LỄ HỘI ĐỀN NGHĨA SƠN – LỄ HỘI CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

11:43 03/12/2018

Lễ hội đền Nghĩa Sơn, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được hình thành từ đầu thế kỷ XIX, gắn liền với sự ra đời của ngôi đền thiêng làng Nghĩa Sơn, đền thờ Tam phủ hội đồng, trong đó dòng chính là Thủy phủ. Tín ngưỡng thờ Thủy phủ đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống tâm linh của cư dân sông nước, sống bằng nghề chài lưới trong đó có cư dân làng Nghĩa Sơn. Lễ hội thường được tổ chức 3 năm một lần vào các ngày 14, 15 tháng 2 âm lịch các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Từ đó đến nay, dân làng vẫn duy trì lễ hội, mặc dù lễ hội đã trải qua các bước thăm trầm của lịch sử nhưng hiện nay lễ hội vẫn đã và đang được bà con duy trì thực hiện. Lễ hội đền Nghĩa Sơn diễn ra với nhiều hoạt động phong phú mang đậm nét văn hóa của cư dân sống bằng nghề sông nước.

Đội rước trong lễ hội đền Nghĩa Sơn

* Phần lễ

- Lễ Kỳ Yên trên sông:

Sáng ngày 14 tháng 2 âm lịch nhân dân trong vùng tổ chức lễ rước thuyền rồng, kiệu rồng lên thuyền để làm lễ chiêu nghinh thượng, hạ cận với mục đích mời các vị thủy thần về dự lễ Kỳ Yên.

* Lễ Kỳ Yên

Đội tế tiến hành làm lễ Kỳ yên trên thuyền. Lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống với các nội dung: khởi chinh cổ, thượng hương, tiến tửu, đọc tấu kỳ yên... Sau khi làm lễ Kỳ yên xong nhân dân mang hến rạy rải xuống sông, đây là lễ “sái hến cầu ngư”. Nghi thức này có ý nghĩa như lễ phóng sinh nhằm cầu mong cho các loài thủy tộc sinh sôi nảy nở để phục vụ cho đời sống của cư dân sông nước.

Lễ Kỳ Yên trên sông

*Lễ tống long châu

Long châu là thuyền rồng được đan bằng các thanh tre, nứa, xung quanh thân thuyền dán giấy màu đủ loại để trang trí cho chiếc thuyền thêm rực rỡ. Trên thuyền có dán các hình nhân bằng giấy màu, được bố trí 2 bên mạn thuyền với tư thế đang chèo thuyền. Trước tiên thầy cúng làm lễ khai quang tức là xua đuổi đi những cái trần tục, ma quỷ, làm cho lễ vật thanh sạch để dâng cho các thần, sau đó là điểm nhãn các con mắt của thuyền rồng, cuối cùng là hát văn khoa tống Long châu và tấu điệp văn tống Long châu. Sau khi cúng xong, thuyền rồng được đưa đến ngã ba sông, thả xuống, và châm lửa đốt nhằm tống khứ đi những điều xấu xa, những rủi ro tai ách, mang lại những sự tốt lành, bình an cho nhân dân trong làng.

Lễ tống long châu

Chiều ngày 14 tháng 2 âm lịch nhân dân tổ chức lễ rước về, đây là lễ hồi cung thánh giá ( rước thánh hồi cung ), sau đó làm lễ an vị tại đền.

- Lễ Yết Cáo

Lễ Yết cáo được tổ chức vào tối ngày 14/2 âm lịch. Trước khi vào lễ, thầy cúng hát hầu văn dâng thánh với văn cúng Mẫu Thủy, văn tả hữu linh quan. Sau đó, đội tế làm lễ yết cáo 1 tuần theo nghi thức cổ truyền. Sau lễ Yết cáo, các gia đình trong làng mang lễ ra đền làm lễ Kỳ yên giải hạn cho gia đình mình.

- Lễ Đại tế.

Sáng ngày 15/2 âm lịch ban khánh tiết, đội tế, cùng nhân dân tập trung tại đền để làm lễ đại tế với 3 tuần rượu ( hành sơ, hành á, hành chung ) và đọc tấu văn ca ngợi công đức của các vị Tam phủ, thành hoàng bản cảnh, đồng thời xin các vị Thành hoàng ban phúc, ban lộc cho toàn dân làng. Các nghi thức tế lễ diễn ra rất trang trọng, tôn nghiêm đậm chất cổ truyền.

- Phần hội:

Hình thức hội đặc biệt nhất ở đền Nghĩa Sơn là hội đua thuyền, bơi trải, đây là những hoạt động gắn bó với sinh hoạt của cư dân sông nước. Làng tổ chức các đội nam, đội nữ bơi thi, có khi còn mời các đội bơi của các làng khác để đọ sức. Đây là  hoạt động thu hút được đông đảo nhân dân trong làng và những làng xung quanh tham gia hưởng ứng. Đặc biệt, những năm gần đây mỗi khi làng tổ chức hội bơi, nhân dân làng Nghĩa Sơn ở khắp mọi miền tổ quốc, nhất là dân di cư vào Tây Nguyên từ già đến trẻ có khi cả đại gia đình đều về tham dự lễ hội với tâm lý háo hức phấn khởi và đầy tự hào của dân làng Nghĩa Sơn.

Các hoạt động lễ hội đều do nhân dân làng Nghĩa Sơn thực hiện, họ là chủ thể của các hoạt động đó. Tất cả nhân dân trong làng không kể già trẻ, trai gái đều tự nguyện tham gia các hoạt động lễ hội. Từ việc lên kế hoạch, tổ chức phân công thực hiện đến đóng góp kinh phí, nhân lực, vật lực…Trước lễ hội nhân dân bầu ra các ban như: Ban ban tổ chức để phân công và giám sát công việc tổ chức lễ hội. Ban khánh tiết để chuẩn bị lễ vật, thiết lập đàn tràng trên thuyền. Ban tế lễ chuẩn bị tập luyện trình thức tế lễ theo nghi thức cổ truyền chuẩn bị các bài văn. Các dòng họ đăng cai việc chuẩn bị cho lễ hội như mua sắm và chuẩn bị các lễ vật dâng cúng, chuẩn bị mâm cỗ để mời dân làng tham gia. Các gia đình có thuyền lớn xin đăng ký kết cánh trảo để làm lễ trên thuyền. tràng trên thuyền. Thanh niên trai tráng trong làng tập trung ra đền để lau chùi đồ tế khí, điển phô trương thuyền rồng, kiệu rước trước sân đền và xin tham gia khiêng kiệu. Những người được chọn khiêng kiệu thần là niềm vinh dự cho cá nhân, cũng như cho cả dòng họ vì vậy họ phải tuân thủ những quy định của làng cũng như những kiêng kị về một số tục lệ khi tham gia khiêng kiệu như: gia đình không có tang, phải trai giới, trước và trong thời gian diễn ra lễ hội, không được ăn thịt chó và các loại thủy sản da trơn ...Tất cả mọi người dân, mỗi người một việc đều chung tay để tổ chức lễ hội. Qua lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng rất cao của nhân dân vùng sông nước làng Nghĩa Sơn.

Mặc dù hiện nay, làng Nghĩa Sơn chỉ có 75 hộ với gần 400 nhân khẩu những mỗi khi làng tổ chức hội thì con cháu đi xa nhất là những gia đình đi kinh tế mới ở Đắc Lắc về rất đông. Tất cả họ đều đồng lòng nhất tâm chung sức để tổ chức lễ hội thật chu đáo, sôi nổi. Với từng đó con người nhưng từ xưa đến nay nhân dân nơi đây vẫn tự đứng ra tổ chức thực hiện lễ hội của làng, không trông chờ ỷ lại vào các cấp chính quyền, các mạnh thường quân, hay các nguồn công đức. Theo bác Lư Minh Lục 90 tuổi, ở tại xóm 16 (làng Nghĩa Sơn), xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên cho biết: “ Tôi là người lớn tuổi nhất làng đã nhiều lần tham gia nhiều Lễ hội, nhưng lần nào cũng mang háo hức, chờ đợi. Lễ hội này đã có tờ xa xưa và vẫn lưu truyền được đến hiện nay. Con cháu chúng tôi đang tiếp tục lưu truyền và phát triển. Tất cả mọi công việc liên quan đến lễ hội đều do nhân dân trong làng đảm nhận từ việc quyên góp kinh phí, khâu chuẩn bị, khâu thực hiện đều do con em trong làng tự nguyện đứng ra gánh vác. Đến ngày hội làng, mọi công việc làm ăn đều xếp lại, con cháu ở xa đều về quê để tham gia dự lễ” .

Là lễ hội của cư dân vùng sông nước nên nghi thức thường được tổ chức rất cầu kỳ với nhiều lễ tục cổ truyền như lễ Kỳ Yên trên sông với lễ rước, lễ chiêu nghinh thượng, hạ cận, lễ tống long châu…., chính vì ý thức gìn giữ tốt mà hầu như các phong tục tốt đẹp của lễ hội đều được bảo lưu. Theo bác Lưu Minh Thông năm nay gần 70 tuổi cho biết: “ Các nghi thức sinh hoạt văn hóa như: lễ chiêu nghinh thượng, hạ cận, lễ cầu ngư, lễ kỳ yên trên sông hay lễ yết cáo, đại tế tại đền đều được nhân thực hiện theo truyền thống từ xưa đến nay nhất là cách thức bài trí các đàn tràng làm lễ trên sông, cách thức làm các cỗ đồ mã, long châu để tiến cúng đều được các nghệ nhân trong làng thực hiện tự nguyện không đòi hỏi kinh phí hay tiền công, cứ qua mùa lễ hội này các nghệ nhân lại tiếp tục chuẩn bị các cỗ đồ mã cho mùa lễ hội sau, họ xem đó là một vinh dự, một niềm tự hào được phục vụ thánh thần. Theo ý kiến của bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch xã Hưng Long cho biết: “ Lễ hội đền Nghĩa Sơn được nhân dân trong làng tự tổ chức thực hiện rất tốt phát huy được tính đoàn kết cộng đồng cao, nhân dân thực hiện rất bài bản, nghiệm túc, trật tự không có vấn đề lộn xộn, mất trật tự diễn ra tại lễ hội. Chính quyền địa phương ủng hộ về mặt chủ trương đường lối còn tất cả đều của dân, do dân và vì dân ”. Về mặt quản lý nhà nước bà Hoàng Thị Hoài Thanh – phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên cho biết: “ Lễ hội đền Nghĩa Sơn là một lễ hội của dân, do nhân dân và vì nhân dân rất điển hình trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Lễ hội đang được nhân dân nơi đây thực hiện rất tốt, có hiệu quả cao đặc biệt là qua lễ hội đã cố kết được cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Theo tôi trong thời gian tới chúng ta nên phát huy mô hình lễ hội này đồng thời trả dần lễ hội về cho nhân dân với đúng nghĩa là lễ hội của dân, do dân và vì nhân dân”

Hiện nay, rất nhiều lễ hội đang ngày càng bị hành chính hóa, với sự quản lý, chỉ đạo và thực hiện của các cơ quan ban ngành đang.Từ đó nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trồng chờ vào nhà nước từ kinh phí đến các khâu tổ chức thực hiện, người dân trong vùng thờ ơ đứng ngoài cuộc, từ đó làm mất đi ý nghĩa vốn có của lễ hội. Chính vì vậy, việc phát huy các giá trị lễ hội đền Nghĩa Sơn là việc làm cần thiết, mặt khác clà lễ hội của nhân dân do nhân dân./.

Nguyễn Thị Hưng



    DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

    DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ

    THƯ VIỆN HÌNH ẢNH

    SỐ LƯỢT TRUY CẬP

     

    BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH

    VIDEO TUYÊN TRUYỀN