nhiều mặt như ngoại giao giỏi, chính trị tài như Ngô Trí Hòa, Nguyễn Phùng Thời, Chu Phúc Cổn, Văn Đức Giai, Phạm Hữu Nghi, thậm chí có người còn cầm quân đánh trận như Văn Đức Giai, là tác gia văn học, sử học có tiếng, nhà cải cách giáo dục, như Ngô Trí Hòa, Trần Đình Phong, Cao Xuân Dục, Đặng Văn Thụy. Những cống hiến của họ góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương, nối tiếp sự nghiệp trồng người của tiên Nho, xứng đáng là những bậc thầy của muôn thuở.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2008.
2. Ninh Viết Giao (chủ biên), Văn bia Nghệ An, Nxb Nghệ An, Vinh, 2004
3. Ninh Viết Giao (chủ biên), Nam Đàn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp TPHCM, TPHCM, 2005.
4. Ninh Viết Giao, Diễn Châu 1380 lịch sử - văn hóa – nhân vật, NXb Nghệ An, Vinh, 2007.
5. Ninh Viết Giao, Từ điển nhân vật xứ Nghệ, Nxb Tổng Hợp TPHCM, TPHCM, 2008.
6. Trịnh Hoành, Tìm hiểu về giáo dục và khoa cử thời xưa, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014.
7. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An (1075 – 1919), Nxb Nghệ An, Vinh, 2005.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3, 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.
9. Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Thanh Chương, Thanh Chương xưa và nay, Nxb KHXH, Hà Nội, 2010, trang 510.
10. UBND tỉnh Nghệ An, Hội KHLS Việt Nam, Hội VNDG Nghệ An, Kỷ yếu hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục, TP Vinh, ngày 06/12/2012.
11. Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ họ Chu Phúc, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, lưu tại BQL Di tích & Danh thắng Nghệ An.
Trần Văn Hữu - Phó trưởng phòng PHGTDT
[1] Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An
[2] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2008, trang 315, 316.
[3] Đào Tam Tỉnh, Khoa Bảng Nghệ An, Nxb Nghệ An, Vinh, 2005, trang 462.
[4] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr 315.
[5] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, sđd, tr 316.
[6] Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, 210;
Sắc phong lưu tại nhà thờ.
[7] Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 379.
Sắc phong, gia phả lưu tại nhà thờ họ Chu và gia phả họ Chu xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
[8] Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 412.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006;
Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 256.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, sđd;
Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 254;
Ninh Viết Giao (chủ biên), Văn bia Nghệ An, Nxb Nghệ An, Vinh, 2004, trang 86.
[11] Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 221.
Ninh Viết Giao, Từ điển nhân vật xứ Nghệ, Nxb Tổng hợp TPHCM, 2008, trang 615, 616.
[12] Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63;
Ninh Viết Giao, Từ điển nhân vật xứ Nghệ, sđd, trang 115, 116.
[13] Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 50, 63;
Ninh Viết Giao, Từ điển nhân vật xứ Nghệ, sđd, trang 166, 167;
Ninh Viết Giao, Diễn Châu 1380 năm Lịch sử - văn hóa – nhân vật, NXb Nghệ An, Vinh, 2007, trang 351, 352.
[14] Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 75, 76.
[15] Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 227.
[16] Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Thanh Chương, Thanh Chương xưa và nay, Nxb KHXH, Hà Nội, 2010, trang 510;
Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 178, 204.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, sđd;
Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 219.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, sđd;
Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 310;
Thanh Chương xưa và nay, sđd, trang 481, 482, 483.
[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, sđd.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, sđd;
Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An,
sđd, trang 63, 222;
Ninh Viết Giao, Từ điển nhân vật xứ Nghệ, sđd, tr 666, 667, 668.
[21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 4, Nxb Thuận Hóa, 2006.
Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An, sđd, trang 63, 238;
Ninh Viết Giao, Diễn Châu 1380 lịch sử - văn hóa – nhân vật, sđd, trang 342.
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội