Thành cổ Vinh
Thành phố Vinh - trái tim của Xứ Nghệ - mảnh đất có bề dày lịch sử hàng trăm năm, nơi từng được vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn làm nơi xây dựng kinh đô vào năm 1788. Để từ đó còn có tên gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Đến hôm nay, trong hơi thở của cuộc sống nhộn nhịp và sôi động thành phố Vinh vẫn ôm trong mình những nét cổ kính, hoài niệm về một thời xưa cũ. Một trong những nét đẹp hoài cổ của thành phố Vinh, một dấu tích xưa, một công trình kiến trúc độc đáo có giá trị lịch sử - văn hóa vô cùng to lớn, đó chính là: Thành cổ Vinh.
Thành Vinh ngày xưa thuộc xã Vĩnh Yên, phủ Yên Trường, tỉnh Nghệ An. Nay là địa phận phường Cửa Nam -Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ an. Thành có tên gọi cũ là Thành nghệ An, trong dân gian còn có tên là Thành con rùa (thành quy hình). Sở dĩ đc gọi là thành con rùa là bởi thành đc xây theo hình 6 cạnh, đứng trên núi Quyết nhìn xuống trông giống như con rùa.
Thành được xây dựng vào triều Nguyễn, đời vua Gia Long. Năm 1802, nhà Nguyễn giành được chính quyền từ vương triều Tây Sơn. Mặc dù rất thù ghét Nguyễn Huệ - Quang Trung, nhưng Gia Long không thể làm ngơ trước cái nhìn có tầm kiệt xuất của nhà quân sự thiên tài Quang trung- Nguyễn Huệ rằng: núi Quyết, sông Vĩnh có tầm thế của một đế đô thì sao lại không đáng để xây trấn sở của một tỉnh. Chính vì vậy, năm 1804 Gia Long khởi công xây dựng thành. Tuy nhiên, do muốn xóa đi dấu vết triều Tây Sơn nên Gia Long không cho xây Thành ở núi Dũng Quyết mà xây ở địa phận 2 tức là Xã Vĩnh Yên thuộc phủ Yên Trường, chính là nơi mà dấu tích của thành vẫn còn mãi đến bây giờ.
Thành được xây bằng đất.Triều đình vua Gia Long đã huy động 1.000 lính Thanh Hoá, 4.000 lính Nghệ An để xây thành. Đến đời vua Minh Mạng, năm 1831 thành được xây bằng đá ong với quy mô to lớn, kiên cố hơn. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp đã lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền - một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ để xây dựng. Như vậy là chúng ta có thể thấy được quy mô xây dựng thành và vị thế của thành là rất quan trọng. Thành được xây dựng chính bằng sức của nhân dân, thậm chí là bằng cả máu và nước mắt của nhân dân.
Thành có cấu tạo hình lục giác, với diện tích khoảng 420.000m2 , chu vi là 2.520m. bao gồm 2 vòng thành: vòng thành trong và vòng thành ngoài. Cùng với hệ thống Thành cao là hệ thống hào sâu. Hào được đào sát bờ thành để lấy đất đắp lũy thành và cũng là hệ thống bảo vệ, tăng thêm sự khó khăn khi đối phương tấn công vào thành. Hệ thống hào hàng năm còn được thả sen để lấy hạt cống nạp triều đình. Thành có 3 cửa ra vào: cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu.
Cửa Tiền là cửa chính hướng về phía nam với ý thức hướng về kinh đô Huế, là cửa để vua ngự giá. Nhà vua được nghênh tiếp một cách long trọng tại đây, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào cũng được nghênh đón tại đây. Cửa Tả mở về hướng đông. Chính giữa phía trên vòm cổng khắc hai chữ Hán: “Tả môn”. Phần móng của cổng nay đã bị lấp kín bởi đoạn đường này đã được rải nhựa năm 1990. Cửa Hữu được mở về hướng tây. Phần móng trung gian còn lộ ra những phiến đá xanh được mài nhẵn với nhiều kích thước khác nhau. So với cổng Tiền và cổng tả thì thân cồng Hữu vẫn còn nguyên vẹn hơn cả.
Các cổng đc thiết kế mái vòm. Đứng ở giữa cổng thành ta vừa có cảm giác như đứng ở giữa một ngôi nhà nhỏ kiên cố, lại vừa có cảm giác như đứng trong một lô cốt chắc chắn. Có thể nói, thành Nghệ An được thiết kế như một pháo đài quân sự, có khả năng phòng thủ cao.
Trên đường vào các cổng thành, bắc qua hào sâu thì được xây cầu để đi lại. Cầu được xây theo kiểu vòm cuốn. Dưới phần móng xây bằng đá rất kiên cố. Cầu rộng 4,42 m, cao 2,5m lòng cầu rộng 3,5m thuyền có thể qua lại dưới vòm cầu dễ dàng. Vào thời Nguyễn, bên trong thành, công trình lớn nhất là hành cung. Cùng với đó là các cơ quan như dinh thống đốc, dinh bố chánh, lãnh binh, dinh đốc học, trại lính và nhà ngục. Toàn bộ thành được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.
Có thể thấy Thành Vinh ra đời nhằm tạo ra một trung tâm chính trị, quân sự, vừa là một công trình phòng thủ của tỉnh Nghệ An. Vậy nhưng năm 1885 Thực dân Pháp nổ súng xâm lược đất nước ta. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn chống cự yếu ớt nên thành Vinh nhanh chóng rơi vào tay thực dân Pháp. Kể từ đó, Thành Vinh đã trở thành chứng tích của một thời kỳ bi thương mà hào hùng của nhân dân Nghệ An.
Nơi đây chứng kiến sự đấu tranh dũng cảm của người chị gái thương yêu của Bác - bà Nguyễn Thị Thanh. Bà đã tổ chức lấy trộm súng của doanh trại để cho nghĩa quân có đủ vũ khí đánh úp thành, song việc bị bại lộ, bà bị bắt và bị giải vào nhà Lao Vinh, bị tra tấn giã man. Phiên tòa ngày 4/6/1918 đã xử bà chịu đánh 100 trượng và đày khổ sai 9 năm. Tiếp đó là thời kì sục sôi khí thế của cao trào cách mạng 30,31. Thành Vinh trở thành nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt, chứng kiến tinh thần dũng cảm hy sinh của nhân dân xứ Nghệ để làm nên một đỉnh cao Xô Viết. Đến năm 1941, thành Vinh lại chứng kiến sự hy sinh của Đội Cung và những binh sỹ yêu nước đứng trong hàng ngũ quân đội Pháp. Hôm nay, mộ của các anh vẫn nằm lặng lẽ và uy nghi dưới những tán cây xanh thắm trong thành cổ. Thành Vinh còn là nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ của Bác hồ và nhân dân Nghệ an trong 2 lần về thăm quê hương . Bia dẫn tích nay vẫn còn ghi : “Nơi đây vào 14h ngày 14 tháng 7 năm 1957 Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân nghệ An sau 50 năm xa quê”.
Trải qua quá trình lịch sử, lớp bụi thời gian và sự tàn phá của chiến tranh đã khiến Thành không còn được nguyên vẹn. Chỉ còn 3 cổng thành vẫn còn giữ được những kết cấu cơ bản, vẫn sừng sừng án ngự giữa những con đường vào thành nội. Nếu một lần được độc bước trên những con đường vào thành nội, được chạm tay vào những lớp rêu phong cổ kính, được đứng dưới những cánh cổng uy nghi và được về thăm lại những chứng tích lịch sử thì chúng ta mới có thể hiểu hết đc giá trị vô giá của Thành cổ Vinh.
Trần Thị Thu Hằng
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội