Về đền Diên Cờ xứ Nghệ
Tổ tiên từng dạy, muốn vững bước vào tương lai thì phải trân trọng và mang theo hành trang từ quá khứ…, bởi quá khứ, ở một giới hạn nào đó, được định hình bởi di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Có hiểu rõ lĩnh vực này một cách đầy đủ thì người Việt mới muôn thuở là người Việt, với một bản sắc văn hóa riêng biệt để đoàn kết và yêu thương trên con đường xây dựng đất nước đầy chông gai trong lịch sử. Nối tiếp cha ông, việc tôn sùng những kiến trúc tưởng như chỉ gắn với tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội liên quan, suy cho cùng, hiểu một cách chân thực nhất là để tìm ra một hướng đi trên nền tảng trí tuệ mà người xưa đúc kết, đó là “phi trí bất hưng”.
Một duyên may, đã
“xô đẩy”
chúng tôi đến với đền Diên Cờ xứ Nghệ
(xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc)
- Ở nơi ấy, một kiến trúc khang trang, to lớn đang từng bước hoàn thiện. Được tiếp cận với nhân dân, đặc biệt là các cụ cao niên, sự khao khát về một dòng chảy tư tưởng, về một
“không gian chiêm bao”,
khiến chúng tôi vô cùng xúc động, với những cung bậc tình cảm của người đang đứng ở ranh giới giữa hai kiếp đời. Trước xúc cảm ấy, chúng tôi cố đem hết năng lực để tìm hiểu, góp ý, nhằm tôn tạo cho Diên Cờ thành một kiến trúc văn hóa hoàn chỉnh hơn. May mắn thay, về cơ bản, kiến trúc này đã được tôn tạo theo một trật tự nhất định của truyền thống - Mở đầu là nghi môn khá đồ sộ, với ba cửa vào, hình vòm cuốn ở tầng đế, thoáng như vẫn có hơi hướng của những cửa
“nhập tẫn”, “xuất huyền”
để nhập vào lẽ đạo. Phảng phất đâu đó, tinh thần của Nho giáo đã thâm nhập vào tư duy dân gian, mà biểu hiện cụ thể là ba tầng lầu ở phía trên, đều được kết cấu theo hình thức hai tầng tám mái, như gắn với triết lý
“Tam tài” (thiên - địa - nhân) và “Dịch học”.
Từ nghi môn, theo đường thần đạo, vào cung đệ nhất. Trước mặt tòa này là bức bình phong, với ý nghĩa để chống quỷ dữ và khí độc thâm nhập vào chính điện. Sát phía trước của bình phong, là tượng hổ bằng đá, với tư cách là thần linh cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà, sát quỷ, đồng thời, cũng biểu trưng cho uy lực của nhà thánh. Trước bình phong còn có một ban thờ nhỏ, bằng đá, tạo nên một chỉnh thể trong việc thờ cúng Thổ Địa. Sau bình phong, qua một sân hẹp là đến cung đệ nhất, với kiến trúc ba gian, hai chái lớn. Tòa này, được kết cấu theo kiểu hai tầng tám mái, với các góc đao cong duyên dáng. Điều đáng quan tâm, là yếu nghĩa gắn với
“triết học”
truyền thống của ông cha ta đã được tuân thủ một cách khá triệt để. Trước hết, nền của tòa này được bó vỉa đá để xác nhận về một “không gian thiêng” của thánh/thần - Theo các nhà dân tộc học, trong tích truyện xưa của nhân loại, thời kỳ đồ đá, đồ đồng qua đi, các hiện vật của đương thời dần chìm vào trong lòng đất và con người cũng dần quên đi. Sau đó, do một sự vô tình nào đó, họ gặp lại những hiện vật này. Họ không tin đó là sản phẩm do con người làm ra và cũng không tin những vật ấy có sẵn trong tự nhiên. Cuối cùng, họ đã gán cho những vật đó là của thần linh… Rồi, bằng tư duy liên tưởng, những thứ bằng đá, bằng đồng được con người cho là vật mang một “sức linh” nhất định. Sau đó, những chất liệu này đã được sử dụng làm đồ thờ, linh đạo, ngưỡng cửa, bậc thềm, bó vỉa nền kiến trúc thờ tự…
Ở mặt đứng kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, đối với những tín đồ kính ngưỡng thần linh, bao giờ họ cũng mong muốn, khi hành lễ, thắp hương được đứng trong dòng chảy sinh lực thông tam tầng vũ trụ: thiên - địa - nhân. Trong kiến trúc đền Diên Cờ cũng rất dễ nhận ra điều này, đó là: mái tượng trưng cho tầng trời, với các biểu tượng về mặt trời, mặt trăng, đôi hồi long tượng cho mây và những chi tiết khác mang ý nghĩa cầu mưa, cầu mùa, cầu sinh xôi, phát triển… Qua kiến trúc này, bậc trí giả còn dễ liên tưởng tới yếu nghĩa của Dịch học như sau: có thể tạm hiểu, cả tòa nhà như Thái cực, với mái trên nhẹ là Dương, mái dưới nặng là Âm. Âm - Dương, tức Lưỡng nghi đối đãi mà thành Tứ tượng
(Thái dương/Thiếu âm, Thái âm/Thiếu dương),
tượng bằng bốn phía mái. Tứ tượng đắp đổi mà chuyển hóa thành Bát quái
(tượng trưng bằng 8 lá mái).
Bát quái biến hóa vô cùng, sinh thành muôn loài, muôn vật. Ý thức này ít nhiểu đã chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo, để cầu cho muôn vật ngày một tăng trưởng theo ước vọng của con người, hợp với tư duy nông nghiệp muôn thuở của người Việt. Và, đó cũng là ước vọng của những người con Diên Cờ xưa và nay.
Vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng Dịch học nên kiến trúc này chỉ đứng độc lập, không hề có chuôi vồ (phần hậu cung nhô về phía sau). Qua một khoảng sân rộng thứ hai, đến cung đệ nhị. Kết cấu của tòa này như là sự lặp lại kết cấu của cung đệ nhất. Tuy nhiên, kiến trúc lại được dựng trên nền cao hơn 2 bậc
(khoảng 30cm).
Hai cung đệ nhất và đệ nhị ít nhiều chịu ảnh hưởng của kiến trúc Huế, như đã xuất hiện hình thức hồi long ở bờ nóc, đặc biệt là ở cổ diêm giữa hai tầng mái, được bưng lại, với hình thức chia ô, mà ít nhiều chúng ta như thoáng thấy bóng dáng của hình thức điêu khắc rõ rệt. Những đường chia ô khá lớn, nổi khối, nhô ra phía trước, như muốn đẩy hình trang trí lùi về phía sau. Đây là một giải pháp kỹ thuật, tạo cho đề tài được thể hiện trong ô mang giá trị mỹ thuật cao hơn. Sau cung đệ nhị, là một khoảng sân rộng, dẫn vào cung đệ tam, là nơi thờ những vị thần chính của cả quần thể kiến trúc này. Các kiến trúc sư và chủ hưng công đã khẳng vị trí trọng tâm thờ tự của tòa này bằng cách đặt nó trên một nền cao nhất - 9 bậc
(cửu trùng),
với kết cấu 5 gian, 2 chái và mặt đứng với 3 tầng mái, 12 góc đao cong, hai lần cổ diêm. Đứng trước tòa này, khách hành hương như không khỏi suy ngẫm về sự to lớn tương đối của kiến trúc, các vị thần được thờ, mà còn phải chú ý đến tính triết học của nó. Cụ thể như: đối với những ngôi chùa, kiến trúc ba tầng mái, thường nằm sau Phật điện, mang ý nghĩa “tam phẩm vãng sinh”, gắn với thế giới của Tây phương cực lạc, nơi của những chúng sinh có Phật quả cao, thấp khác nhau, được tái sinh từ những bông sen to, nhỏ và ở các tầng bậc khác nhau. Đương nhiên, thế giới của các kiếp đời đã qua còn gắn với tháp cửu phẩm liên hoa nằm trong tòa nhà ba tầng đó.
Đối với những cung điện, hoặc những kiến trúc phi Phật, thì tòa nhà 3 tầng mái lại biểu trưng cho Tam tài
(thiên - địa - nhân, tức ba thế lực chính chi phối 3 thế giới của vũ trụ theo trục đứng),
thường ở phía trước, như Hiển Lâm các của Thế miếu, thuộc Đại nội Huế.
Trở lại với đền Diên Cờ, nếu chỉ nhìn vào hình thức, chúng ta dễ nghĩ, tòa nhà 3 tầng mái này ít nhiều chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Song, một bức hoành phi được treo bên trong, với nội dung
“Chí quán tam tài”,
đã như nhắc nhở chúng ta, đây là một kiến trúc gắn với trời - đất - thế gian, để con người và muôn vật luôn được nương vào nguồn sinh lực vô bờ bến của trời cha, đất mẹ mà sinh sôi, phát triển. Tinh thần
“Chí quán tam tài”
ấy, có thể không chỉ dừng lại ở kiến trúc một tòa nhà này, mà còn được thể hiện trên mặt bằng tổng thể, với ba cung kế nhau (cung đệ nhất, đệ nhị, đệ tam)… Như vậy
, “Chí quán tam tài”
là ý thức chủ đạo trong hệ kiến trúc này, được thể hiện qua kết cấu mặt bằng và cả mặt đứng… Suy cho cùng, đó là sự tổng hòa, tổng hợp từ những đặc trưng kiến trúc cổ truyền Việt và sự sáng tạo, phát triển của đương đại, với khát vọng muôn đời, muôn thuở, đó là thiên - địa - nhân
(trời - đất và người)
hợp nhất...
Hiện nay, trong cách bài trí tượng thờ tại ba cung như vẫn chưa có được sự ổn định và thống nhất, đòi hỏi cần có sự tham khảo đầy đủ để bày biện sao cho đúng với vai trò, tính chất của các vị thần được thờ.
Thông thường, đối với những kiến trúc gắn với triết lý “Tam tài”, thì tòa đằng trước, thường gần gũi với thế gian, nếu là chùa thì đó là nơi chúng sinh ngồi tụng kinh, còn trong trường hợp của đền Diên Cờ, vị trí này
(cung đệ nhất)
thích hợp với nhân vật lịch sử - Cương Quốc công Nguyễn Xí. Và, tòa sau cùng (cung đệ tam), với ba tầng mái, nên gắn với Cao Sơn
(núi cao),
Cao Các
(gác cao),
vì đỉnh núi thường có mây vờn, chân núi chìm trong lòng đất - Ở khía cạnh văn hóa tín ngưỡng và tâm linh, núi là một trục vũ trụ trong quan hệ đối đãi giữa trời cha và đất mẹ, một cặp uyên ương thần - thánh, thuộc tư duy liên tưởng mênh mông của người xưa. Đương nhiên, cung đệ nhị thích hợp với việc thờ Mẫu Liễu Hạnh và chư vị thần linh thuộc hệ tín ngưỡng này…
Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu và Thánh Mẫu Liễu Hạnh như ở đền Diên Cờ là một sự hội nhập tất yếu của tín ngưỡng dân gian, đồng thời, chúng ta cũng hiểu, đứng đầu trong trong hệ Tứ bất tử của người Việt là Đức Thánh Cả - Tản Viên, rồi tới Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Quan niệm dân gian xưa cho rằng, mưa là nguồn sinh lực của trời cha tràn vào lòng đất mẹ cho muôn loài sinh sôi... Nhưng, không phải lúc nào cũng có mưa, vậy nguồn sinh lực đó còn có thể theo con đường nào vào lòng đất mẹ để duy trì sự sống thế gian (?) Một giả thiết để làm việc được đặt ra là: loài người, sau khi tràn xuống đồng bằng, họ quay nhìn lại, thấy mây vờn trên đỉnh núi và chân núi chìm trong lòng đất, đặc biệt là với những quả núi cao, đứng độc lập, nên với tư duy liên tưởng, họ đã sớm nhìn nhận, núi là một gạch nối giữa trời cha và đất mẹ - đó là con đường đảm bảo sự phồn sinh của muôn loài, muôn vật trên thế gian - Đối với người Việt, núi Tổ, như khởi đầu được gán cho núi Ba Vì. Từ Ba Vì mà thần Núi được đời hóa, nhân cách hóa để trở thành ba vị thần: Tản Viên, Cao Sơn và Qúy Minh. Qua đó, chúng ta hiểu rằng, đây là một biểu tượng về
“Tam vị nhất thể”
- ba mà là một, một mà là ba. Rõ ràng, từ Cao Sơn chỉ núi cao, dễ nhận thức đối với cư dân nông nghiệp Việt, nên vị thần Cao Sơn đã tràn đi khắp mọi miền theo bước chân của tộc người chủ thể. Cũng vì thế mà Cao Sơn sớm trở thành vị thần biểu trưng của nguồn hạnh phúc nông nghiệp, nên dù cho, những địa phương không có núi vẫn thờ Ngài là Đức Thánh Cả. Với một vị anh hùng văn hóa được nảy sinh từ thời nguyên thủy như Tản Viên, muốn tồn tại trong lịch sử thì đương nhiên phải được người đời bổ sung cho những thần tích, như lấy vợ, giúp nước chống ngoại xâm, hay dạy dân những nghề sản xuất cụ thể để thích ứng với yêu cầu tâm linh của cư dân ở các địa phương khác nhau. Vì thế, đối với nhiều nơi, trong đó có Diên Cờ, các nhà Hán học đã tìm thấy vẻ đẹp của Cao Sơn, Cao Các trong các sách xưa để lại. Đó là một tất yếu của lịch sử để vinh danh hơn nữa các vị thần được thờ.
Với Cương Quốc công Nguyễn Xí, vị tướng anh hùng của Lê Lợi, có công lớn trong việc chống quân Minh xâm lược. Ngài đã từng đánh Đông, dẹp Bắc. Sau hiển thánh, Ngài đã trở thành phúc thần, đặc biệt đối với cư dân gắn với những con thuyền xuôi ngược nối Nghệ An với vùng châu thổ Bắc Bộ. Theo dòng lịch sử, vai trò của Ngài đã vượt ra ngoài quê gốc để trở thành vị thần được tôn thờ trong tâm thức chung của người Việt - Ngài, đã nhập vào hệ thống thờ Mẫu để mang tư cách quan Hoàng Mười, với một phong thái của người trí thức phong lưu, đại diện cho ước vọng muôn dời, muôn thuở của cư dân thôn xã và trở thành một vị thần chính trong thần điện của tín ngưỡng thờ Mẫu. Không một cuộc hầu đồng nào vắng giá hầu Ngài, với tư cách của một người cha ban phúc lộc cho những tín đồ của hệ thống thần điện này. Thông thường, những nơi thờ riêng Ngài, cũng như các vị thần linh khác, theo tinh thần chung của người Việt thường phối thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Theo đó, ở trung tâm của cung đệ nhất, đền Diên Cờ là nơi ngự của Ngài, với gian sát bên trái là nơi của Thánh Phụ và tương ứng bên phải là nơi thờ Thánh Mẫu. Tất nhiên, ban thờ Thánh Phụ, thánh Mẫu, thường được làm nhỏ hơn ban thờ chính chút ít, nhưng cũng đủ để biểu hiện sự kính ngưỡng đối với Thánh và để làm gương cho người đời noi theo.
Tục thờ Mẫu ở nước ta bắt nguồn từ thời nguyên thủy, với bà chúa Rừng, rồi qua bà mẹ Xứ Sở, xuống đến vùng đồng bằng giáp biển thì xuất hiện hệ Thánh Mẫu Tứ phủ, bao gồm bốn hệ thống cơ bản:
Hệ thứ nhất,
thuộc thế lực sáng tạo, bao gồm Thánh Mẫu Thượng Thiên - sáng tạo ra bầu trời sinh lực, gắn với màu đỏ; Thánh Mẫu Thượng Ngàn - sáng tạo ra miền rừng núi, với những của cải để nuôi sống muôn loài và là nơi đón nhận các kiếp đời đã qua ở thời nguyên thủy, thường gắn với màu xanh lá cây
(đậm);
Thánh Mẫu Thoải - sáng tạo ra sông, hồ, biển cả, đảm bảo cho cuộc sống nông nghiệp phát triển, bởi người Việt luôn có ý thức sử dụng nước trên mặt
(tại chỗ),
nên thế giới của bà được tượng trưng bằng màu trắng; Thánh Mẫu Địa - sáng tạo ra miền đất phì nhiêu để cày cấy, thuộc tư duy nông nghiệp, tượng bằng màu vàng. Về sau, người ta cũng nhập vào thế giới của Mẫu một bà mẹ thứ năm, đó là bà Bán Thiên, mang tư cách kiêm tri đôi nước, được biểu trưng bằng màu hồng cánh sen. Theo nhận thức của người xưa, với tư duy nông nghiệp thì hệ thống này được phân đôi theo
“cái sống” và “cái chết”,
nên có Tứ phủ nhưng chỉ có Tam tòa, với sự phân định, Tứ phủ là bốn miền của vũ trụ
(trời, rừng, nước, đất).
Tam tòa đối với cư dân nông nghiệp thường bao gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải và Mẫu Địa. Với trung tâm là Mẫu Thượng Thiên, bên trái bà là Mẫu Thoải và bên phải là Mẫu Địa, vì Thánh Mẫu Thượng Ngàn còn gắn với thế giới của những kiếp đời đã qua, nên thường được làm ban thờ riêng, với hình thức động Sơn Trang. Và, nơi ấy gắn với thế giới của những người đã khuất, đã đạt những đạo quả nhất định mà được tái sinh và kết tụ lại/đại diện là Thập nhị Tiên nàng, rồi các cậu Cửa rừng, Cửa biển… Khi tín ngưỡng thờ Mẫu thâm nhập vào đô thị, được tầng lớp thị dân hưởng ứng tích cực. Họ không quan tâm nhiều đến trồng trọt, nên bà Mẹ Đất không thấy xuất hiện trong hệ Tam tòa, mà với ước vọng “tiền rừng bạc bể”, Tam tòa được chuyển hóa thành Thánh Mẫu Thượng Thiên ở giữa, Thánh Mẫu Thoải ở bên trái và Mẫu Thượng Ngàn ở bên phải, mặc dù, nhiều khi vẫn có động Sơn Trang riêng (thường ở bên phải của tiền bái hoặc dựng động riêng ở bên ngoài).
Hệ thống thứ hai,
bao gồm Ngũ vị Tôn ông, còn gọi là Ngũ vị Quan lớn, đó là những vị tối thượng thần biến ý đồ sáng tạo của Thánh Mẫu thành hiện thực, cũng có nghĩa là sáng tạo ra muôn loài, muôn vật trong vũ trụ.
Hệ thống thứ ba,
mang tư cách phát huy ý đồ sáng tạo, đó là các ông Hoàng, bà Chúa/Chầu. Đây là các vị thần/thánh gắn với những thế lực tự nhiên, siêu nhiên (như thần Nước - ông Hoàng Ba…) và một số nhân thần được thiêng hóa, đã có công dựng nước và giữa nước, như: Quan lớn Triệu Tường, người có công khai mở đất đai phía Nam; Quan Hoàng Sáu là Trần Lựu, đã dụ Liễu Thăng vào Chi Lăng và chém đầu; Quan Hoàng Bảy Nùng Trí Cao, đem quân sang tận đất Tống đánh kẻ xâm lược; Quan Hoàng Chín Lê Khôi, ngự ở cửa Cờn (Qùnh Lưu) và quan Hoàng Mười Nguyễn Xí, là hai vị có công rất lớn trong việc chống giặc Minh, sau được chuyển hóa thành các thần thương mại. Trong hệ thống này còn có các Chúa/Chầu bà, thường là những người có công dạy dân làm nghề sản xuất, phát triển và giữ yên hậu phương. Trong các bà, đã có một số vị tham gia chiến trận, như bà Bát Nạn (đền Đồng Bằng, Thái Bình, là tướng của Hai Bà Trưng), hay Chầu Mười Mỏ Ba, đã có công lớn trong việc đánh quân Minh ở Chi Lăng, Đồng Mỏ (Lạng Sơn).
Hệ thống thứ tư,
là những vị được coi như điển hình của đạo và đức, biết thương yêu, xả thân vì đồng loại, chúng sinh và một lòng kính Mẫu, nên sau khi mất đi, thường được chôn ở trong rừng (nghĩa trang xưa) và được tái sinh dưới sự bảo trợ của Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Đã tái sinh thì khởi đầu phải qua kiếp trẻ con, mang hình hài của cô và cậu. Suy cho cùng, cô và cậu đã được nhiều cư dân trên thế giới thờ phụng để làm gương cho người đời.
Đối với đền Diên Cờ, có lẽ, Tam tòa Thánh Mẫu, đã được chuyển hóa để mang hình hài của Thánh Mẫu Thượng Thiên, Thánh Mẫu Thượng Ngàn và Thánh Mẫu Thoải, bởi trên chính điện đã thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đối với một điện thờ Mẫu, vị trí quan trọng nhất là nơi của thủ điện, bao giờ cũng được đặt ở hàng thứ hai - trước Tam tòa Thánh Mẫu, với tượng thường được làm to hơn. Trên ban thờ này, để tạo nên sự cung kính và linh thiêng, người xưa thường điểm xuyết các thị giả là cô và cậu, với tay cung kính dâng hộp/đĩa trầu và những đồ lễ khác. Cũng như cung đệ nhất, ở cung đệ nhị, thủ điện là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, nên cũng cần có ban thờ Thánh Phụ và Thánh Mẫu.
Trong nhận thức của người xưa, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được nảy sinh vào khoảng cuối thế kỷ XV và phát triển mạnh vào thế kỷ XVI, tương ứng với thời kỳ thương mại trên đà phát triển. Chính từ thực tế lịch sử này, để đáp ứng với không gian nhỏ hẹp của các thuyền buôn, một sáng tạo của người Việt là hội tụ các Thánh Mẫu lại để sáng tạo ra một Thánh Mẫu duy nhất, đại diện cho cả bốn miền vũ trụ, cho nên, sự tích của Mẫu, có lúc gắn với Mẫu Thượng Thiên, có lúc gắn với rừng núi, nước và cả ruộng đất. Thời gian xuất hiện Mẫu Liễu Hạnh, cũng tương ứng với thời gian xuất hiện Quan Âm Nam Hải trên Phật điện của người Việt
(vị Quan Âm bảo hộ cho các thương thuyền và cứu khổ, cứu nạn muôn mặt của chúng sinh).
Cũng như nhiều miền quê khác, trên dòng trôi chảy của tư duy liên tưởng thuộc lĩnh vực dân gian, người Diên Cờ còn hội vào ngôi đền này một số vị thần linh khác, như Đức Thánh Trần... Đó là một vấn đề thuộc lịch sử - xã hội, đã tồn tại ở thời kỳ đã qua, đòi hỏi chúng ta cần tôn trọng.
Thoáng qua đôi nét về yếu nghĩa triết học trong kiến trúc cùng hệ thần linh để cùng nhau thấy rằng, đền Diên Cờ với những nét độc đáo và riêng biệt luôn hòa trong dòng chảy lịch sử - văn hóa chung của xứ Nghệ và dân tộc. Đó là một điểm sáng về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nơi quy tụ nhân tâm, giữ mạch nguồn kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai.
Với giá trị Văn hóa, Lịch sử và Khoa học thẩm mỹ, năm 2016, di tích đền Diên Cờ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Theo Anh hùng Lao động - Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, việc phục dựng ngôi đền, vừa có giá trị củng cố đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân vùng biển, vừa có giá trị giáo dục cho thế hệ noi gương những bậc nhân thần, tiên hiền để phấn đấu, học tập, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đền Diên Cờ được trùng tu, khôi phục là thành quả của chủ trương đúng đắn, xã hội hóa các hoạt động phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh. Được đến thăm và chứng kiến đền Diên Cờ, một công trình văn hóa lịch sử gắn với tên tuổi của những vị tiên liệt của nước Việt ta, tôi càng ghi nhận công lao, tâm sức và sự tri ân của thế hệ hôm nay. Từ công trình này mỗi người đến đây sẽ chiêm nghiệm cho mình về trách nhiệm với dân, với nước trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay./.
Nguyễn Thức - Kim Dung
QUY TRÌNH VỀ DI TÍCH DANH THẮNG
- 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 19/2020/QĐ-UBND QUYẾT ĐỊNH Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 15/2019/TT-BVHTTDL THÔNG TƯ Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Số: 166/2018/NĐ-CP NGHỊ ĐỊNH Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 110/2018/NĐ-CP Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội